Tuesday, March 5, 2024

NASA tái hiện du hành siêu thanh, gợi nhớ phản lực cơ Concorde

NEW YORK (NV) – Kể từ thời điểm phi cơ Concorde chấm dứt hoạt động vào năm 2003, bay vụt qua Đại Tây Dương đã là chuyện của quá khứ. Các chuyến bay giữa London và New York thường kéo dài tám giờ, hoặc gần bảy giờ, tùy vào chặng bay. Kỷ lục hiện tại của hành trình này là năm giờ, từ New York tới London, nếu may mắn có gió mạnh thuận chiều đẩy tới.

Nhưng giờ đây, ý tưởng về du lịch siêu thanh lại được bàn luận trở lại – không ai khác ngoài NASA, cơ quan này ước tính có thể chỉ mất 90 phút để bay từ New York tới London trong tương lai, CNN loan tin.

Một mô hình máy bay siêu thanh. (Hình: NASA/Lockheed Martin)

NASA đã xác nhận trong một bài đăng trên blog về “chiến lược cao tốc” được nghiên cứu gần đây, liệu rằng các chuyến bay thương mại với mức vận tốc Mach 4 – tức là hơn 3,000 dặm/giờ – có thể cất cánh trong tương lai hay không.

Nghiên cứu của Trung Tâm Nghiên Cứu Glenn, thuộc NASA, cho thấy đã có “nhiều thị phần hành khách đầy tiềm năng… trên khoảng 50 chặng bay đã được thiết lập.” Các hành trình này bị hạn chế trong các chặng bay xuyên đại dương, trong đó có các chuyến đi qua Bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, do lệnh cấm bay siêu thanh trên đất liền từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác.

Tuy nhiên, NASA đã phát triển một loại phi cơ siêu thanh “yên tĩnh”, mang tên X-59, một phần của sứ mệnh Quesst. Cơ quan này hy vọng, cuối cùng loại phi cơ tân tiến này có thể thúc đẩy hiệu chỉnh các quy tắc nêu trên, sẵn sàng cho các loại phi cơ có mức vận tốc Mach 2 và Mach 4 (tương đương 1,535 tới 3,045 dặm/giờ). Vận tốc tối đa của phi cơ Concorde là Mach 2.04, hoặc 1,354 dặm/giờ. Một phản lực cơ bay với vận tốc Mach 4 có khả năng bay xuyên Đại Tây Dương trong chỉ 90 phút.

Các nghiên cứu tương tự những nghiên cứu được thực hiện cách đây một thập niên, đã định hình sự phát triển của phi cơ X-59, theo Lori Ozoroski, nhà quản lý Dự Án Kỹ Nghệ Siêu Thanh Thương Mại của NASA. Trong một cách tương tự, bà nói thêm, các nghiên cứu mới sẽ “tân trang cái nhìn về lộ trình kỹ nghệ và xác định nhu cầu nghiên cứu bổ túc cho phạm vi vận tốc rộng hơn.”

Giai đoạn tiếp theo cũng sẽ cân nhắc “các tiêu chuẩn an toàn, tính hiệu quả, lợi ích kinh tế và các vấn đề xã hội,” Mary Jo Long-Davis, nhà quản lý Dự Án Kỹ Nghệ Siêu Thanh NASA, nói, đồng thời thêm rằng “đổi mới có trách nhiệm là một việc quan trọng.”

Hồi Tháng Bảy, hãng Lockheed Martin đã hoàn tất chế tạo phi cơ thử nghiệm X-59 cho NASA, được thiết kế để biến các vụ nổ âm thanh thành những âm thanh vang dội không đáng kể, hy vọng biến chiếc phi cơ siêu thanh trên đất liền thành hiện thực. Các cuộc thử nghiệm trên mặt đất và chuyến bay thử nghiệm đầu tiên dự kiến cất cánh trong năm nay. NASA hướng tới thu thập đầy đủ dữ kiện để giao cho chính phủ Hoa Kỳ vào năm 2027. (TTHN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT