Tuesday, March 5, 2024

Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt gây quỹ thực hiện các dự án cho tương lai

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (Vietnamese Heritage Museum-VHM) sẽ có buổi tiệc gây quỹ lúc 5 giờ chiều Chủ Nhật, 17 Tháng Chín, tại nhà hàng Royal Restaurant & Banquet, 9743 Bolsa Ave., CA 92683.

Những cuộc triển lảm hiện vật của Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt đều được đông đảo dồng hương hưởng ứng. (Hình: Viện Bảo Tàng Di Sản Di Sản Người Việt)

Chương trình văn nghệ có những ca sĩ được yêu chuộng là Thiên Tôn, Hugo, Mai Thanh Thúy, Hoàng Mỹ Vân, và Hoàng Hiệp.

Ông Châu Thụy, sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành VHM, cho biết: “Đây là lần đầu tiên sau bảy năm hoạt động, chúng tôi tổ chức tiệc gây quỹ để có thể phát triển trong lúc theo đuổi những mục tiêu trước mắt nhằm giúp thế hệ trẻ gốc Việt tìm hiểu và hãnh diện về những đóng góp của cha anh trên quê hương mới cũng như những gian khổ họ trải qua để tìm đến bến bờ tự do.”

Với số tiền gây quỹ được, VHM sẽ tiếp tục theo đuổi sáu dự án lớn lao trong thời gian tới.

Đây là sáu dự án nang nhiều ý nghĩa. Ông Châu Thụy và VHM biết vậy nhưng khi thực hiện được thì lịch sử tị nạn của thuyền nhân Việt Nam sẽ được cả thế giới thấu hiểu và ngưỡng mộ.

Lịch sử qua chứng tích

“Trước tiên, tôi muốn nhắc đến dự án về lịch sử qua những chứng tích,” ông Châu Thụy chia sẻ. “Đây là dự án quan trọng nhất của VHM.”

Ông tiếp: “Chúng tôi từng nỗ lực kêu gọi đóng góp hiện vật mang tính cách lịch sử tiêu biểu cho năm giai đoạn khác nhau. Là thời Việt Nam Cộng Hòa, rồi cuộc di tản 1975, rồi trại tù cải tạo, rồi trại tị nạn, và chương trình ra đi có trật tự (ODP). Mỗi hiện vật nói lên một câu chuyện độc đáo về sự sống còn, lòng can đảm, hy sinh của con người ở Việt Nam, trên biển cả, trong những trại tị nạn, và ở nơi họ tái định cư.”

Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt luôn nêu cao tinh thần dân tộc. (Hình: Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt)

“Dự án này nhấn mạnh đến cái giá của tự do mà các thế hệ người Việt tị nạn đi trước đã phải trả,” ông Châu Thụy nói thêm.

Lịch sử qua chuyện kể

Lịch sử qua chuyện kể do chính những người trong cuộc kể lại sự kiện quan trọng mà họ trải qua hoặc chứng kiến nhằm bảo tồn di sản người Việt tị nạn.

Ông nói: “Hầu hết các câu chuyện này được thu hình để chúng ta càng biết ơn và tôn trọng sức sống mãnh liệt, sự can đảm và lòng kiên trì của người Việt tị nạn.”

Dự án người Việt thành công

Dự án này có hai trọng tâm chính là để tôn vinh những cá nhân xuất chúng với những đóng góp vô giá của họ đối với xã hội, và lập bảng thống kê về những người có những thành tích xuất sắc này, ở Hoa Kỳ cũng như ở khắp nơi trên thế giới.

Mục đích của dự án này là để giới trẻ tự hào về những cống hiến và sự thành đạt của người Việt tị nạn, cũng như để người bản xứ nhận ra những đóng góp của người Việt cho xã hội.

Bức tường tưởng niệm điện tử

Dự án này gồm hai bức tường điện tử, một để tưởng niệm thuyền nhân và một để tưởng niệm người tù cải tạo.

“Theo thống kê của văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), có khoảng từ 200,000 đến 400,000 thuyền nhân mất tích trên biển, có vô số mộ hoang và các mồ chôn tập thể nằm rải rác khắp các quốc gia lân cận như Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia, và Cambodia, cũng như vô số người chết trong lòng đại dương,” ông Châu Thụy cho hay.

“Bức tường tưởng niệm thuyền nhân để tưởng nhớ lòng can trường và sự hy sinh của những người trên đường tìm tự do,” ông nói.

Về bức tường tưởng niệm niệm tù nhân cải tạo, ông trầm ngâm: “Khoảng 1 triệu quân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa bị lùa vào các trại tù cải tạo. Dựa trên các cuộc nghiên cứu của Hoa Kỳ và Châu Âu, khoảng 165,000 người bị bức tử. Bức tường này nhằm tưởng nhớ tất cả những tù nhân của chế độ Cộng Sản.”

Hai dự án cuối là sưu tập văn học và lập văn khố điện tử.

Ngay từ khi mới được phôi thai, VHM đã thu thập các sách vở, tài liệu văn học, băng dĩa thu âm và thu hình, cùng các tài liệu văn chương quý giá, nhằm thành lập thư viện và trung tâm nghiên cứu về người Việt tị nạn.

Ông Châu Thụy tiếp: “Mục đích tạo dựng văn khố này là để lưu trữ và phổ biến các chứng tích văn học của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 và sau này của người Việt tị nạn với nguyện vọng bảo tồn nền văn học tươi đẹp và tiếng Việt trong sáng.”

Văn khố điện tử chứa đựng các bộ sưu tập gốc để ghi lại lịch sử của người Việt tị nạn kể từ năm 1975.

Đây là kho lưu trữ điện tử với hàng ngàn bức ảnh, tài liệu, sách báo, thư từ, lịch sử qua chuyện kể và các tài liệu lịch sử khác. Văn khố này sẽ giúp cho mọi người trên thế giới truy cập những phiên bản điện tử của các hiện vật và tài liệu đã được thiết lập thành mục lục và điện tử hóa.

Đây là những dự án lâu dài, nhưng trước mắt, VHM đang thực hiện một mục tiêu gần hơn.

“Chúng tôi đang làm việc với Sở Giáo Dục Orange County để đến năm 2025, tất cả học sinh trung học phải học một lớp về lịch sử tị nạn của người Việt Nam,” ông Châu Thụy phấn khích nói.

Giá vé ủng hộ gồm văn nghệ và bữa tối từ $100 đến $150.

Liên lạc Reluma, 9550 Bolsa Ave., #107, Westmister, CA 92683, điện thoại (714) 788-7716,

Nhà sách Tự Lực, 14318 Brookhurst St., CA 92843, điện thoại (714) 676-8310,

VHM, 13962 Seaboard Cir., Garden Grove, CA 92843, điện thoại (714) 846-8438.

Tuổi trẻ là trọng tâm của viện bảo tàng. (Hình: Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt)

“Cùng nhau, chúng ta sẽ tạo được một ảnh hưởng lâu bền cho tuổi trẻ tương lai,” ông Châu Thụy kêu gọi.

VHM là một tổ chức vô vụ lợi 501(c)(3) với mục đích bảo tồn và giới thiệu di sản của người Việt tị nạn.

VHM thu thập, lưu giữ, và phổ biến các tài liệu, hiện vật, và chuyện kể về Người Việt tị nạn trong mục đích gìn giữ những di sản này cho các thế hệ hiện tại và tương lai để biết về cội nguồn. [đ.d.]


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT