Sunday, March 17, 2024

Trường tiểu học đi qua trăm năm

Phạm Công Luận

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ở Phú Nhuận, có một ngôi trường từng có tên là trường tiểu học Võ Tánh tồn tại trên một trăm năm hầu như không đứt đoạn cho đến nay, được xem là trường tiểu học có sớm nhất ở tỉnh Gia Định.

Là học sinh cũ của trường từ năm 1967 đến 1971, tôi không biết thông tin này cho đến khi đọc được trang web của trường tiểu học Trung Nhất, hậu thân của trường Võ Tánh. Gia đình tôi, từ người dì ruột đã học ở trường từ thập niên 1940 và toàn bộ bảy anh em chúng tôi đều học ở đó từ thập niên 1950 đến 1970. Thật sự là điều ngỡ ngàng và có chút gì hãnh diện về ngôi trường thân yêu này.

Trang web cho biết, trường Võ Tánh thành lập khoảng năm 1921, là trường học xưa nhất tỉnh Gia Định và là trường học đầu tiên ở vùng Phú Nhuận. Do vị trí gần đền thờ Võ Tánh (hiện nay vẫn còn trong một con hẻm đường Hồ Văn Huê) nên sau đổi tên thành trường Võ Tánh (không rõ ban đầu tên trường là gì?).

Năm 1945-1946 cơ sở này bị hư hao nên dời về phía sau nhà làng Phú Nhuận trên đường Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng). Nhà làng Phú Nhuận là tên gọi thời Pháp thuộc, trước năm 1975 là trụ sở Hội Đồng Xã Phú Nhuận, hiện nay là Bưu Điện quận Phú Nhuận số 241 Phan Đình Phùng. Tên trường tiểu học Võ Tánh được giữ nguyên trong hơn nửa thế kỷ, cho đến năm 1975 đổi thành trường Trung Nhất.

Hồi ức dài về ngôi trường cổ

Bà Nguyễn Thị Gấm, cư dân ở quận Bình Thạnh, năm nay 84 tuổi, là học trò trường này từ thập niên 1940 và sau đó về dạy học tại trường. Bà gắn bó ngôi trường gần 30 năm và chứng kiến những thăng trầm của nó.

Năm 1947, gia đình bà sau khi tản cư chiến tranh ở Lái Thiêu đã về Phú Nhuận để sinh sống. Lúc đó cô bé Gấm lên 9 tuổi, được gia đình xin cho vào học trường Võ Tánh. Do cơ sở chính còn chật hẹp, nhà trường cho học sinh mới học ở phân hiệu của trường nằm trên nền đất của xưởng Iwai do người Nhật để lại sau năm 1945. Phân hiệu này có sáu lớp học, buổi sáng ba lớp 1-2-3 cho học sinh nữ và chiều ba lớp giống như vậy cho học sinh nam. Lúc đó, thầy Nguyễn Văn Phụng phụ trách phân hiệu này (lúc này thầy Phụng chưa lên làm hiệu trưởng, mà từ 1954).  Phân hiệu này khoảng sau 1954 xây lại thành cư xá Nha Trước Bạ, hiện nay vẫn tồn tại trong hẻm 109 Hoàng Văn Thụ.

Trường học của cô bé Gấm là dãy nhà lợp ngói, sân lót gạch tàu, đặt gần một bụi tre lớn mà con nít gần đó đồn là có… ma. Cuối sân có một mái lá là nhà của gia đình ông Tư Cự, gác dan của trường. Thầy cô ở đó không nhiều, có cô Tư Liêm dạy lớp 2 sau này là vợ một chính khách trong Thượng Viện Việt Nam Cộng Hòa. Kỷ niệm lúc đó, chỉ nhớ mỗi chuyện ông Tư Cự có bà vợ bị điếc. Ban ngày vợ bán đồ ăn cho học sinh, ông Tư lo việc đánh trống, bảo vệ trường. Đến tối ông đi nhậu say về là thế nào cũng bị bà chửi mắng, đã vậy bà bị điếc nên chửi rất to. Nhà bé Gấm sát bên trường nên ngày nào cũng nghe những âm thanh đó. Đi ngang trường, thỉnh thoảng đám học sinh phải ngửi mùi hôi từ lò làm đậu hũ của một gia đình sống gần bụi tre khi họ đổ nước ra.

Cô học trò Gấm học hết lớp Nhứt (lớp 5 ngày nay) vào năm 1952, chuyển sang học lớp Tiếp liên ở trường Chi Lăng (nay là Hà Huy Tập) rồi mới thi vào trường trung học Gia Long.

Năm 1954, hàng triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Thời gian đầu chưa sắp xếp được nơi định cư cho họ, chính quyền đưa họ đến các trại tạm cư. Một số gia đình được đưa về trường tiểu học Võ Tánh với hàng ngàn người tạm trú trong các phòng học. Theo một nhân chứng, mỗi ngày, người lớn được lãnh 12 đồng tiền ăn, con nít lãnh 6 đồng. Sau đó ít lâu, phải trả lại trường cho học sinh học, số gia đình này được đưa về tập trung tại Trại Phú Thọ (địa điểm trường Đại Học Bách Khoa sau này) để chờ ngày đi định cư.

Lúc đó, để phục vụ việc học cho số học sinh di cư mới vào, trường Võ Tánh mở thêm ca học thứ 3 từ 11 giờ sáng đến 2 giờ 30 phút trưa cho con em di cư. Từ năm 1954  cho đến 1964, thầy Nguyễn Văn Phụng làm hiệu trưởng trường Võ Tánh 1, thầy Nguyễn Văn Thành làm hiệu trưởng trường học sinh di cư và thầy Lê Đình Huyên làm hiệu trưởng trường Võ Tánh 2. Năm 1959 trường Võ Tánh 2 dạy học sinh di cư buổi chiều, trường Võ Tánh 1 dạy buổi sáng. Đó là năm bà Gấm quay trở lại trường làm giáo viên sau khi học khóa sư phạm ra.

Ban đầu bà Gấm được phân dạy ở phân hiệu của trường Võ Tánh đặt tại đình Phú Nhuận trên đường  Lê Tự Tài, thường được gọi là trường Đình (lúc đó phân hiệu ở xưởng Iwai không còn nữa). Các cô dạy ở đó nhớ là có cô Tuyết, cô Dung, cô Trà… Sau hai năm, bà trở về trường chính nơi mình đã học trên đường Võ Di Nguy. Lúc đó trường chính có dãy lớp hai bên, mái lợp ngói, nền lớp tráng xi măng và hai sân đất, có vài cây nhỏ mọc lơ thơ. Lương tháng của bà Gấm hồi mới ra trường bằng lương chuẩn úy quân đội thời đó, khoảng 4,000 đồng đủ mua một lượng vàng. Nhờ vậy, sau khi ra trường mấy năm, bà đủ tiền dành dụm mua được căn nhà nhỏ trong hẻm.

Các giáo viên còn trong trí nhớ, buổi sáng có cô Lan, cô Cẩn, cô Kim, cô Bích Trà, cô Thanh, cô Năm (thường  gọi là cô Năm Cổng vì nhà gần cổng xe lửa), cô Tám, cô Chín. Buổi chiều có thầy Thuận, thầy Nghi… Ở đó, bà gặp lại ông Tư Cự ở ngôi trường hồi còn nhỏ về đây làm gác dan và cũng cất một cái chòi cuối trường để ở. Cùng lo việc gác dan, đánh kẻng là ông Tư Lé (gọi theo nhận dạng vì không biết tên ông) và vợ chồng chị Hai làm lao công ở đó. Cuối sân trường có một kho chứa sách giáo khoa. Mỗi đầu năm học, học sinh được phát một bộ sách lấy từ kho và cuối năm học xong đem trả cho đủ bộ để trường cất vào kho. Đầu thập niên 1960, gần trường còn có một công-xi heo, mỗi buổi trưa luôn phát ra tiếng eng éc khi heo bị thọc huyết, khoảng giữa thập niên 1960 dời đi đâu không rõ. Có mấy năm học trò được phát bánh mì và uống sữa mỗi ngày.

Đến năm 1964 trường Võ Tánh 1 dạy học sinh nữ, Võ Tánh 2 dạy học sinh nam. Từ năm đó cho đến năm 1975, cô Hồ Nguyệt Cẩn làm hiệu trưởng trường Võ Tánh 1 và thầy Lưu Quý Chiểu làm hiệu trưởng trường Võ Tánh 2. Việc dạy học ổn định cho đến năm 1968, ông Tư Cự khi nằm ngủ dưới đất bị một trái pháo nổ gần đó nên bị sức ép tức ngực rồi chết.

Bà Gấm bồi hồi nhớ lại thời đi dạy ở trường trước năm 1975. Vui nhất là những những ngày cuối năm, học sinh trước khi nghỉ Hè lo tập văn nghệ để trình diễn rất hào hứng. Các tiết mục này sẽ được diễn ở trên sân khấu rạp hát Văn Cầm (nay không còn). Học sinh thời đó ngoan và thật thà, thầy cô được toàn quyền đánh học sinh hư. Sau này nhớ lại, cô ân hận vì đã đánh đòn vài em học trò. Có em bị đánh xong than là sao cô giáo đánh nhẹ hều vậy, mấy cô khác đánh mạnh lắm!

Một lần khác, bất lực vì có đứa học trò hư quá nói hoài không nghe, bà than phiền với bà Đốc Cẩn. Bà Đốc lập tức tát cho em đó một cái chảy cả máu mũi khiến bà Gấm hoảng hốt, từ đó không dám đánh học trò hay than phiền với ai. Bà nhớ thời đi học, đa số là thầy cô lớn tuổi nhưng thời đi dạy thập niên 1960 đến 1975, hầu hết là các thầy cô trẻ. Nhiều thầy giáo trẻ nhờ nghề dạy học mà không phải ra chiến trường đang ngày càng khốc liệt.

Bà Gấm dạy ở trường Võ Tánh cho đến năm 1975 thì chuyển về một trường gần nhà. Năm đó, hai trường Võ Tánh 1 và 2 sáp nhập thành một, đổi thành trường Trung Nhất. Theo trang web nhà trường, năm 1976 trường mở thêm lớp 6, 7, 8, 9 từ các trường Tây Nhất, Trung Nhì, Độc Lập, Khởi Nghĩa chuyển về đổi thành trường Cấp II Trung Nhất. Năm 1992 chuyển học sinh Cấp II về Cầu Kiệu, đồng thời sáp nhập trường Cấp I Trung Nhất, Cấp II Vạn Xuân, Cấp I Cô Giang và đổi thành trường tiểu học Trung Nhất.

Chút kỷ niệm về ông Tư Lé

Tôi học trường này từ năm 1968 đến 1973. Kỷ niệm nhớ nhất là được phụ trách tủ sách của lớp Nhứt (lớp 5) do cô Bích Trà phân công, đợi khi nào có giờ trống thì mở ra lấy sách phân phát cho các bạn đọc.

Nhớ những dịp gần Tết, đi học rất vui vì trường nằm trên đoạn đường bày bán chợ Tết. Học sinh chưa nghỉ Tết đã thấy nôn nao khi người ta bắt đầu dựng sạp dọc theo vỉa hè rồi bắt đầu đưa bưởi, dưa hấu, từng túi mứt, lạp xưởng xuống để bày. Dưa hấu chất trên lớp rơm rải dưới đất, đen bóng tròn vo.

Trong xóm tôi (hẻm 138 Trương Tấn Bửu, nay là hẻm 221D Trần Huy Liệu) có nhà ông Tư Lé, người thấp và to ngang, nhà đối diện nhà ba má tôi. Ông làm nhân viên tạp vụ của trường Võ Tánh từ đầu thập niên 1960, hiền lành và ít nói. Tết nào ông cũng có thú vui là hạ cái đèn kéo quân bọc trong lớp nylon treo trên cao xuống, mở bọc ra và thắp bóng đèn điện đỏ bên trong.

Bàn thờ đón Tết nhà ông lộng lẫy nhất xóm nhờ cái đèn kéo quân có bóng những hình nhân bận đồ theo tích Tàu xoay vòng vòng trong ánh đèn, hắt ánh sáng lên bộ lư đồng sáng choang. Ông thuộc lớp người sống an phận và hiền hòa của một thời trên đất Gia Định nay hiếm thấy. Sau khi ông Tư mất, người con trai ở chung với vợ chồng ông là chú Tư Nhiều có thay cha đốt đèn kéo quân mỗi dịp Tết vài lần rồi sau đó không thấy nữa.

Ký ức vụn của cư dân Phú Nhuận

Trên trang “Phú Nhuận Ngày Xưa,” vài anh chị góp thêm vài câu chuyện về trường Võ Tánh.  Học trò nữ học buổi sáng trường Võ Tánh 1 trước năm 1964 còn nhớ thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Phụng đến trường làm việc mỗi ngày với bộ quần áo bốn túi màu cà phê sữa và cặp kính trắng trên gương mặt hiền lành. Đến năm 1964, cô Hồ Nguyệt Cẩn thay thầy làm hiệu trưởng. Cô Cẩn dáng thon gọn, có gương mặt hơi nghiêm nghị. Nhà cô trước kia ở góc ngã tư Công Lý-Trương Tấn Bửu (nay là Nguyễn Văn Trỗi-Trần Huy Liệu).

Trường có ba cổng ra vào, gồm cổng chính nhìn thẳng ra đường Võ Di Nguy và hai cổng phụ, cổng bên hông phía sau Nhà Làng có cái giếng nước và cổng phụ phía sau thông ra hẻm Duy Tân, phường 15 hiện nay. Bên trong sân trường Võ Tánh trước đó có vài cái mả, sau được bốc lên để mấy đứa con nít học trò khỏi phải sợ. Một anh kể khoảng năm 1972-1973, trường có các lớp bách khoa bình dân ban đêm. Anh học nghề sửa chữa auto xe gắn máy và điện. Có cả lớp dạy cắt may dành cho học viên nữ.

Đối diện con hẻm lớn vào trường trên đường Võ Di Nguy là tiệm  giày Mạnh Cung. Đó là nhà của Thầy Hùng dạy môn thể dục của trường. Nhớ nhiều nhất là lối vào trường từ cổng chính trên đường Võ Di Nguy. Hai bên lề thường có người bán cá xiêm trong cái thau nhôm, người bán dế với cái thùng lưới. Hàng ăn vặt bán cho học sinh càng phong phú: bánh mì cắt đôi nướng nóng chan mỡ hành, me ngào đường đặt trên cái bánh tráng chiên tròn nhỏ xíu, kem cây, mứt dừa bán khi gần tết… Ngoài ra, đám học sinh còn mê mẩn những miếng nhựa đúc kiểu phù điêu hình Tam Tạng thỉnh kinh, con rộng, lồng đen bằng nhựa… và những hình nhân Batman, lính Mỹ, người điện quang… bằng nhựa đặc.

Gần Noel và Tết, các nữ sinh mua thiệp chúc Giáng Sinh, chúc Tết in màu tuyệt đẹp, còn quanh năm thì mua những xấp hình in trên bìa cứng các tranh vẽ theo bộ như bộ khủng long, côn trùng, bướm, thú rừng, chó nhà… Đó là một thế giới hấp dẫn đám học trò, đa số từ các hẻm nghèo của Phú Nhuận tề tựu về học.

Từ đường Nguyễn Minh Chiếu có con hẻm đi tắt từ ngã ba vào trường, trong hẻm có nhà ông già người Hoa nhà có tiệm trò chơi điện tử với mấy bàn pinball cực kỳ hấp dẫn bọn nhóc tì, so với những trò chơi banh bàn đơn điệu thì trò banh điện này đèn chớp, âm thanh rất lôi cuốn.

Phú Nhuận vốn dĩ là cái làng nhỏ từ thời xa xưa, và Võ Tánh là trường làng, rất gần gũi và thân thuộc bao nhiêu thế hệ cư dân ở đây, trong cuộc đời trăm năm của nó. [qd]

MỚI CẬP NHẬT