Friday, March 15, 2024

Luật Sư Đỗ Thái Nhiên ra mắt sách ‘Vận Động Hòa Bình’ tại Little Saigon

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Buổi ra mắt sách “Vận Động Hòa Bình” theo nguồn ý tư tưởng Lý Đông A của Luật Sư Đỗ Thái Nhiên vừa diễn ra vào trưa Thứ Bảy, 15 Tháng Bảy, tại Viện Việt Học, thành phố Westminster.

Tác giả Đỗ Thái Nhiên phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Nhà văn Võ Ý, thành viên trong ban tổ chức, sơ lược về tác giả Đỗ Thái Nhiên: “Tên khai sanh của Đỗ Thái Nhiên là Nguyễn Phương Minh, cựu luật sư Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn; cựu sĩ quan Tổng Quản Trị của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa; cựu giáo chức Trung Học La San Taberd Sài Gòn; cựu giảng sư Luật Học Tổng Quát tại Đại Học Cộng Đồng Đà Nẵng. Sau 30 Tháng Tư, 1975, Đỗ Thái Nhiên cũng là cựu tù chính trị dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam, từ Tháng Sáu, 1976, đến Tháng Mười Hai, 1984.”

Cô Nguyễn Kim Ngân, giám đốc Viện Việt Học, có lời chia sẻ với mọi người: “‘Vận Động Hòa Bình’ được ra đời vì kỳ duyên và được khai triển trên một nền tảng đã được phác họa từ gần một thế kỷ trước, Viện Việt Học được góp phần rất nhỏ trong tổ chức hôm nay, và hân hạnh là môi trường để tác giả trình bày; chia sẻ suy nghĩ của ông và Lý Đông A (1921-1947), một nhà cách mạng đặc biệt của nước ta vào đầu thế kỷ 20.”

Sách “Vận Động Hòa Bình” của Luật Sư Đỗ Thái Nhiên. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Sau đó, nhà văn Võ Ý giới thiệu nữ xướng ngôn viên Kim Nhung: “Trong 10 năm qua, tác giả đã hợp tác bền bỉ với một số đài truyền hình và báo chí Việt Ngữ, trong đó có xướng ngôn viên Kim Nhung trong chương trình ‘Kim Nhung Show’ trên hệ thống truyền hình SBTN. Hiện nay, cô Kim Nhung là người điều hành chương trình ‘Mỗi Tuần Một Sự Kiện.’ Tác giả Đỗ Thái Nhiên là khách mời thường trực của chương trình này. Hôm nay một lần nữa, cô Kim Nhung sẽ phối hợp với tác giả Đỗ Thái Nhiên trình bày về tác phẩm ‘Vận Động Hòa Bình’ với sự tham dự của người lính viết văn Phan Nhật Nam, biên tập viên của ‘Kim Nhung Show’ từ năm 2009.”

Cô Kim Nhung chia sẻ với mọi người: “Thời gian qua, tình hình thế giới đã dồn dập nhiều biến cố rất đáng quan ngại. Tháng Tư, 2022, Nga đã xua quân xâm lăng Ukraine; ngày 4 Tháng Tư, 2023, Phần Lan chính thức được gia nhập NATO, và chấm dứt 79 năm tranh luận bất ổn với Nga. Giữa không khí chập chờn lúc này, tác giả Đỗ Thái Nhiên đã hoàn thành tác phẩm ‘Vận Động Hòa Bình.’”

Nhà văn Võ Ý phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Sau đó, cô Kim Nhung giới thiệu tác giả Đỗ Thái Nhiên và nhà văn quân đội Phan Nhật Nam trong cuộc hội thoại, để mọi người có thể tìm hiểu về những nét chính của tác phẩm “Vận Động Hòa Bình” theo triết lý tương tử của Lý Đông A.

Luật Sư Đỗ Thái Nhiên giải thích: “Nói đến triết học, người ta thường nói đó là chữ dùng quá lớn. Thật ra triết học theo tư tưởng của Lý Đông A là mắt nhìn của con người về đời sống, sự suy nghĩ về đời sống, và ước mơ một đời sống đầy phúc lành. Những thành phần ngắm nhìn đời sống; suy nghĩ về đời sống, đó chính là chùm từ của đời sống. Vì vậy, tác giả chân chính của triết học là quần chúng.”

“Tiếng nói của quần chúng Việt Nam là ca dao, là tục ngữ, là những giai thoại trong đời sống của người dân. Tác giả Lý Đông A có công biến ca dao tục ngữ, truyện cổ Việt Nam thành tâm tư triết học, gọi là triết học Lý Đông A. Tuy nhiên, ông bao giờ cũng nhấn mạnh: ‘Tác giả vô danh là gốc đạo/ Ngọn tàu trăm họ ấy vì người.’ Ông muốn nói rằng, chân chính của gọi là tư tưởng Lý Đông A chính là quần chúng Việt Nam. Đó là cội nguồn của Triết Học Lý Đông A,” tác giả chia sẻ thêm.

Nhà văn Phan Nhật Nam (trái) và xướng ngôn viên Kim Nhung. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Nhà văn Phan Nhật Nam thắc mắc: “Khi nghe tác giả nói đến triết học theo tư tưởng của Lý Đông A thì chúng tôi có hơi bàng hoàng! Chúng tôi là những người lính đã được huấn luyện và được dạy những câu hỏi rất cụ thể như What (cho gì vậy), Who (với ai), When (khi nào), Why (tại sao) và Where (ở đâu). Xin tác giả Đỗ Thái Nhiên có thể hợp thức hóa, chính thức hóa và kể cả giá trị hóa về triết học Lý Đông A qua những câu hỏi trên để những người lính như chúng tôi có thể tưởng tượng để nghe được, và hiểu được như thế nào?”

Luật Sư Đỗ Thái Nhiên trả lời: “Theo cụm từ What, Who, When, Why và Where, thì tư tưởng Lý Đông A gọi đó là ‘Căn Bản Luận,’ gồm có Bản Thể Luận, Nhận Thức Luận và Phương Pháp Luận. Bất kỳ mọi vấn đề lớn nhỏ khi được trình bày, đều nên khởi đầu ba bước cụ thể của câu chuyện đó là gì? Nhận thức là chìa khóa của câu chuyện nằm ở đâu. Phương pháp là giải quyết cốt truyện như thế nào. Chỉ cần ba bước đó là quý vị có một dàn bài vững vàng để trình bày mọi vấn đề không bao giờ bị nhầm lẫn. Đó là nguyên tắc trình bày tư tưởng triết lý của Lý Đông A.”

Từ trái, Giáo Sư Trần Huy Bích, Giáo Sư Trần Thị Thức và chồng là Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Sau phần thảo luận và lời kết về trong tác phẩm “Vận Động Hòa Bình” là phần trả lời nhiều câu hỏi của đồng hương đến dự.

Bà Bùi Thị Hồng Vân, cựu học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng, kể: “Luật Sư Đỗ Thái Nhiên cũng là cựu học sinh Phan Châu Trinh, nhưng anh là học sinh bậc đàn anh của chúng tôi. Khi ra hải ngoại thì Luật Sư Đỗ Thái Nhiên có thời gian là hội trưởng Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh tại Nam California, và tôi cũng trong ban điều hành của hội với chức vụ thủ quỹ. Vì thế, chúng tôi có thời gian làm việc chung với anh. Đối với tôi, anh Đỗ Thái Nhiên là người đáng kính mến, vì anh đã hoạt trong lãnh vực chính trị rất nhiều trong tinh thần yêu nước.”

Bà Bùi Thị Hồng Vân (trái), cựu học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng, và chồng. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt nói: “Luật Sư Đỗ Thái Nhiên, theo tôi, nếu nói về luật, thì ông rất hiểu biết rõ về luật từ gốc cho đến ngọn. Nói về vấn đề tư tưởng, thì ông đã nắm vững những tư tưởng mới thế nên, những gì ông đưa ra là những cái mới thích hợp với thời đại hiện tại. Còn về chính trị thì Luật Sư Đỗ Thái Nhiên là con người cho chúng ta đáng tin cậy, vì ông rất hiểu biết về đường lối chính trị khá nhiều.”

Khán giả Phan Thanh Châu nhận định: “Học thuyết về triết lý tư tưởng của Lý Đông A rất thâm thúy và rất thực tế. Khi nghe đến triết học thì người ta nghĩ rằng đó là những gì cao siêu ngoài sự hiểu biết của những người bình thường. Nhưng thực chất triết lý tư tưởng của Lý Đông A là được phát nguồn từ văn chương Việt Nam, cũng như trong đời sống bình thường của con người, mà chúng ta đã trải nghiệm qua, rồi từ đó khi đọc tác phẩm ‘Vận Động Hòa Bình’ để chúng ta hiểu thêm, chớ không có gì cầu kỳ hay khó hiểu.”

Ban tổ chức và đồng hương đến dự. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Theo tác giả Đỗ Thái Nhiên, vận động hòa bình có nghĩa là làm hòa bình, xây dựng hòa bình, không kêu gọi hòa bình suông.

Hòa bình không đơn giản chỉ là phản nghĩa của chiến tranh bằng hỏa lực quân sự, mà hòa bình có ba góc nhìn: 1/ Trong đời sống cá nhân, con người đạt đến hòa bình là con người sống với tâm thân an bình, phong cách tự tại. 2/ Đối với xã hội quốc gia, hòa bình có nghĩa là trong nội bộ của quốc gia không có thống trị, bị trị, mọi người trong tự do và bình đẳng, mỗi người được sống tự giác trên lập trường của con người. 3/ Trên bình diện quốc tế, hòa bình là sự khẳng định không quốc gia nào có thể bị quốc gia khác xâm lăng. Mọi hình thức xâm lăng lãnh thổ, kinh tế, văn hóa, chính trị… đều bị nghiêm cấm. [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT