Saturday, March 2, 2024

Chiến sĩ Nguyễn Minh Quang kể chuyện cài đặt ăng-ten ‘Trinh Sát Điện Tử’

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Chiến sĩ Nguyễn Minh Quang, quê Nha Trang, cựu Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) Khóa 7/72 Trừ Bị Thủ Đức, nhập khóa Tháng Chín, 1972. Khi ra trường, ông về Tiểu Đoàn 414 Thần Hổ, Địa Phương Quân, và sau hơn một năm được nhận Anh Dũng Bội Tinh nhờ công tác tốt khi cài đặt những ăng-ten “Trinh Sát Điện Tử.”

Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Nguyễn Minh Quang nay là mục sư tại Hội Thánh Việt Nam Victoria Church. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ngồi tại Hội Thánh Việt Nam Victoria Church ở thành phố Garden Grove, ông Quang kể Khóa 7/72 có khoảng trên 800 khóa sinh. Lúc đó, vì Quân Trường Bộ Binh Thủ Đức có quá nhiều SVSQ đang thụ huấn nên các SVSQ Khóa 7/72 phải thụ huấn tại Quân Trường Đồng Đế, Nha Trang.

Mãn khóa đầu Tháng Bảy, 1973, sau chín tháng thụ huấn tại quân trường, các SVSQ Khóa 7/72 được trở thành những tân sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) với cấp bậc chuẩn úy.

Ông Quang cho hay: “Khi sắp đến ngày ra trường, tôi đã nộp đơn thi để được tuyển chọn về Quân Chủng Không Quân, vì lúc đó, quân chủng này đang cần nhiều sĩ quan. Tôi thi đậu nhưng vì mắt kém nên tôi không được tuyển chọn về quân chủng này.”

Ra trường trong giai đoạn chiến trường Việt Nam đang sôi động, nên phần nhiều các tân sĩ quan Khóa 7/72 phải ra các đơn vị tác chiến.

Trong khi đó, có rất nhiều người đậu được hạng cao thì họ đều xin về những binh chủng chủ lực như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân…, một số thì xin về những Sư Đoàn Bộ Binh. Số còn lại, trong đó có Chuẩn Úy Quang, thì phải về các tiểu khu để phục vụ cho các tiểu đoàn Địa Phương Quân.

Phục vụ tại Tiểu Đoàn 414 Thần Hổ, Địa Phương Quân

Chuẩn Úy Quang chọn về Tiểu Khu Kiên Giang. Trước khi về trình diện tiểu khu này thì quân trường cấp cho ông được hai tuần nghỉ phép để về quê nghỉ dưỡng sau chín tháng tập luyện trong quân trường.

Lúc đó, Trung Tá Vương Văn Trổ từ Sư Đoàn 21 về nhậm chức tiểu khu trưởng, kiêm tỉnh trưởng Kiên Giang.

“Tôi và 15 tân sĩ quan, họ đều thụ huấn tại Quân Trường Thủ Đức, chỉ có tôi là xuất thân từ Quân Trường Đồng Đế. Tất cả về trình diện Phòng 1 Tiểu Khu Kiên Giang. Sau một tuần lễ thì Ban Quân Số Phòng 1 điều tôi và thêm năm tân sĩ quan về Tiểu Đoàn 414 Thần Hổ, Địa Phương Quân, hậu cứ của tiểu đoàn này đang đóng quân tại thị xã Rạch Giá. Chỉ có một số ít quân số ở hậu cứ của tiểu đoàn để hậu cần cho những đại đội đang đóng quân tại những đồn trú xa từ quận đến xã, ấp, thuộc phạm vi của tỉnh Kiên Giang,” ông Quang cho biết.

Chuẩn Úy Quang được Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn đưa về Đại Đội 1/414. Lúc này, Trung Đội 1/Đại Đội 1 đang đóng quân tại một đồn nhỏ ở xã Tân Bằng thuộc ranh giới của Kiên Giang và Cà Mau trong vùng U Minh Thượng.

Lúc đó, Thiếu Úy Hà Hoàng Minh là đại đội phó Đại Đội 1/414. Vì chưa có sĩ quan đảm trách chức vụ trung đội trưởng Trung Đội 1, nên khi đóng quân ở đồn Tân Bằng, thì Thiếu Úy Minh vừa là đại đội phó Đại Đội 1 vừa nắm quyền trung đội trưởng Trung Đội 1 để chỉ huy trung đội này trấn thủ đồn Tân Bằng, còn Chuẩn Úy Quang là trung đội phó.

Ông Quang kể tiếp: “Nơi chúng tôi đóng quân là một đồn rất nguy hiểm, vì nơi này nằm trong khu vực bộ chỉ huy của địch tại vùng U Minh Thượng lâu năm, quân đội VNCH vừa mới tái chiếm. Nhưng hầu hết địa thế ở đây vẫn còn nằm trong tầm hoạt động của địch. Ban ngày, quân đội VNCH có đi hành quân lẻ tẻ, nhưng ban đêm thì Việt Cộng mò về nhà của dân để tuyên truyền hoặc tấn công đồn của lính Địa Phương Quân.”

Thoát chết trận đánh đầu tiên

Chuẩn Úy Quang về đồn này chưa được một tháng thì Việt Cộng tấn công đồn. Vào một đêm, Cộng Sản bắt đầu khai hỏa bằng nhiều quả pháo dữ dội vào đồn Tân Bằng, đến nỗi đồn bị bể một góc. Quả pháo đầu tiên trúng ngay hầm truyền tin, cũng là nơi chỉ huy của trung đội trưởng, khiến Thiếu Úy Minh tử trận.

Ông Nguyễn Minh Quang lúc mới ra trường. (Hình: Nguyễn Minh Quang cung cấp)

Ông Quang cho biết: “Lúc bấy giờ, vũ khí địch đã có súng không giật DKZ82-B10 của Nga Xô; vũ khí cá nhân là AK-47; và còn có B-40 và B-41 để chống thiết giáp. Trong khi đó, lính trong đồn Tân Bằng chỉ có một súng cối 60, một đại liên 60, một M-79, còn vũ khí cá nhân của lính thì một số vẫn còn dùng Carbine M-2. Trung Đội 1 tổng cộng chỉ có 10 cây M-16. Vì đơn vị là Địa Phương Quân nên Quân Đội VNCH chưa có tân trang đủ vũ khí đặc biệt cho Đại Đội 1/414 nhiều. Mãi đến gần cuối năm 1973 thì lính của Tiểu Đoàn 414 mới được tân trang vũ khí cá nhân hoàn toàn là loại M-16 của Hoa Kỳ.”

Đồn Tân Bằng nằm sát mé rừng cặp theo sông Trẹm. Bên kia sông thuộc khu vực của Cà Mau, địch đang đóng quân ở bên đó. Nhưng nhờ bề ngang sông Trẹm tương đối lớn, rộng khoảng 12 mét, nên địch cũng khó để tấn công đồn Tân Bằng ban ngày.

“Lính trong đồn có khoảng 20 quân nhân, đa số là người Miên và những quân nhân đào ngũ hay có tì vết không tốt. Họ phần nhiều là những thành phần đã bị ở tù tại quân lao, khi được quân đội ân xá, họ được đưa về những đơn vị tác chiến ở những vùng sâu hẻo lánh đầy nguy hiểm. Vì thế, khi đơn vị bị địch tấn công mạnh thì phần nhiều những quân nhân này buông súng chạy,” ông Quang kể.

“Khi đồn bị tấn công bằng quả pháo của địch thì tôi đang nằm bên ngoài hầm chỉ huy của trung đội. Có lẽ nhờ thế mà tôi không bị tử thương,” ông cho biết thêm.

Ông còn nhớ rõ: “Đang lúc nguy kịch, có lẽ vì tôi là sĩ quan mới ra trường nên có một số lính không nghe lệnh chỉ huy của tôi là phải bắn lại địch chớ không được bỏ chạy. Nhưng khổ nỗi, vì lính hoảng sợ quá, nên họ cứ bỏ súng chạy ra khỏi đồn.”

Việt Cộng bắt đầu tấn công vào đồn, dùng B-40 bắn vào địa điểm của ổ đại liên 60 trong đồn, nên người thủ cây đại liên này ngã gục, và cây đại liên cũng không còn hoạt động được nữa.

Ông Quang kể tiếp: “Tôi và một vài người lính thoát được khỏi đồn cùng nhảy xuống bờ kinh. Họ bơi khỏi đồn một đoạn, rồi lên bờ chạy về đồn của Tiểu Đoàn 414 đang đóng quân tại Vàm Xáng, cách đó vài cây số. Còn tôi thì khi bơi ra được giữa kinh, vì nước đạp quá mạnh, nên tôi bị nước đưa ngược vào bờ kinh có rất nhiều bụi ô rô, cóc kèn. Tôi mới ẩn nấp vào những bụi rậm này, và thấy bên kia bờ kinh, Việt Cộng bắt đầu bơi rất nhiều xuồng qua đồn Tân Bằng, vì đồn này đã bị địch hoàn toàn chiếm giữ.”

Lúc đó, Chuẩn Úy Quang ôm bè lục bình thả trôi theo dòng nước để về đồn của Tiểu Đoàn 414. Khi thấy ánh sáng đèn điện, thì ông nhận ra đã đến khu vực của bộ chỉ huy của Tiểu Đoàn 414 đóng quân bên kia bờ kinh.

Ông Quang kể tiếp: “Tôi mới hú để cho lính bên tiểu đoàn biết là mình đã về đến địa điểm của tiểu đoàn. Khi lính nhận ra tiếng của tôi thì họ lấy xuồng sang rước tôi về bộ chỉ huy của Tiểu Đoàn 414 Thần Hổ. Xem như tôi mới ra trường được hơn một tháng thì đã bị Việt Cộng tấn công, đánh bể đơn vị, nhưng tôi được thoát chết.”

Vài ngày sau, từ lệnh của Tiểu Khu Kiên Giang, Đại Đội 1 tiếp tục hành quân đến đồn Tân Bằng đã bị thất thủ để tái chiếm. Khi đến nơi thì Việt Cộng đã rút đi, đồn đã bị địch phá tan tành, chỉ còn xác của Thiếu Úy Minh và vài xác lính.

Sau khi lấy xác của các chiến sĩ tử thương xong, đồn Tân Bằng được lệnh của tiểu khu cho tân trang, và bổ sung thêm quân số của Trung Đội 1, và trung đội này vẫn tiếp tục trấn thủ đồn Tân Bằng. Chuẩn Úy Quang đang trong tình trạng dưỡng thương, nên được Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 414 chuyển ông về đồn của Bộ Chỉ Huy Đại Đội 1 đang đóng quân cách đồn Tân Bằng không xa.

Khoảng hai tháng sau, Tiểu Đoàn 414 được lệnh di chuyển về Quận Kiên Lương, Hà Tiên, và đặt bộ chỉ huy của tiểu đoàn tại chợ Kiên Lương. Kể từ lúc này, Tiểu Đoàn 414 trong nhiệm vụ lưu động hành quân theo lệnh của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Kiên Giang.

Gần cuối năm 1973, Chuẩn Úy Quang được thăng cấp Thiếu Úy tại mặt trận và được thăng chức trung đội trưởng Trung Đội 1/Đại Đội 1. Lúc này, Đại Úy Lê Văn Hai, thuộc binh chủng Biệt Động Quân về đảm nhiệm chức vụ tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 414.

Đụng trận với địch lúc cài đặt ăng-ten “Trinh Sát Điện Tử”

Đầu năm 1974, Tiểu Đoàn 414 có nhiệm vụ đi cài đặt những ăng-ten “Trinh Sát Điện Tử” do Trung Tâm Truyền Tin của Quân Đoàn 4 cung cấp. Loại ăng-ten đặc biệt này rất bé nhỏ, giống như dạng lá của cây lúa; rất bén nhạy, có thể phát hiện địch quân đang di chuyển nhiều hay ít. Thông tin thu được sẽ truyền về trung tâm chỉ huy hành quân.

Trước đó, nhân viên truyền tin của Tiểu Khu Kiên Giang đã bay trực thăng tìm địa điểm để đặt những ăng-ten này, sau đó mới giao cho đơn vị tác chiến ngụy tạo những cuộc hành quân để đi cài đặt những ăng-ten “Trinh Sát Điện Tử.”

Ông Nguyễn Minh Quang (bìa trái) và những người em tại Nha Trang trong ngày nghỉ phép lúc đang thụ huấn tại Quân Trường Đồng Đế, 1972. (Hình: Nguyễn Minh Quang cung cấp)

Tiểu đoàn trưởng 414 lệnh cho Đại Đội 1 có nhiệm vụ cài đặt loại ăng-ten đặc biệt này ở những điểm mà phòng truyền tin của tiểu khu đã định sẵn.

Thực hiện công tác này, ngoài Đại Đội 1/414 còn có sự yểm trợ của những đơn vị bạn để đối phó với địch, mỗi khi bị địch phát hiện. Tất cả các đơn vị ngụy tạo ra cuộc hành quân lớn để che mắt địch, vì điểm chính trong các cuộc hành quân này là để cài đặt những ăng-ten “Trinh Sát Điện Tử.”

Khi đến điểm cài đặt thì chỉ có Trung Đội 1 thực hiện công tác này, với sự chỉ huy của Thiếu Úy Nguyễn Minh Quang cùng với 15 quân nhân đã được ông tuyển chọn.

Ông Quang kể: “Có khi chúng tôi đi chung với Thiết Giáp, có khi đi chung với những đơn vị tác chiến khác. Khi đến điểm để thực hiện công tác mật này, thì các đơn vị bảo vệ trung đội của tôi phải tránh xa tầm nhìn nơi chúng tôi cài đặt những ăng-ten đặc biệt này. Những điểm chúng tôi cài đặt phần nhiều được nằm trong những bụi rậm hoặc giữa cánh đồng hoang.”

“Có những lúc, chúng tôi phải giả quân du kích của Việt Cộng để vào cài đặt những ăng-ten trong mật khu của địch. Tôi và lính của tôi phải mặc quần áo đen, mang súng AK-47 để ngụy trang là quân du kích, và đi cùng Đại Đội 1/414 đột nhập vào nơi gần mật khu của địch. Sau đó, ba trung đội 2, 3 và 4 của Đại Đội 1 chỉ đóng quân bên ngoài mật khu của địch, còn Trung Đội 1 thì đột nhập vào mật khu của địch để cài đặt những ăng-ten theo điểm đã định sẵn,” ông kể thêm.

Có khi, chưa cài đặt ăng-ten thì 15 quân nhân và Thiếu Úy Quang bị địch phát hiện. Lúc đó, ông báo cáo về bộ chỉ huy của Đại Đội 1 đã trực sẵn bên ngoài, để họ tiến vào vùng yểm trợ cho toán cài đặt ăng-ten rút ra khỏi vùng công tác.

Ông Nguyễn Minh Quang còn nhớ: “Lúc đơn vị đóng quân ở Kiên Lương, vào một đêm tối trời, toán cài đặt ăng-ten của tôi đột nhập vào một mật khu của Việt Cộng cách Quận Kiên Lương khoảng trên bảy cây số về hướng Hà Tiên. Khi đến điểm, nghe có tiếng phụ nữ nói chuyện, tôi mới dùng ống nhòm ‘Xạ Tinh Viễn Kính’ có quang tuyến để xem cảnh vật ban đêm rất rõ, thì tôi phát hiện có năm nữ Việt Cộng đang đào hầm ở trong khu vực mà chúng tôi sẽ đặt ăng-ten.”

Bên địch có bốn cô đang đào hầm, và có một cô đang cầm súng AK-47 để bảo vệ. Cách năm nữ du kích khoảng 10 mét, ông Quang ra lệnh cho lính tấn công, nghe có tiếng súng nổ, nữ du kích canh gác liền quay lại hướng Trung Đội 1, bắn một tràng AK-47, còn bốn cô đang đào hầm cũng nhảy xuống hầm và tác xạ lung tung.

Vì ban đêm, nên họ không thể bắn chính xác vào toán của Thiếu Úy Quang. Kết quả, bốn cô chết liền tại chỗ, còn một cô bị thương nặng. Thiếu Úy Quang ra lệnh cho lính của ông đưa cô này về để chữa trị thương tích. Nhưng vì vết thương quá nặng, có thể cô không thể qua khỏi lưỡi hái tử thần. Hơn nữa, nếu mang cô này về thì rất khó khăn, và lệnh công tác sẽ bị bại lộ.

Trong lúc lưỡng lự, phần vì ông Quang muốn cứu nữ du kích Việt Cộng này, phần thì sợ bị lộ công tác mật, và tình trạng thương tích của cô chắc không qua khỏi, nên Thiếu Úy Quang mới ra lệnh cho lính bắn cô ta một phát súng ân huệ sau cùng. Sau đó, lính của Thiếu Úy Quang lục soát trong hầm tìm được rất nhiều quả lựu đạn M67 của Hoa Kỳ mà họ đã lấy được từ lính VNCH.

“Tiêu diệt được năm nữ du kích xong, chúng tôi bắt đầu làm việc và hoàn thành công tác cài đặt ăng-ten. Cũng trong đêm đó, chúng tôi rút quân về bộ chỉ huy của tiểu đoàn, báo cáo với cấp trên là công tác đã thành công và còn lấy được nhiều quả lựu đạn M67,” ông Quang kể.

Ông kể tiếp: “Qua hôm sau, Bộ Chỉ Huy Hành Quân Kiên Lương phát hiện nhiều Việt Cộng đến nơi xác của năm nữ du kích qua thông tin của ăng-ten ‘Trinh Sát Điện Tử’ truyền về. Pháo Binh của Quận Kiên Lương liền nhả đạn cấp thời vào điểm mà Trung Đội 1 đã đặt ăng-ten. Đến sáng, cấp trên lệnh cho chúng tôi vào nơi này lần nữa để lục soát, thì chúng tôi phát hiện thêm 12 xác chết Việt Cộng vì đạn Pháo Binh của Quận Kiên Lương. Lính của tôi lấy được năm khẩu AK-47 và nhiều mã tấu của địch.”

Mục Sư Nguyễn Minh Quang (bìa trái) và những người bạn cũ Rạch Giá, tại Little Saigon. (Hình: Nguyễn Minh Quang Minh cung cấp)

Sau khi Trung Đội 1 diệt được năm nữ du kích Việt Cộng và đã giúp cho Pháo Binh của Quận Kiên Lương hạ sát thêm 12 tên địch còn lấy được nhiều vũ khí, đạn dược, Thiếu Úy Quang được tiểu khu trưởng Tiểu Khu Kiên Giang cấp cho ông một Anh Dũng Bội Tinh, huy chương đầu tiên của Thiếu Úy Nguyễn Minh Quang, sau khi mới ra trường chỉ hơn một năm.

Sau đó, Thiếu Úy Quang cùng Trung Đội 1 vẫn tiếp tục đi công tác cài đặt những ăng-ten “Trinh Sát Điện Tử” tại nhiều nơi khác trong tỉnh Kiên Giang. (Lâm Hoài Thạch) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT