Saturday, March 2, 2024

Vì sao chất béo lại quan trọng?

LOS ANGELES, California (NV) – Nhắc đến chất béo người ta thường nghĩ ngay đến tác động xấu của nó đối với sức khỏe. Tuy nhiên, ít ai hiểu rằng chất béo thực sự là một chất dinh dưỡng thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong cơ thể.

Tùy thuộc vào loại chất béo mà nó có thể đem lại lợi ích tốt hay gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người, theo bài viết của trang mạng mbg food hôm 22 Tháng Năm.

Chất béo không lành mạnh có nhiều trong các thức ăn nhanh. (Hình: Paul J. Richards/Getty Images)

CHẤT BÉO LÀ CHẤT DINH DƯỠNG GÌ? 

Chất béo là một chất dinh dưỡng đa lượng (macronutrient), và cũng giống như tinh bột và protein, cơ thể chúng ta cũng cần nó với số lượng lớn.

So với các chất dinh dưỡng vi lượng (micronutrient) khác như vitamin và khoáng chất, cơ thể con người cần một lượng nhỏ hơn.

Từ trước đến nay, người ta thường khuyên nên hạn chế hoặc không ăn chất béo, tuy nhiên, chất béo lại đóng một vai trò quan trọng trong cơ thể.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Crystal Scott, chủ nhân trung tâm Crystal Scott, LLC, chất béo có tác dụng tạo thêm hương vị cho thức ăn và giúp bao tử chúng ta cảm thấy no.

1. Cung cấp năng lượng cho cơ thể

Chất béo có thể cung cấp năng lượng nhiều hơn gấp đôi so với carbohydrate hay protein. Ngoài ra, chất béo còn phục vụ như một dạng năng lượng dự trữ để cơ thể có thể sử dụng khi cần thiết.

2. Giúp cơ thể hấp thụ vitamin

Các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E và K3 đều cần chất béo để có thể có thể hấp thụ thích hợp.

Khi bữa ăn vừa có chất béo và vừa có các vitamin kể trên, cơ thể của bạn sẽ dễ dàng hấp thụ những dinh dưỡng tốt từ vitamin mang lại.

Cá hồi chứa nhiều omega-3, là một chất béo tốt cho cơ thể. (Hình: David McNew/Getty Images)

3. Duy trì cấu trúc tế bào cho cơ thể

Chất béo là thành phần thiết yêu cho màng tế bào, giúp đóng góp vào cấu trúc và chức năng của các tế bào trên khắp cơ thể.

4. Hỗ trợ sản xuất hormone

Một số hormone, bao gồm hormone tuyến thượng thận và hormone giới tính, thường được tổng hợp từ cholesterol bắt nguồn từ chất béo.

5. Chất béo giúp cách nhiệt bảo vệ cơ thể

Chất béo cung cấp lớp cách nhiệt và lớp đệm bên trong cơ thể, giúp bảo vệ các cơ quan và duy trì nhiệt độ cơ thể. Mỡ nâu hay mô mỡ nâu (BAT) cũng giúp tạo nhiệt cho cơ thể thông qua quá trình sinh nhiệt.

NÊN NẠP VÀO CƠ THỂ BAO NHIÊU LƯỢNG CHẤT BÉO?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một bữa ăn lành mạnh sẽ có khoảng từ 20% đến 35% tổng lượng calories nạp từ chất béo. Ví dụ, đối với tiêu chuẩn nạp vào 2,000 calories mỗi ngày, bạn cần nạp vào khoảng 400 tới 700 calories từ thực phẩm chất béo, tức là khoảng từ 45 gram đến 75 gram mỗi ngày.

Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu rằng, không phải chất béo dạng nào thì cũng có thể nạp vào cơ thể như nhau. Trên thực tế có đến hơn trăm loại các acid béo và mỗi loại đều có đặc tính riêng. Thông thường, các acid béo sẽ được gom lại thành một số nhóm chính, chẳng hạn như nhóm chất béo bão hòa đơn, nhóm chất béo đa bão hòa hay nhóm chất béo chuyển hóa.

Trái bơ chứa chất béo lành mạnh. (Hình: Sean Gallup/Getty Images)

SỰ KHÁC NHAU GIỮA CHẤT BÉO LÀNH MẠNH VÀ CHẤT BÉO KHÔNG LÀNH MẠNH

Chất béo lành mạnh

“Chất béo lành mạnh có xu hướng tự nhiên và có cấu trúc hóa học dễ dàng để cơ thể dễ phân hủy và chuyển hóa thành năng lượng,” Bác Sĩ Uma Naidoo, tác giả cuốn sách “This Is Your Brain” cho biết. “Chất béo lành mạnh bao gồm chất béo không bão hòa đơn (monounsaturated fat) và chất béo không bão hòa đa (polyunsaturated fat).”

Monounsaturated fat gọi tắt là MUFA hay PUFA, có trong thực phẩm như trái bơ, dầu olive, quả hạch, các loại hạt và cá. Các loại thực phẩm này giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm lượng cholesterol xấu trong người và bảo vệ cơ thể không bị viêm.

Ngoài ra, omega-3 là một chất béo không bão hòa đa, có đặc tính chống viêm, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của não bộ, thậm chí còn giúp chống trầm cảm và suy giảm nhận thức.

Chất béo không lành mạnh 

Trong khi đó, chất béo không lành mạnh là chất béo sinh ra từ quá trình chế biến thực phẩm. Quá trình chế biến sẽ làm thay đổi cấu trúc của chất béo tự nhiên, khiến cơ thể khó hấp thụ hơn.

Chất béo qua chế biến thường tìm thấy ở dạng chất béo chuyển hóa, từ các dầu ăn dùng đi dùng lại nhiều lần. Bác Sĩ Uma Naidoo chia sẻ, những chất béo này có thể làm tăng mức cholesterol xấu trong người, tăng nguy cơ bị các vấn đề liên quan đến tim mạch và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Chất béo chuyển hóa (trans fat) được hình thành thông qua quy trình sản xuất liên quan đến việc thêm hydro vào dầu thực vật, biến nó từ chất lỏng thành chất rắn ở nhiệt độ phòng.

Các loại bơ thực vật cũng là một trong những chất béo chuyển hóa. Chúng được gọi là dầu hydro hóa một phần (PHO), tìm thấy nhiều trong các thực phẩm chiên, đồ nướng, đồ ăn nhẹ đóng gói, hay thậm chí là các trong các chai xốt salad. Những chất béo này có nguy cơ gây bệnh tim mạch.

Ngoài trans fat, các chất béo đã qua chế biến từ dầu thực vật và hạt cũng không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là với số lượng lớn.

Chất béo chế biến cao có trong dầu đậu nành, dầu ngô và dầu hướng dương làm tăng tình trạng viêm nhiễm. Chính vì vậy, bạn nên hạn chế ăn các thực phẩm chiên ngập dầu như khoai tây chiên vì các cửa hàng thức ăn nhanh thường sử dụng những loại dầu rẻ tiền. (YY) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT