Wednesday, March 6, 2024

‘Mộng Ước,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Lam Phương

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – “Mộng Ước,” bản nhạc tình và “nhạc lính” của Lam Phương, ra đời năm 1962, tức là hai năm sau khi cuộc Chiến Tranh Việt Nam chính thức khởi đầu, và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được quân đội Cộng Sản Bắc Việt dùng làm chiêu bài dân chúng miền Nam Việt Nam tự động nổi lên chống Mỹ cứu nước để che đậy sách lược xâm chiếm miền Nam.

Nhạc phẩm “Mộng Ước” của Lam Phương. (Hình: Tài liệu)

Đây là tâm tình và ước vọng của một đôi trai gái yêu nhau nhưng phải sống xa nhau vì đất nước đang lâm cảnh chiến tranh. Chàng trai thì ở mãi nơi chiến tuyến mịt mờ mưa bay dù lòng anh vẫn nhớ tình người hôm nay, còn cô gái thì sau ngày tiễn anh lên đường làm nhiệm vụ của người trai thời loạn thì vẫn chiều chiều đợi anh, và niềm vui sống nơi hậu phương là tình yêu hiến dâng sa trường, với lòng mong ước có ngày đôi bạn lòng được chung sống bên nhau.

“Mỗi lần nhìn chiều rơi ngoài hiên/ Nghe gió Xuân sang rung lá vàng/ Là lúc tim em như rộn ràng/ Thương nhớ dâng ngập tràn vì chờ ai chốn quan san.”

Mỗi độ Xuân về, Tết đến, khi gió chiều nhẹ lướt ngoài hiên thì lòng em bỗng nao nao nhớ về người anh yêu dấu nơi biên cương xa xăm.

“Nhớ hoài một chiều hoa đào rơi/ Tiễn bước anh đi về cuối trời/ Giờ phút chia ly sao nghẹn lời/ Dẫu biết anh vì đời vì quê hương đang chờ mong.”

Đón Xuân này, nhớ Xuân xưa, nhớ những giọt lệ từ ly năm nào của em lúc tiễn anh lên đường đáp lời sông núi khi nước non đang cần trai hùng.

“Anh ơi! Chiều nay sương xuống lạnh/ Sa trường anh có nhớ em không?/ Rồi đây bên chí trai tang bồng/ Em đem chút má hồng để cùng xây đắp non sông.”

Anh yêu! Không biết nơi sa trường lạnh lẽo khi sương chiều giăng giăng khắp lối anh có khi nào nhớ đến người em bé nhỏ quê nhà? Tuy là phận gái má hồng, em vẫn muốn góp sức, chung lòng với anh để bảo vệ non sông gấm hoa giữa mùa tao loạn đầy những khúc phân ly.

“Ước gì một đêm trông trời cao/ Trăng sáng lung linh soi chiến hào/ Mộng thắm trao nhau như lần đầu/ Bên lá hoa thì thào vì tình ta ôi đẹp sao!”

Phần người trai nơi sa trường, anh chỉ mong ước có ngày em đến thăm anh nơi tiền đồn vào một đêm trăng sáng lung linh bên đồi thanh vắng im lìm để trao nhau tình yêu nồng thắm như buổi ban đầu, lúc chúng mình còn sống bên nhau, giữa tiếng rì rào của hoa lá vây quanh mối tình đẹp như mơ của đôi ta.

***

Cuộc chiến tranh chống Cộng Sản xâm lược hồi thế kỷ trước của quân và dân miền Nam tự do đòi hỏi rất nhiều hy sinh, gian khổ của toàn quân, toàn dân, trong đó có cả sự hy sinh của nguyên một thế hệ trẻ lớn lên giữa mùa tao loạn.

Trong bối cảnh chiến tranh đó, lớp người trẻ tại miền Nam Việt Nam không phải sinh ra là đã có ngay những quyền lợi hoặc những cơ hội rộng mở cho họ tiến thân và theo đuổi hạnh phúc như tại các nước dân chủ, tự do khác trên thế giới, mặc dù Việt Nam Cộng Hòa, vào thời điểm đó, cũng đã là một đất nước dân chủ và tự do như bản Hiến Pháp ngày 26 Tháng Mười, 1956, đã quy định. Điểm khác biệt ở đây nằm ở chỗ phần lớn các quốc gia khác đều sống trong thanh bình trong khi miền Nam Việt Nam thì đang sống trong chiến tranh tàn khốc.

Thật chẳng lạ lùng gì khi hạnh phúc của cuộc đời và hạnh phúc của lứa đôi trên đất nước này phần lớn được xây dựng trên những ước mơ, tức là những duyên lành, những cơ may trong hoàn cảnh lửa khói ngập tràn trên quê hương chiến tranh. Và những cặp trai gái đang yêu nhau trong chia ly, chỉ vì hoàn cảnh đất nước không cho phép họ được sum vầy, đều phải sống trong mộng ước rằng ngày mai đây mình sẽ gặp lại nhau để nên duyên vợ chồng, hoặc trước, hoặc sau khi quê hương ngưng tiếng súng và thanh bình trở lại chốn quê xưa.

Bìa nhạc phẩm “Mộng Ước” của Lam Phương. (Hình: Tài liệu)

Trong nhạc phẩm “Mộng Ước,” người trai nơi chiến tuyến và người em gái miền hậu phương đã nuôi thật nhiều mộng ước về tình yêu và về những phút giây gặp gỡ sau bao tháng ngày xa vắng nhau, và dĩ nhiên là luôn cả mộng ước về ngày vui sum họp của đôi bạn lòng.

Mộng ước đầu tiên của người con gái là được người yêu chốn quan san luôn nhớ đến mình, không quên lời xưa đã ước thề mặc dù người yêu đã dâng cả đời trai chốn sa trường, nhất là khi ánh chiều buông và sương lạnh mịt mờ bao phủ nơi chiến tuyến: “Anh ơi! Chiều nay sương xuống lạnh/ Sa trường anh có nhớ em không?”

Đặc biệt, người con gái trong nhạc phẩm này, ngoài những mộng ước riêng tư cho hạnh phúc lứa đôi, còn nuôi thêm ước vọng đóng góp công sức mình cho cuộc chiến đấu vì tự do, dân chủ của miền Nam Việt Nam nữa, mặc dù văn hóa và luật pháp của đất nước không ràng buộc người phụ nữ vào việc trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường. Tuy nhiên, người con gái ấy vẫn ước mộng được đóng góp phần nào công sức vào cuộc chiến đấu chung của quê hương miền Nam: “Rồi đây bên chí trai tang bồng/ Em đem chút má hồng để cùng xây đắp non sông.”

Hòa điệu với người yêu chốn quê nhà, người trai nơi chiến tuyến trong “Mộng Ước” của Lam Phương, có lẽ chẳng trông đợi gì nhiều về một chuyến về phép thăm nhà và thăm lại người yêu xưa, đã nuôi một ước vọng thật đơn sơ mà có lẽ các đồng đội của anh ít ai dám mơ tới. Mộng ước đó là nàng con gái sẽ lặn lội đường xa đến tận nơi tiền đồn heo hút mà thăm người yêu để hâm nóng lại mối tình đang lạnh lẽo vì sương gió biên thùy: “Ước gì một đêm trông trời cao/ Trăng sáng lung linh soi chiến hào/ Mộng thắm trao nhau như lần đầu/ Bên lá hoa thì thào vì tình ta ôi đẹp sao!”

***

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ra ở quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá, miền Nam Việt Nam, trong một gia đình không mấy khá giả. Năm lên 10 tuổi, cậu bé được mẹ gởi lên Sài Gòn sống với người bác ruột, nhờ đó mà có dịp học nhạc với các nhạc sĩ Hoàng Lang và Lê Thương.

Ca khúc đầu tay do Lam Phương sáng tác là bản “Chiều Thu Ấy” lúc ông mới 15 tuổi. Chỉ ba năm sau, Lam Phương đã có thể tung ra hàng loạt những ca khúc viết về quê hương và tình người, trong đó nổi tiếng nhất là “Khúc Ca Ngày Mùa,” từng được hầu hết các trường học ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chọn để dựng thành hoạt cảnh trong các buổi văn nghệ nhà trường.

Năm 1958, Lam Phương gia nhập Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và khi hết hạn quân dịch thì được lệnh tái ngũ, gia nhập đoàn văn nghệ Bảo An (tiền thân của Địa Phương Quân). Kế đó, Lam Phương hoạt động trong ban văn nghệ Hoa Tình Thương, và sau cùng là Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương cho đến ngày Sài Gòn sụp đổ, rơi vào tay quân Cộng Sản năm 1975.

Trong suốt khoảng thời gian dài này, Lam Phương sáng tác hàng trăm nhạc phẩm giá trị, hầu hết là các bản nhạc tình, trong đó có những bản nhạc lính cùng với những bản nhạc nền cho những vở kịch nổi tiếng của vợ ông, là Túy Hồng, một nữ diễn viên kịch cũng nổi tiếng chẳng kém gì người chồng nhạc sĩ lúc bấy giờ.

Ngày 30 Tháng Tư, 1975, Lam Phương cùng gia đình theo đoàn tàu di tản vượt thoát khỏi miền Nam Việt Nam. Gia đình Lam Phương được đưa đi định cư tại Virginia, Hoa Kỳ, rồi sau đó chuyển về Texas, và cuối cùng là California, nơi ông vừa lao động kiếm sống vừa tiếp tục sự nghiệp âm nhạc tại hải ngoại.

Sau khi ly dị với Túy Hồng, Lam Phương sang Pháp sống, và tiếp tục làm đủ thứ nghề để mưu sinh trong khi tiếp tục sự nghiệp âm nhạc của mình.

Nhạc sĩ Lam Phương. (Hình: Triết Trần)

Năm 1995, Lam Phương quay trở lại Hoa Kỳ, nhưng chỉ bốn năm sau đó thì ông bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người.

Lần xuất hiện sau cùng của Lam Phương trước công chúng là vào Tháng Tám, 2016, khi ông cùng đoàn nghệ sĩ của Trung Tâm Thúy Nga sang Đông Nam Á thực hiện chương trình “Tình Ca Lam Phương tại Singapore.” Người nhạc sĩ tài danh và được người Việt khắp nơi mến mộ qua đời ngày 22 Tháng Mười Hai, 2020, tại California, thọ 83 tuổi.

Lam Phương rất nổi tiếng với các nhạc phẩm: “Biển Tình,” “Biết Đến Bao Giờ,” “Bức Tâm Thư,” “Buồn Chi Em Ơi?,” “Chiều Hành Quân,” “Khúc Ca Ngày Mùa,” “Kiếp Nghèo,” “Kiếp Tha Hương,” “Lầm,” “Tan Vỡ,” “Thành Phố Buồn,” “Thiên Đàng Ái Ân,” “Thu Sầu,” “Tiễn Người Đi”… (Vann Phan) [qd]


Nhạc phẩm “Mộng Ước” của Lam Phương

Mỗi lần nhìn chiều rơi ngoài hiên
Nghe gió Xuân sang rung lá vàng
Là lúc tim em như rộn ràng
Thương nhớ dâng ngập tràn vì chờ ai chốn quan san.

Nhớ hoài một chiều hoa đào rơi
Tiễn bước anh đi về cuối trời
Giờ phút chia ly sao nghẹn lời
Dẫu biết anh vì đời vì quê hương đang chờ mong.

Anh ơi! Chiều nay sương xuống lạnh
Sa trường anh có nhớ em không?
Rồi đây bên chí trai tang bồng
Em đem chút má hồng để cùng xây đắp non sông.

Ước gì một đêm trông trời cao
Trăng sáng lung linh soi chiến hào
Mộng thắm trao nhau như lần đầu
Bên lá hoa thì thào vì tình ta ôi đẹp sao!


 

MỚI CẬP NHẬT