Saturday, March 2, 2024

Tia proton có thể rút ngắn thời gian trị ung thư vú

ROCHESTER, Minnesota (NV) – Từ một cuộc thí nghiệm ngẫu nhiên, công bố trên tạp chí The Lancet Oncology Thứ Sáu, ngày 8 Tháng Chín, các nhà nghiên cứu đến từ Trung Tâm Điều Trị Ung Thư Toàn Diện Mayo Clinic đã hé lộ bằng chứng ủng hộ thời gian điều trị ngắn hơn cho bệnh nhân ung thư vú.

Nghiên cứu đã so sánh hai lịch trình áp dụng thuốc riêng biệt của liệu pháp proton quét chùm tia bút chì, phương pháp proton tiên tiến nhất nổi tiếng vì độ chuẩn xác trong việc bắn phá các tế bào ung thư, trong khi vẫn bảo tồn các mô khỏe mạnh, giảm nguy cơ gây tác dụng phụ.

Hình minh họa một bệnh nhân được chữa trị bằng proton quét chùm tia bút chì, phương pháp tiên tiến nhất nổi tiếng vì độ chuẩn xác trong việc bắn phá các tế bào ung thư, mà vẫn bảo tồn các mô khỏe mạnh. (Nguồn: Mayo Clinic)

Tỷ lệ sống sót của bệnh ung thư vú tiếp tục được cải thiện nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, dẫn tới việc giảm độc tính lâu dài trong điều trị ung thư, bao gồm xạ trị, ngày càng được chú trọng.

Trước nghiên cứu này, tất cả các bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp xạ trị hậu phẫu tuyến vú bằng proton (PMRT) đều nhận được liệu trình thông thường kéo dài 25 tới 30 ngày, năm ngày mỗi tuần, trong vòng năm tới sáu tuần. Các nhà nghiên cứu hy vọng chứng minh rằng tiến trình trị liệu bằng chùm tia proton, một dạng trị liệu bằng hạt vật chất, giúp tim và phổi tránh bị tổn thương do bức xạ, có thể đưa tới tác dụng phụ tương tự.

Tám mươi hai bệnh nhân được chỉ dẫn áp dụng PMRT, nhiều người trong số họ đã được tái tạo tuyến vú trước đó, được chọn ngẫu nhiên vào phân đoạn thông thường (một phần nhỏ có liều dùng phóng xạ), thực hiện trong 25 ngày, hoặc lịch trình giảm phân đoạn hội tụ trong 15 ngày.

Với phương pháp giảm phân đoạn, liều xạ trị lớn hơn sẽ được cung cấp trong mỗi lần điều trị, cho phép hoàn tất toàn bộ quá trình xạ trị chỉ trong ba tuần. Các nhà nghiên cứu phát giác rằng cả liệu pháp proton thông thường và giảm phân đoạn đều cho ra khả năng kiểm soát ung thư tuyệt vời, cùng lúc tiết kiệm được các mô thông thường xung quanh. Hơn nữa, tỷ lệ để lại biến chứng giữa hai nhóm nghiên cứu là tương đương.

Điều quan trọng là các nhà nghiên cứu lưu ý rằng lịch trình cải tiến giúp bệnh nhân tránh những bất tiện, chi phí, và các gánh nặng khác liên quan tới chế độ điều trị dài hơi. Do số lượng cơ sở trị liệu bằng tia proton tại Hoa Kỳ và thế giới còn hạn chế, Tiến Sĩ Robert Mutter, bác sĩ chuyên khoa ung thư và là bác sĩ-khoa học gia tại Trung Tâm Điều Trị Ung Thư Toàn Diện Mayo Clinic, nói thêm rằng việc chứng minh tính an toàn và khả thi của liệu trình điều trị ngắn có thể giúp các bệnh nhân ung thư vú khó điều trị, tiếp cận kỹ nghệ chùm tia proton dễ dàng hơn.

Các nhà nghiên cứu cho biết, việc bổ túc điều tra về liều lượng và phân đoạn PMRT phải được bảo đảm. Nhóm đã lên kế hoạch nghiên cứu bổ túc, điều tra việc cung ứng PMRT chỉ trong khoảng 5 ngày.

“Cuối cùng, mục tiêu của chúng tôi là cá nhân hóa liệu pháp xạ trị dựa trên khối u sinh học,” Tiến Sĩ Mutter cho biết. “Chúng tôi muốn xác định lịch trình xạ trị tốt nhất có thể hoặc kết hợp với xạ trị bằng thuốc để loại bỏ ung thư, đồng thời giảm thiểu tác dụng phụ.” (TTHN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT