Tuesday, March 5, 2024

Cựu Trung Úy Phạm Minh Huyên kể lại trận An Lộc 1972 lùng diệt xe tăng

Văn Lan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Cựu Trung Úy Phạm Minh Huyên kể lại những chuyện chiến trường năm xưa, mà ông là người có nhiệm vụ ghi nhận và báo cáo lên Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn những diễn tiến khốc liệt, nhất là trận đánh An Lộc mà Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã trực tiếp chiến đấu, tử thủ trong 94 ngày đêm với hai vị tướng đã đi vào lịch sử, đó là Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng và Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ.

Cựu Trung Úy Phạm Minh Huyên kể lại chuyện Đại Tá Lê Nguyên Vỹ dùng M72 bắn cháy xe tăng T54 trong mặt trận An Lộc 1972. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cựu Trung Úy Phạm Minh Huyên là cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Khóa 3/70, sau khi ra trường về phục vụ Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 8, thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Sau thời gian tăng phái cho Trung Đoàn 9/5, hành quân vùng Snoul (Cambodia), đầu Tháng Giêng, 1972, ông được điều về Phòng 3 Sư Đoàn, trực thuộc Trung Tâm Hành Quân, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh.

Hồi Tháng Tư vừa qua, ông là thành viên ban tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Lực VNCH (1953-2023), một đại đơn vị được Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đặt cho danh hiệu “Sư Đoàn Bình Long, Anh Dũng,” tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster.

Chiến đấu kiên cường vì An Lộc

An Lộc của tỉnh Bình Long – tỉnh được thành lập do Sắc Lệnh số 143/NV ngày 22 Tháng Mười, 1956, của chính phủ VNCH – cách Sài Gòn 98 cây số và cách Biên Hòa 82 cây số đường chim bay.

Tại mặt trận Bình Long năm 1972, quân Cộng Sản Bắc Việt vây hãm khắp nơi, suốt từ trên An Lộc kéo dài đến dưới Chơn Thành nhằm lấy cho bằng được An Lộc. “Các mặt trận đều khá gay go, hai nơi này gần như bị tấn công cùng lúc,” ông Huyên kể.

Đến ngày 7 Tháng Tư, 1972, độ 3 giờ chiều, Lộc Ninh hoàn toàn thất thủ, phần lớn quân số của Chiến Đoàn 9 thiệt hại nặng, số còn lại bị bắt. Các đơn vị khác trong chi khu phải báo cáo tan hàng.

Đêm 11 rạng sáng 12 Tháng Tư, 1972, Việt Cộng pháo kích dữ dội vào An Lộc, với khoảng trên chục ngàn quả đại bác đủ loại rót vào, thành phố rung chuyển dữ dội liên tục như trong cơn địa chấn.

“Lúc ấy tôi ngồi trong Bộ Tư Lệnh Tiền Phương An Lộc để theo dõi những hoạt động của các đơn vị báo về tình trạng nguy ngập khi các đơn vị tan hàng báo cáo dồn dập, tôi phải ghi nhận để làm báo cáo lên tư lệnh, tình hình bấy giờ không cứu vãn được nữa, nhất là Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh đã không còn liên lạc được, Chiến Đoàn 52 đóng ở căn cứ Hùng Tâm ở phía Đông Nam Lộc Ninh cũng bị pháo kích nặng, họ được lệnh rút về để phòng thủ An Lộc, bị lọt vào vòng phục kích, chạm địch nặng khi ra gần tới Quốc Lộ 13, gần giáp với cầu Cần Lê, và bị tổn thất nặng khi về đến An Lộc,” ông Huyên nhớ lại.

Khởi đầu cuộc chiến, Cộng Sản Bắc Việt luôn luôn dùng pháo và chiến xa để tấn công vào An Lộc dọc theo Quốc Lộ 13, là con đường huyết mạch kéo dài từ Bình Long, An Lộc, Lộc Ninh, Chơn Thành, dẫn về đến Sài Gòn.

“Về Không Quân yểm trợ, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 phân chia trách nhiệm, lấy Quốc Lộ 13 làm chuẩn, Không Quân Việt Nam đảm trách từ 5 cây số Bắc Chơn Thành kéo dài về tới căn cứ Lai Khê ở hướng Nam, trong khi Không Quân Mỹ đảm trách từ lằn ranh 5 cây số Bắc Chơn Thành kéo lên qua khỏi An Lộc. Ngoài ra tiếp tế, quân số bổ sung, tải thương thì vẫn do Không Quân Việt Nam đảm nhiệm, lấy Quốc Lộ 13 làm bãi đáp đổ quân và tiếp nhận thương bệnh binh,” ông Huyên kể tiếp.

Hai giờ sáng ngày 12 Tháng Tư, 1972, Cộng Sản bắt đầu pháo kích vào An Lộc với chiến thuật tập trung hỏa lực, tất cả nòng súng đều nã đạn cùng một lúc, bắn cho đến khoảng 5 giờ sáng, tiếp tục pháo lẻ tẻ tới sáng hẳn mới chấm dứt, khiến cả thị xã rung chuyển liên tục như động đất.

Khi chiếm được Lộc Ninh, Cộng Sản tràn xuống An Lộc luôn nhưng chưa tiến tới được. Tất cả các lực lượng của ta đều kéo về bên kia sông Cần Lê ở hướng Bắc An Lộc, Sư Đoàn 5 cố thủ ở đó để chận địch từ hướng Nam cầu Cần Lê, kéo dài về phía An Lộc để nếu địch tấn công xuống thì lực lượng của Trung Đoàn 7/5 và Chiến Đoàn 52 của Sư Đoàn 18 đã án ngữ tại chỗ sẵn sàng chống lại.

“Có thể nói, phải mất tới gần một tuần thì địch mới tấn công được vào Bình Long. Cụ thể, ngày 7 Tháng Tư, 1972, là ngày địch chiếm được Lộc Ninh, có thể do địch phải ổn định vị trí chiến đấu, bổ sung quân số và khí cụ bị tổn thất nặng, phải đến ngày 13 Tháng Tư địch mới tấn công vào An Lộc,” ông Huyên kể tiếp.

Phá trận địa pháo của Cộng Sản

Lúc đó lực lượng của Sư Đoàn 5 Bộ Binh ở An Lộc chỉ có Trung Đoàn 7/5, một Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân được trực thăng vận đổ xuống gần giữa An Lộc và Quản Lợi, đã thiệt hại khá nặng khi địch pháo vào ngay nơi thả quân.

Trận Bình Long, Cộng Sản Bắc Việt có khoảng sáu sư đoàn tác chiến. “Pháo binh các loại của Cộng Sản dùng để pháo vào An Lộc, được tăng cường thêm nhiều khẩu pháo chiếm được của ta, chưa kể những kho đạn của Chiến Đoàn 9 và những nơi khác. Do vậy nguồn pháo của Cộng Sản rất dồi dào trong khi ở An Lộc không có lấy một khẩu pháo. Nếu xảy ra trận đánh An Lộc, chỉ có mấy khẩu được kéo từ Quản Lợi về, cùng với hàng trăm trái đạn chống biển người, không đủ sức chống trả địch quân. Lúc ấy tôi cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao sau khi chiếm được Lộc Ninh, phải mấy ngày sau địch mới tấn công An Lộc,” ông Huyên nhớ lại.

Sau ngày 8 Tháng Tư, 1972, các đơn vị của Sư Đoàn 5 Bộ Binh từ hướng Nam và các nơi tăng cường lên An Lộc.

Trước khi xảy ra trận An Lộc, Cộng Sản đã tấn công Lộc Ninh từ hướng Bắc. Tỉnh Bình Long chỉ có ba quận, ở hướng Nam là Quận Chơn Thành, ở giữa là thị xã An Lộc (Quận Châu Thành), ở hướng Bắc là Quận Lộc Ninh. Trung Đoàn 9/5 và các đơn vị khác tăng phái đều ở Lộc Ninh, cách An Lộc khoảng 30 cây số.

Cộng Sản với ý định lấy Lộc Ninh làm thủ đô của cái gọi là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, thực chất là do Cộng Sản Bắc Việt chỉ huy. Từ đêm 4 Tháng Tư cho đến chiều 7 Tháng Tư, 1972, địch quân đã chiếm trọn Lộc Ninh, phần lớn những quân dân cán chính sống sót đều bị bắt làm tù binh, bị lùa sang nhốt ở vùng Mimot, Cambodia. Đến khoảng Tháng Sáu, 1973, được thả về trong đợt trao trả tù binh hai bên.

“Bên ta đã có những tin tức tình báo, biết rằng áp lực Cộng Sản đè nặng ở vùng biên giới Cambodia và Việt Nam giáp với tỉnh Bình Long, Cộng Sản sẽ đánh lớn nhưng chưa biết rõ chỗ nào, phần lớn là sẽ chiếm Lộc Ninh, do đó VNCH đã đưa quân tăng phái cho Sư Đoàn 5 Bộ Binh gồm Chiến Đoàn 52, Trung Đoàn 52 và vài tiểu đoàn của Trung Đoàn 48 của Sư Đoàn 18 tăng cường cho Chiến Đoàn 9, tất cả đóng ở căn cứ Hùng Tâm,” ông Huyên kể.

Bản vẽ các vị trí của hầm chỉ huy của Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng mặt trận An Lộc 1972, và các vị trí tham mưu, do ông Phạm Minh Huyên vẽ lại theo trí nhớ sau 50 năm. (Hình: Phạm Minh Huyên cung cấp)

Tình hình rất căng thẳng khi địch hoàn toàn chiếm Lộc Ninh vào chiều 7 Tháng Tư, 1972, khi Chiến Đoàn 9 gồm có Trung Đoàn 9, Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh, Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng, với tất cả các nỗ lực chính để chống lại quân địch đã thất bại.

Ông Huyên kể, ngay từ đầu cuộc chiến khi Lộc Ninh đã mất, dân ở đó kéo về thị xã An Lộc, trong khi dân ở thị xã lại theo hướng Nam kéo về Chơn Thành, lúc đó Cộng Sản chưa chốt chặn Quốc Lộ 13 nên dân thoát đi cũng được nhiều. “Còn lại một số không thoát được vì địch giữ dân ở lại để còn biết được nguồn tin tức, một phần là dùng dân trong thị xã để cản trở bớt sự chiến đấu của quân ta khi vừa chiến đấu giữ đất vừa phải bảo vệ dân,” ông nói.

“Vào khoảng Tháng Tư, 1972, dân chúng theo hướng Nam, bỏ chạy về phía quân đội VNCH. Đến ngày 8, khi Quốc Lộ 13 đã bị Cộng Sản chốt chặn, dân vẫn còn kéo đi từ từ các xã, ấp chung quanh Quản Lợi, kể cả đồng bào sắc tộc, dẫn đầu là một vị linh mục và một vị sư tay cầm lá cờ trắng, dẫn dân chúng bỏ chạy theo Đại Lộ Hoàng Hôn, thẳng tiến đến Trung Tâm Tiếp Vận Bình Long,” ông Huyên kể.

Khi họ đến gần Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Đoàn 5 Bộ Binh, cảnh sát dã chiến hướng dẫn dân chúng đi ngược trở lại Quốc Lộ 13, hai vị lãnh đạo tinh thần tiếp tục dẫn khoảng 6,000 người đi về hướng Chơn Thành.

“Khi đoàn người đi vô hết con đường chính của thị xã, theo Quốc Lộ 13 đi vào khu rừng cao su để xuống hướng Nam thì Cộng Sản pháo kích dữ dội vào ngay giữa đoàn dân, làm chết và bị thương vô số kể. Đoàn người ở đoạn sau chạy ngược lại về thị xã, nhưng ở đoạn trước có chạy thoát được hay không và số thương vong bao nhiêu thì tôi không rõ,” ông Huyên nhớ lại.

“Cho tới các ngày 6, 7, 8 Tháng Sáu, 1972, lúc Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù từ Lai Khê tiến lên để giải tỏa An Lộc, họ cho biết đi trên Quốc Lộ 13 thấy xác chết người dân tan nát vương vãi khắp nơi từ hai tháng trước trong những rừng cao su vẫn còn ngập mùi tử khí,” ông trầm buồn nói.

Sau khi Cộng Sản chiếm được Lộc Ninh, VNCH dự đoán địch sẽ thừa thắng tiến xuống An Lộc, nơi không đủ quân số để đương đầu với lực lượng quá mạnh của địch. Về diễn tiến, sau khi Lộc Ninh mất, Sư Đoàn 5 Bộ Binh chỉ có một đơn vị tương đối đầy đủ nhất là Trung Đoàn 7 Bộ Binh, được bố trí ở tuyến đầu phía Bắc An Lộc, kéo dài đến phía Nam cầu Cần Lê.

Ở hướng Đông, Quân Đoàn III lập tức dùng trực thăng vận Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân với ba tiểu đoàn do Trung Tá Nguyễn Văn Biết chỉ huy, từ Tây Ninh về hướng Tây, giữa An Lộc và Quản Lợi để thả xuống đó. Khi vừa đổ quân xuống, địch đã pháo kích dữ dội vào ngay bãi đáp, khiến lực lượng này bị thiệt hại khá nặng, nhưng sau khi ổn định đội hình, chuyển vào hướng Tây thị xã An Lộc trên đường đi Quản Lợi, dọc theo sân bay Đồng Long, án ngữ ở đó.

Mặt phía Nam lúc đó chỉ còn một số ít lực lượng của Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, Cảnh Sát hoặc các quân dân cán chính của thị xã An Lộc, khi quân chủ lực chưa lên kịp.
Do Không Quân Việt Nam đáp ứng kịp thời, tập trung đánh chặn ở phía Nam cầu Cần Lê, nên địch không thể tiến nhanh về An Lộc được, chỉ có một số quân địch đánh cầm chừng để thăm dò Trung Đoàn 7/5.

Địch đánh vào Trung Đoàn 7/5 và Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân ở hướng Tây rất mạnh, khiến những đơn vị này rút vào sâu trong thành phố để cố thủ, cho đến ngày 12 Tháng Tư, 1972, Trung Đoàn 8/5 mới được trực thăng vận vào An Lộc, tiến vào đánh lên hướng Bắc, chiếm lại những vị trí đã mất vào tay địch hai hôm trước.

Tấn công bốn đợt, xe tăng địch bị M72 tiêu diệt

Ngày 18 Tháng Tư, 1972, Cộng Sản tiến sâu vô trong thị xã An Lộc, tràn vào khắp các con đường ở hướng Bắc thị xã. Đợt này lực lượng Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Biệt Động Quân, và Biệt Kích Dù đã chủ động trụ lại vững hơn đợt đầu.

“Gần 1 giờ trưa, Đại Úy Tâm, Trưởng Ban 3 của Trung Đoàn 8/5, chạy từ bộ chỉ huy Trung Đoàn 8 lên Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh, xuống hầm của Tướng Lê Văn Hưng, trình báo rằng xe tăng Cộng quân đang tràn ngập bên trong thành phố An Lộc. Xe tăng địch chạy tới gần ngay trước đường vô hầm chỉ huy của Bộ Tư Lệnh, cách cổng hầm của Tướng Hưng khoảng 60 mét, đây là chiếc xe tăng tiến sâu nhất về hướng Nam An Lộc,” ông Huyên kể.

“Tướng Hưng rút hai quả lựu đạn giắt trên áo giáp của ông. Tôi chạy vội lên trên mặt hầm nghe ngóng. Tiếng đại liên 50 từ xe V100 của Tiểu Khu Bình Long tăng phái cho bộ tư lệnh, đang nhả đạn vào xe tăng Cộng quân. Khi xe tăng địch đã ủi sập lô cốt bằng bao cát gần đầu cổng, đại liên trên xe V100 vẫn bắn thẳng vào xe tăng T54 địch, tên xạ thủ xe tăng bèn quay nòng súng đại liên bắn trở lại, nhưng bị trở ngại không nạp đạn được, các khoen móc đạn bị rơi ra, đạn văng xuống đường. Chiếc T54 này bèn quay trở ra chạy xuống hướng Nam, vì chúng không biết Bộ Tư Lệnh của Tướng Hưng ở đâu, có lẽ vì căn hầm bị khuất sau một căn nhà, chúng không thấy cần ăng ten nào lộ ra, và cả hai tấm bảng của hệ thống siêu tần số, hướng trực tiếp về núi Bà Đen, là đài trung chuyển tin tức từ các nơi đến bộ tư lệnh hành quân cũng kê rất thấp,” ông Huyên kể tiếp.

Ông cho hay: “Khi tôi ra khỏi hầm, nhìn về hướng phi trường Đồng Long, không thấy một bóng người phòng thủ. Cho đến khi chiếc T54 đó chạy xuống hướng Nam, gần đến bộ chỉ huy của Đại Tá Trần Văn Nhựt, tỉnh trưởng Bình Long, và Đại Tá Lê Quang Lưỡng, lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, thì bị Đại Tá Lê Nguyên Vỹ, phụ tá hành quân đặc biệt cho Tướng Nguyễn Văn Minh, tư lệnh Quân Đoàn 3, được tăng cường lên cho Tướng Hưng, dùng khẩu M72 bắn trúng vào bên trên bánh xích, tuy bị xiểng niểng nhưng nó cố lết đi, thì bị một người lính ở Tiểu Khu Bình Long bồi thêm một quả M72 nữa, đứt tung xích bốc cháy dữ dội.”

“Tôi quay trở lại cổng vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5, nhặt bốn viên đạn đại liên của tăng T54 đã rớt xuống đường về trình lên Tướng Hưng, khi đó tôi lại thấy hai thầy trò Đại Tá Vỹ và Trung Úy Nguyên chạy ngược về hầm của Tướng Hưng, mang theo M72 để chờ xe tăng địch đến. Khi Đại Tá Vỹ chạy về hầm Tướng Hưng thì tôi cũng về tới, Đại Tá Vỹ khàn giọng nói với Tướng Hưng rằng ‘Tôi bắn cháy nó rồi,’ Tướng Hưng giắt lại hai quả lựu đạn vào áo giáp, vỗ vai Đại Tá Vỹ vui mừng nói lời khen tặng. Tôi quay máy báo về Lai Khê, báo về quân đoàn, báo về khắp nơi cho biết một chiếc xe tăng T54 của địch đã bị Đại Tá Lê Nguyên Vỹ bắn bằng M72,” ông Huyên tiếp.

Sau đó Tướng Lê Văn Hưng ra lệnh thông báo cho tất cả các đơn vị trên An Lộc, mỗi đơn vị lập ra từ ba đến bốn đơn vị cảm tử diệt xe tăng địch bằng M72. Tôi thông báo ngay lệnh này, chỉ một tiếng đồng hồ sau đó, tất cả các đơn vị thông báo lại là mọi người đều tình nguyện vào toán cảm tử săn lùng và diệt xe tăng.

“Chính hành động của Đại Tá Lê Nguyên Vỹ đứng ra bắn xe tăng địch đã làm nức lòng anh em binh sĩ trong trận An Lộc, khiến họ tăng thêm tinh thần chiến đấu, mọi người đều tình nguyện đi lùng diệt xe tăng. Ngày 18 Tháng Tư là ngày đánh dấu xe tăng Cộng Sản tràn ngập vào An Lộc nhưng cũng là ngày tinh thần các chiến sĩ tử thủ An Lộc dâng lên đến cao độ, quyết chí chiến đấu tới giây phút cuối cùng!” ông Huyên kể.

“Về phía Cộng Sản, ngày 18 Tháng Tư cũng là ngày chúng đưa xe tăng tiến sâu vào An Lộc, chiếm được hai khu vực là Ty Chiêu Hồi, cách Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 khoảng 300 mét. Điểm thứ hai là chúng đã chiếm được trại tù Tiểu Khu cạnh Ty Công Chánh, cách Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 khoảng 150 mét. Hai nơi ấy cuối cùng chúng cũng bị tiêu diệt sạch,” ông Huyên kể tiếp.

Cựu Trung Úy Phạm Minh Huyên (thứ hai từ phải) và các chiến hữu Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chào kính Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng và Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ tại Tượng Đài Tưởng Niệm Tháng Tư Đen 1975 ở Westminster. (Hình: Văn Lan/ Người Việt)

Sau ngày cao điểm 18 Tháng Tư, bao nhiêu xe tăng và bộ binh địch đều bị tiêu diệt hết. Cũng ngày này, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân bắt sống được một xe tăng địch, khai thác tù binh thì họ cho biết cấp chỉ huy của họ nói rằng chiến công này là dành cho các “đồng chí xe tăng,” vì các “đồng chí bộ binh” đã vào được An Lộc rồi, nên nhiệm vụ của xe tăng vào đợt này là rất vinh quang, sẽ chiếm lấy hết An Lộc. Vì được khích động như thế nên xe tăng địch mới hăng hái vào, nhưng thật sự họ chỉ bị cấp chỉ huy đánh lừa!

“Tình hình trở lại bình thường khi họ không chiếm thêm được phần đất nào của An Lộc, nhiều người nghe được đài phát thanh Hà Nội lúc ấy đã tuyên bố ngày 20 Tháng Tư địch sẽ ăn mừng khi tiến vào An Lộc, cho nên ngày 18 Tháng Tư mới có chuyện bao nhiêu xe tăng địch xung phong đi sâu vào thị xã để bị nướng cháy tiêu hết! Khi chúng tôi đếm số xe tăng bị tiêu diệt trong trận An Lộc để báo cáo lên Tư Lệnh, thì thấy có 48 chiếc trong thị xã bị tiêu diệt, trong đó có khoảng chín chiếc còn tốt,” ông Huyên cho biết. (Văn Lan) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT