Sunday, March 3, 2024

Băng Nam Cực tan nhanh, chim cánh cụt con chết hàng loạt

BELLINGHAUSEN, Nam Cực (NV) – Nam Cực ghi nhận hàng loạt cái chết thảm khốc của chim cánh cụt hoàng đế non, ước tính có tới 10,000 chim non đã mất mạng, theo đài BBC.

Lớp băng đại dương bên dưới những con chim non tan ra và gãy vỡ trước khi chúng kịp phát triển bộ lông không thấm nước để bơi trong đại dương.

Chim cánh cụt hoàng đế ở Nam Cực (Hình: Giuseppe Zibordi/NOAA)

Những con chim có thể đã chết vì đuối nước hoặc chết cóng.

Thảm họa này xảy ra vào cuối năm 2022 tại phía Tây Nam Cực ở một khu vực giáp Biển Bellingshausen. Mọi thứ đã được vệ tinh quan sát thấy.

Tiến Sĩ Peter Fretwell, thuộc Cơ Quan Khảo Sát Nam Cực Anh Quốc (BAS) nói, thảm họa này là điềm báo cho những gì sắp diễn ra.

Hơn 90% các đàn chim cánh cụt được dự đoán gần như sẽ tuyệt chủng vào cuối thế kỷ 21, khi băng đại dương ngày càng tan biến trong một tinh cầu không ngừng nóng lên.

“Chim cánh cụt hoàng đế phụ thuộc vào băng biển để thực hiện vòng tuần hoàn sinh sản; đó là cách ổn định chúng dùng để duy trì nòi giống. Nhưng nếu tảng băng không đủ rộng hoặc tan rã nhanh chóng, chúng sẽ gặp tai họa,” Fretwell nói với đài BBC.

“Hy vọng duy nhất, đó là loài người có thể cắt giảm khối lượng khí thải carbon đang gây nên tình trạng nóng ấm. Nếu không, con người sẽ đẩy loài chim đẹp đẽ này tới bờ vực tuyệt chủng.”

Các khoa học gia đã theo dõi năm đàn chim trên vùng Biển Bellingshausen – tại các khu vực Đảo Rothschild, Lạch Verdi, Đảo Smyley, Bán Đảo Bryan và Mũi Pfrogner.

Bằng cách sử dụng cụm vệ tinh Sentinel-2 của Liên Âu, các khoa học gia đã quan sát được sinh hoạt của chim cánh cụt từ chất thải của chúng, hoặc phân chim trên các tảng băng đại dương màu trắng. Từ ngoài không gian xa xôi, vẫn có thể nhìn thấy màu nâu của phân chim.

Trong Tháng Ba, chim lớn nhảy xuống biển băng khi mùa Đông ở Nam Bán Cầu trở về. Chúng bắt đầu ve vãn nhau, rồi giao hợp, sau đó đẻ trứng, các quả trứng được ấp, sau đó chim non nở ra sẽ được nuôi dưỡng trong những tháng tiếp theo để có thể tự lập khám phá thế giới bên ngoài khi đủ tuổi.

Mùa chim non ra khơi xoay quanh Tháng Mười Hai/Tháng Giêng, lúc đó chúng bắt đầu tiến về đại dương.

Nhưng nhóm nghiên cứu nhận thấy, lớp băng đại dương bên dưới bầy chim bị tan rã từ Tháng Mười Một, trước khi hàng ngàn con chim non có đủ thời gian phát triển lông để tự bơi.

Băng đại dương trong mùa Hè ở Nam Cực đã giảm mạnh từ năm 2016, tổng diện tích nước đóng băng quanh lục địa này thu hẹp lại với mức kỷ lục mới.

Trong hai mùa Hè vừa qua, khối lượng băng xuống thấp tuyệt đối đã xảy ra trong các khoảng thời gian 2021/22 và 2022/23, lúc đó Biển Bellingshausen gần như hoàn toàn bị trơ trọi, không có băng bao phủ.

Hiện nay, chim cánh cụt hoàng đế được Liên Minh Bảo Tồn Thiên Nhiên Quốc Tế (IUCN), một tổ chức lưu trữ danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng nhất trên Địa Cầu, xếp vào hạng “Cận Nguy Cấp.” (TTHN)

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT