Tuesday, March 5, 2024

Cựu SVSQ Khóa 5/72 Trừ Bị Thủ Đức họp mặt ‘Mùa Hè Đỏ Lửa’ tại Little Saigon

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Khóa 5/72 Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) Trừ Bị Thủ Đức vừa có buổi họp mặt chủ đề “Mùa Hè Đỏ Lửa” vào chiều Chủ Nhật, 16 Tháng Bảy, tại nhà hàng Paracel Seafood, thành phố Westminster.

Các chiến hữu đồng môn từ phương xa về dự buổi họp mặt của cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 5/72 Trừ Bị Thủ Đức. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Sau Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, các bạn đồng môn đã xếp áo thư sinh để vào quân trường Thủ Đức theo lệnh tổng động viên của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Tổng cộng có 824 anh em SVSQ nhập Khóa 5/72 từ các Đại Học Luật Khoa, Khoa Học, Vạn Hạnh, Minh Đức, Huế, Đà Lạt…, và cũng có những giáo chức, những bác sĩ, những kỹ sư… đáp lời sông núi để lên đường nhập ngũ. Khóa này đã được cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đặt tên là khóa “Kiên Quyết.”

Trong thời gian tập huấn, Khóa 5/72 có người đã chết khi đang còn thụ huấn, chết khi đi chiến dịch, và chết khi chưa được mang lon chuẩn úy. Sau khi về đơn vị qua nhiều trận chiến thì chỉ còn 738 sĩ quan được thăng cấp thiếu úy. Suốt thời gian chinh chiến trên những chiến trường khắp bốn vùng chiến thuật tại miền Nam Việt Nam, họ đã hy sinh hơn phân nửa quân số.

Nữ ca sĩ Thúy Hằng và các cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 5/72 trong nhạc cảnh “Mùa Xuân Của Mẹ.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cho đến bây giờ, cựu SVSQ Khóa 5/72 chỉ còn khoảng 100 anh em trên toàn thế giới.

Có những lúc người ta có thể quên đi những quá khứ, nhưng các cựu SVSQ Khóa 5/72 không thể quên đi tình đồng đội và tình chiến hữu trên khắp nẻo đường chinh chiến. Gặp nhau trên đất khách, họ cùng vui mừng gặp lại những chiến hữu còn sống sót không bao nhiêu người. Nhưng, họ vẫn xin tạ lỗi với quê hương, vì còn một nửa đoạn đường chiến binh chưa hoàn tất.

Cựu SVSQ Nguyễn Hữu Hạnh, trưởng ban tổ chức, nói: “Buổi tổ chức hôm nay cũng nhằm để tưởng niệm các huynh trưởng của chúng tôi đã hy sinh vào nhiều trận chiến trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Hơn 50 năm qua, chúng tôi rời xa mái trường đại học để vào quân trường Thủ Đức. Sau ngày mãn khóa 30 Tháng Sáu, 1973, anh em chúng tôi được về nhiều đơn vị của Quân Lực VNCH trên khắp bốn vùng chiến thuật. Đến cuối Tháng Tư, 1975, dù rằng quê hương không còn bom đạn, nhưng trong thâm tâm của các cựu SVSQ Trừ Bị Thủ Đức vẫn còn nỗi đau là chưa làm tròn nhiệm vụ của người trai trong thời chinh chiến.”

Ban văn nghệ Khóa 5/72 đồng ca bài “Việt Nam, Việt Nam.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong số quan khách đến dự, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn (Cộng Hòa-Địa Hạt 36) nói: “Khi nhắc đến Mùa Hè Đỏ Lửa, chúng ta không thể quên những trận chiến tại Quảng Trị, Kon Tum và An Lộc với những chiến thắng oai hùng của các chiến sĩ Quân Lực VNCH. Những buổi họp mặt của cựu quân nhân như hôm nay đã cho tôi học hỏi thêm lịch sử anh hùng của các chiến sĩ VNCH. Đây cũng là dịp để nhắc nhở những thế hệ kế tiếp về nỗi đau thương của đồng bào Việt Nam đang sống dưới chế độc tài Cộng Sản, và lý do tại sao có nhiều đồng hương đang sống tại Hoa Kỳ và các nước tự do trên thế giới.”

Cựu Nghị Viên Tài Đỗ của Westminster kể lại: “Lúc chiến trường tại miền Nam Việt Nam bùng nổ thì tôi vẫn cò bé, lúc đó, tôi có người anh là Đỗ Đình Tâm, cựu SVSQ Khóa 3/72. Khi ra trường anh của tôi được về đơn vị tác chiến tại tiểu khu Kiến Phong. Đối với tôi, các cựu chiến sĩ Quân Lực VNCH là những ân nhân của đồng bào miền Nam, và là những người anh hùng của tổ quốc Việt Nam.”

Huynh trưởng Nguyễn Kim Quang, cựu SVSQ Khóa 18/Thủ Đức, tâm tình: “Quân Trường Bộ Binh Thủ Đức có câu ‘Thủ Đức gọi ta về.’ Tuy rằng Quân Trường Mẹ Thủ Đức của chúng tôi không còn nữa, nhưng vì tình huynh đệ đồng môn trong tinh thần ‘Cư An-Tư Nguy’ của cựu SVSQ Thủ Đức, nên trong ngày vui họp mặt của khóa đàn em, chúng tôi phải đến dự. Hạnh phúc của những người lính già xa quê hương là như thế.”

Ông Nguyễn Hữu Hạnh (trái), cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 5/72, và niên trưởng Nguyễn Kim Quang, cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 18/Thủ Đức. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Nguyễn Bá Hùng, cựu SVSQ Khóa 3/72, kể: “Thật ra các anh em SVSQ của Khóa 3/72 và Khóa 5/72 được xem như nhập ngũ cùng chung khóa, nhưng vì số người nhập ngũ quá đông nên quân trường mới chia ra nhiều khóa. Thành ra Khóa 3 của chúng tôi cách Khóa 5 chỉ trong vòng một tháng mà thôi. Đặc biệt Khóa 3/72 của chúng tôi, khi ra trường có 50 người được biệt phái về Cảnh Sát Quốc Gia, trong số đó có tôi. Khi về đơn vị, chúng tôi được mang lon thiếu úy, còn những anh em khác khi về các đơn vị quân đội thì chỉ đeo lon chuẩn úy. Vì ngành Cảnh Sát không có lon chuẩn úy.”

Ông Nguyễn Thượng Hiền, cư dân Fountain Valley, kể: “Ngày xưa, tôi là một giáo chức được lệnh gọi động viên nhập Khóa 5/72 Trừ Bị Thủ Đức. Ra trường tôi về trình diện Tiểu Khu Vĩnh Long, sau đó tôi ra đơn vị Tiểu Đoàn 468 tác chiến lưu động. Vì tình hình chiến sự càng sôi động nên đơn vị chúng tôi được biệt phái về Chương Thiện chiến đấu với địch đến giờ phút cuối cùng. Lúc đó chức vụ của tôi là đại đội trưởng Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 468.”

Phần trình diễn của nhóm Line Dance Helen Bích. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Một chương trình văn nghệ đặc biệt với nhiều bài đơn ca, song ca, đồng ca, nhạc cảnh, do ban văn nghệ của Hội Ái Hữu Cựu SVSQ Khóa 5/72 Trừ Bị Thủ Đức và các chiến hữu bạn đóng góp. Đặc biệt với sự hiện diện của nhóm Line Dance Helen Bích.

Theo ban tổ chức, trong thời chiến, cuộc đời của những người trai thế hệ có hai thời gian kỷ niệm trong tình bạn. Thứ nhất là tình bạn tuổi học trò, thứ hai là bạn đồng môn trong quân trường. Những tình bạn này đều trân quý trong cuộc đời của mình, nhưng tình bạn trong quân trường thì sẽ được gắn bó nhau suốt cả đời, vì ngoài tình bạn đồng môn còn là tình chiến hữu sống chết bên nhau trong chiến trường.

Tàn cuộc chiến, các cựu SVSQ Khóa 5/72 đã hy sinh trên chiến trường hơn phân nửa. Rồi sau mấy thập niên xa cách, họ lại gặp nhau trên xứ người chưa đầy 100 người. Tuy không bao nhiêu, nhưng thật trân quý vô cùng. [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT