Tuesday, March 5, 2024

Cựu Trung Úy Nguyễn Minh Quang rời quân ngũ trở thành mục sư

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Sau khi tốt nghiệp Khóa 7/72 Trừ Bị Thủ Đức, chiến sĩ Nguyễn Minh Quang phục vụ tại Tiểu Đoàn 414 Thần Hổ, Địa Phương Quân, với nhiệm vụ đi cài đặt những ăng-ten “Trinh Sát Điện Tử.” Sau khi rời quân ngũ, ông học để trở thành mục sư.

Mục Sư Nguyễn Minh Quang tại Hội Thánh Việt Nam Victoria Church, Garden Grove. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Nhờ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà sau khi ra trường chỉ hơn một năm, Thiếu Úy Nguyễn Minh Quang được tiểu khu trưởng Tiểu Khu Kiên Giang cấp một Anh Dũng Bội Tinh vào năm 1974.

Đến Tháng Ba, 1974, Tiểu Đoàn 414 Thần Hổ được lệnh về khu vực “Công Trường Xi Măng Hà Tiên” tại Kiên Lương. Lúc này, Bộ Chỉ Huy của Tiểu Đoàn 414 đóng tại Rạch Đùng, thuộc Ngã Ba Hòn Chông, gần quận Kiên Lương. Đại Đội 1 đóng quân tại “Công Trường Xi Măng Hà Tiên” để bảo vệ cho công trường này.

Đơn vị của Thiếu Úy Quang được phối hợp với toán xe Commando Car, nhiệm vụ của họ là bảo vệ dinh tỉnh trưởng Kiên Giang. Chi đội này được biệt phái về quận Kiên Lương hai chiếc để bảo vệ “Công Trường Xi Măng Hà Tiên.”

Hằng đêm, Thiếu Úy Minh cùng vài người lính và bốn chiếc “Xe Nồi Đồng Bọc Sắt” đi tuần xung quanh “Công Trường Xi Măng Hà Tiên.” Có lúc, họ cũng đi tuần tiễu trong khu vực chợ Kiên Lương ban đêm.

Thụ huấn Khóa Bổ Túc Sĩ Quan Ban 3

Vì tiểu đoàn thiếu một sĩ quan Ban 3 (Ban Hành Quân). Tháng Năm, 1974, Thiếu Úy Quang được tiểu đoàn trưởng cấp sự vụ lệnh về Cần Thơ để thụ huấn Khóa Bổ Túc Sĩ Quan Ban 3 cấp tiểu đoàn. Sau ba tháng thụ huấn, Thiếu Úy Quang được về làm sĩ quan Ban 3/414.

Vì có trình độ đã thụ huấn môn chấm tọa độ để Pháo Binh yểm trợ cho các đồn trú tại mặt trận, nên Thiếu Úy Quang được lệnh của tiểu đoàn trưởng thực hiện những yếu điểm đã định sẵn, báo cáo về cho các đơn vị Pháo Binh để bắn yểm trợ cho những đồn trú của tiểu đoàn, khi hữu sự. Ngoài ra, ông còn được thụ huấn Khóa Điều Không, nên mỗi khi Ban Hành Quân của Trung Đoàn 15, Sư Đoàn 9 Bộ Binh, cũng đang đóng quân tại Kiên Lương, bay trực thăng để điều nghiên Không Yểm, thì họ cũng cho Thiếu Úy Quang bay cùng với họ.

Vì thế, khi ông Quang về làm sĩ quan Ban 3 của Tiểu Đoàn 414, thì tình trạng địch tấn công bằng những tràng pháo kích dữ dội đã giảm đi nhiều.

Tháng Bảy, 1974, từ chỉ thị của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị (CTCT), các sĩ quan của Ban CTCT của các đơn vị Địa Phương Quân cấp tiểu đoàn phải có sĩ quan CTCT tốt nghiệp bằng trung cấp CTCT hoặc cao hơn.

Thiếu Úy Quang cũng được lệnh của tiểu đoàn trưởng cấp sự vụ lệnh cho ông về Cần Thơ để học Khóa Sơ Cấp CTCT trong thời gian sáu tuần lễ. Lúc đó, Khóa Trung Cấp CTCT cũng được Tổng Cục CTCT tổ chức khóa học tại Cần Thơ, thay vì phải về Sài Gòn hoặc Đà Lạt để thụ huấn khóa này. Vì thế, Thiếu Úy Quang cũng được học tiếp Khóa CTCT Trung Cấp tại Cần Thơ thêm hai tháng nữa.

Gần cuối năm 1974, Thiếu Úy Quang về trình diện Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 414. Vì nhu cầu chiến trường, Thiếu Úy Quang nhậm chức đại đội trưởng Đại Đội 4/414.

Cựu SVSQ Nguyễn Minh Quang tại Quân Trường Đồng Đế. (Hình: Nguyễn Minh Quang cung cấp)

Đầu năm 1975, Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 414 được lệnh đóng quân tại một căn cứ cũ của Pháo Binh Hà Tiên, gần biên giới Việt-Miên. Đại Đội 4/414 đóng quân gần đó.

Tham chiến trận Đá Dựng Hà Tiên

Lúc đó, tại núi Đá Dựng, gần Hà Tiên có một trung đội nghĩa quân đang đóng đồn trên đỉnh núi này. Việt Cộng đến tấn công và chiếm đỉnh núi Đá Dựng. Một đại đội của Trung Đoàn 15, Sư Đoàn 9 Bộ Binh, cùng Thiết Giáp Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đến chiến đấu với địch bốn ngày liên tiếp cũng không cứu được trung đội nghĩa quân xuống núi.

Vì địa thế của núi Đá Dựng là từ chân núi muốn lên đến đỉnh phải đi vào trong núi qua nhiều hang động chằng chịt, thì mới lên đến đỉnh núi. Lúc đó, địch đã chiếm đỉnh núi hơn một đại đội, và còn rải quân chiếm nhiều hang động gần chân núi, còn đơn vị nghĩa quân thì bị địch bao vây trong những hang động tại lưng chừng núi.

Do đó Sư Đoàn 9 khó tiêu diệt địch ban ngày, còn Thiết Giáp thì cũng không tiến vào hang động được. Vì khi Thiết Giáp đến gần chân núi thì bị địch trên đỉnh núi nã B-40 trực xạ xuống Thiết Giáp.

Bên ngoài, dưới chân núi Đá Dựng là một cánh đồng trống, chỉ có vài con đường mòn đi đến chân núi. Vì thế, khi quân của VNCH chưa vào đến chân núi thì bị hỏa lực của địch từ đỉnh núi tác xạ xuống rất dễ dàng.

Sau đó, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Kiên Giang mới điều Tiểu Đoàn 414 hành quân đến núi Đá Dựng, thế cho Sư Đoàn 9 và Thiết Giáp. Tiểu Đoàn 414 lệnh cho Thiếu Úy Quang chỉ huy Đại Đội 4 hành quân vào núi Đá Vựng để giải cứu cho trung đội nghĩa quân.

Lúc bấy giờ, Sư Đoàn 9 và Thiết Giáp phải bảo vệ biên giới. Vì đến đầu năm 1975, Việt Cộng bắt đầu tấn công mạnh tại miền Nam. Nên theo lệnh của cấp trên, Đại Đội 4 hãy cố gắng vào đánh chiếm lại ngọn núi này, còn ba đại đội khác của Tiểu Đoàn 414 phải bảo vệ an ninh nhiều nơi của quận Hà Tiên.

Đại Đội 4/414 đến chân núi Đá Dựng đụng với địch hai ngày, mà cũng không vào được những hang động của núi này. Vì khi vào đến miệng hang thì bị địch đặt đại liên và dùng lựu đạn chống lại quân của Đại Đội 4, và còn bị địch trên đỉnh núi dùng B-40 nã xuống đại đội 4 đang tiến vào chân núi.

Ông Quang còn nhớ: “Lính của tôi đụng với Việt Cộng tại Đá Dựng hai ngày, bị thương một số mà cũng chưa vào được chân núi này. Nhưng lệnh của tiểu đoàn trưởng 414 bắt chúng tôi phải tìm mọi cách để chiếm lại núi Đá Dựng. Vì thế, tôi xin lệnh của cấp trên cho chúng tôi vào đánh ban đêm. Tiểu đoàn trưởng 414 nghe tôi xin lệnh đánh đêm thì ông ta cự tôi liền, vì trong hang động đánh ngày còn không thắng, mà khi đánh đêm, nếu Đại Đội 4 bị địch bao vây thì khó điều quân tiếp viện đến giải cứu.”

Cựu Trung Úy Nguyễn Minh Quang (hàng sau, bìa phải) và gia đình gồm cha mẹ và những người em tại Nha Trang năm 1973. (Hình: Nguyễn Minh Quang cung cấp)

“Sau đó, tiểu đoàn trưởng cũng đồng ý cho tôi được đánh ban đêm, mà nếu cho tôi đánh ban đêm thì phải cung cấp cho chúng tôi nhiều lựu đạn. Lúc đó, vì đơn vị là cơ hữu của Địa Phương Quân, nên vũ khí và đạn dược được quân đội trang bị còn yếu kém hơn các đơn vị chủ lực quân. Tiểu đoàn trưởng 414 đồng ý cấp cho chúng tôi bốn thùng lựu đạn, nhưng ông tâm sự với tôi là mình phải qua xin lựu đạn của Sư Đoàn 9 đang đóng quân tại Hà Tiên, thì mới có đủ số lượng lựu đạn theo yêu cầu của tôi,” ông Quang cho biết thêm.

Hôm đó, trời mới chạng vạng, nhưng trong hang động đã sụp tối. Thiếu Úy Quang phát cho lính mỗi người trên 10 quả lựu đạn, và tìm cách lấy bông gòn bịt tai lại để chống tiếng nổ lớn của lựu đạn. Sau đó, ông cho lính bò vào theo hai ngả miệng hang.

Ông tâm tình: “Nhờ trời thương, khi lính của tôi bò lọt vào trong hang mà vẫn thấy im phăng phắc. Khoảng 30 phút sau, lính của tôi đã bắt tay được với đơn vị nghĩa quân còn kẹt bên trong hang động. Tôi rất mừng, khi thấy hiện trường vẫn không có động tĩnh gì cả, nên tôi ra lệnh cho lính ăn cơm trước, đợi đến nửa khuya, khi địch ngủ say thì sẽ tấn công.

Đến giờ tấn công, tôi chia lính của tôi ra nhiều toán, mỗi toán ba người để bò vào mỗi hang động. Trong hang thì tối đen, lính cứ bò theo hướng ánh sáng mờ mà địch thắp bằng đèn dầu, đụng được hang nào thì cứ tung nhiều lựu đạn vào hang đó, chớ cũng không biết ở nơi nào có Việt Cộng hay không nữa.”

Còn trung đội nghĩa quân có nhiệm vụ yểm trợ cho lính của Thiếu Úy Quang phía sau, nếu bị địch quân đánh cận chiến. Địch bị tấn công bất thần nên nổ súng loạn xà ngầu. Rồi cứ thế, lính cứ tiếp tục ném lựu đạn vào những điểm có ánh sáng của súng nổ.

Đêm đó, lính của Đại Đội 4 không có bắn một phát súng nào, mà chỉ đánh địch bằng lựu đạn. Gần đến sáng thì không còn nghe tiếng súng của địch nữa. Thiếu Úy Quang cho lính bật đèn pin để lục soát từng hang động, thì mới phát hiện xác địch nằm chết ngổn ngang rất nhiều. Gần như địch nằm trong hang đều bị tiêu diệt. Đại Đội 4/414 lấy được rất nhiều vũ khí của địch.

Thiếu Úy Nguyễn Minh Quang được lên trung úy đặc cách mặt trận, đồng thời được cấp một Anh Dũng Bội Tinh và một Chiến Thương Bội Tinh (sau khi ông bị thương trong trận này).

Những ngày cuối cùng trong Tháng Tư, 1975

Đầu Tháng Hai, 1975, Trung Úy Quang nắm quyền đại đội trưởng Đại Đội 4/414. Đơn vị của ông được lệnh về đóng quân tại Trà Tiên-Trà Phô, sát biên giới Hà Tiên và Cambodia.

Cựu Trung Úy Nguyễn Minh Quang trong những ngày nghỉ phép tại Kiên Giang, 1974. (Hình: Nguyễn Minh Quang cung cấp)

Đầu Tháng Tư, 1975, Đại Đội 4/414 được lệnh về bảo vệ “Công Trường Xi Măng Hà Tiên.”
Sáng 30 Tháng Tư, 1975, miền Nam bị hoàn toàn thất thủ. Trung Úy Quang mới kéo quân về Bộ Chỉ Huy của Tiểu Đoàn 414. Khi đến nơi thì tất cả những sĩ quan chỉ huy và lính của tiểu đoàn đều mất dạng. Ông mới cho lính của mình tan hàng, ai về nhà nấy. Riêng ông trên đường về thì bị Việt Cộng bắt tại Hà Tiên.

Sau đó, ông bị đi tù của Việt Cộng trên ba năm tại trại tù binh ở vùng U Minh Thượng, nơi mà ông đã đụng trận đầu tiên khi mới ra trường.

Cựu Trung Úy Nguyễn Minh Quang, một chiến sĩ đã từng tham chiến qua nhiều trận đánh kề cận sự tử vong. Nhưng tinh thần chiến đấu của một chiến sĩ Địa Phương Quân cũng không kém gì các chiến hữu chủ lực quân, Quân Lực VNCH.

Thế nhưng, suốt thời gian chiến đấu của ông, đã được khởi đầu bằng trận đánh bị thất thủ đồn Tân Bằng, và cuối cùng lại bị trở thành người tù binh tại trại giam nơi ông chiến đấu đầu tiên, đó là vùng U Minh Thượng.

Tàn cơn binh lửa, máu của những người con yêu tổ quốc đã rơi đầy trên quê hương Việt Nam. Xác của những chiến sĩ vì nước quên mình đã biến thành màu mỡ vun bón cho đất mẹ thân yêu.

Những cựu chiến sĩ Quân Lực VNCH còn sống sót sau cuộc đổi đời bi đát, 30 Tháng Tư, 1975. Có người đã bị vào những trại tù binh trên khắp quê hương mẹ, và cũng có người rời xa đất mẹ thân yêu. Có người đã vùi thây trong rừng sâu và biển cả, chỉ vì hai chữ tự do. Nhưng, cũng có người từ một chiến sĩ oai hùng, rồi lại trở thành một tu sĩ hiền hòa, nhân ái.

Trở thành mục sư

Gần cuối năm 1977, cựu Trung Úy Nguyễn Minh Quang được ra tù, trở về quê hương Nha Trang. Khoảng ba tháng sau, ông theo đạo Tin Lành, đi học được trở thành mục sư. Tháng Tư, 1989, Mục Sư Nguyễn Minh Quang sang đất Cambodia để truyền giáo.

Đầu năm 1999, ông và gia đình trở về Việt Nam. Sau đó, vợ và người con gái lớn của ông đều bị ung thư máu chết chỉ cách nhau trong vòng một năm.

Lúc đó, thân phụ của Mục Sư Quang là cựu Thiếu Tá Nguyễn Minh Thu, nguyên chỉ huy trưởng Căn Cứ Chuyển Vận Cam Ranh, từ Hoa Kỳ bảo lãnh cho ông sang Mỹ.

Năm 2007, ông được định cư tại Little Saigon, miền Nam California.

Mục Sư Kim Vân (hàng đầu, thứ tư từ trái), Mục Sư Nguyễn Minh Quang (phía sau) và những tín hữu của Hội Thánh Việt Nam Victoria Church, Garden Grove. (Hình: Nguyễn Minh Quang cung cấp)

Sau đó, Mục Sư Minh Quang thành lập một hội thánh nhỏ tại tư gia và ông gặp được Mục Sư Kim Vân, quản nhiệm trưởng Hội Thánh Việt Nam Victoria Church, Nam California, trong trường hợp hai người hợp tác trong chương trình radio của hội thánh này.

Hai Mục Sư Kim Vân và Nguyễn Minh Quang thành hôn vào Tháng Sáu, 2014. Cho đến bây giờ, họ cùng chăm sóc Hội Thánh Việt Nam Victoria Church tại Little Saigon. Mục Sư Kim Vân cũng là giám đốc của thẩm mỹ viện Kim Vân, Garden Grove. (Lâm Hoài Thạch) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT