Wednesday, March 6, 2024

‘Chiều Hành Quân,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Lam Phương

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Nhạc phẩm “Chiều Hành Quân” của Lam Phương được tác giả ghi trên bìa nhạc phẩm là “Kỷ Niệm Mùa Quân Dịch 1958,” do Kiên Giang xuất bản, là lúc chàng trai tên Lâm Đình Phùng lên đường đi quân dịch là thương nòi giống.

Nhạc phẩm “Chiều Hành Quân” của Lam Phương. (Hình: Tài liệu)

Nhưng sự thật thì ca khúc này được sáng tác là để gói trọn tâm tình của chàng nhạc sĩ trẻ tuổi, tài hoa, trót yêu một nữ ca sĩ thanh, sắc vẹn toàn cùng thời, nhưng người yêu lại vầy duyên với một người trai trẻ khác, để rồi cuối cùng là tình bơ vơ…

Theo một bài viết trên trang mạng giaidieumotthoi.com thì người đẹp sang ngang nửa chừng ấy là nữ ca sĩ Thúy Nga và “người khác” mà nàng ca sĩ này vầy duyên đó là nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, hai khuôn mặt khả ái không kém gì Lam Phương trong nền âm nhạc trữ tình của miền Nam Việt Nam hồi trước năm 1975.

Có thể nói trong số hàng trăm nhạc sĩ và nghệ sĩ của miền Nam tự do hồi thế kỷ trúc, ít ai yêu nhiều mà khổ vì yêu cũng nhiều. Những cô gái và những người đàn bà đi qua đời Lam Phương thật khó mà đếm cho hết, ngoại trừ những người mà mọi người biết được nhờ người nhạc sĩ đa tài và đa tình này nhắc nhở qua các ca khúc của ông, một cách gián tiếp hoặc trực tiếp.

Biết rằng cuộc tình đầu thường gây bao thương đau, có thể nói rằng cô gái được nhắc nhở tới trong nhạc phẩm “Chiều Hành Quân” của Lam Phương là mối tình đầu trong môi trường văn nghệ của chàng nhạc sĩ đa tình này: “Thế thôi vui chi sống trong tình đầu, nhạc ‘chiều hành quân’ nay biết gởi về đâu?…”

Cũng bởi vì anh là lính đa tình cho nên cái tật của mấy anh chiến sĩ Cộng Hòa trẻ tuổi là đi hành quân nơi đâu cũng nhớ đến bóng hình của một người con gái nào đó, dù họ là người yêu hay người chưa yêu của mình. Người lính trong nhạc phẩm “Chiều Hành Quân” cũng không phải là ngoại lệ, nhất là khi người con gái ấy không biết giờ này trôi dạt về đâu: “Một chiều hành quân qua thôn xưa lúc nắng xuân chưa nhạt màu/ Chạnh lòng tìm người em gái cũ: Em tôi đã đi phương nào?”

Chàng trai lính chiến nhớ người yêu điên cuồng đến độ thổn thức, nghẹn ngào khi biết người ấy đã ra đi khỏi cuộc đời mình lúc đôi bạn lòng vẫn tưởng người nọ vẫn còn chờ đợi người kia: “Về đâu em ơi lúc tình còn sâu lúc hương trần đời vẫn chờ nhau giữa đêm thâu…/ Hẹn nhau qua hết một mùa phượng rơi nhưng hoa chưa tàn mà lòng ai đã đổi thay!”

***

Bìa nhạc phẩm “Chiều Hành Quân” của Lam Phương. (Hình: Tài liệu)

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ra ở quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá, miền Nam Việt Nam, trong một gia đình không mấy khá giả. Năm lên 10 tuổi, cậu bé được mẹ gởi lên Sài Gòn sống với người bác ruột, nhờ đó mà có dịp học nhạc với các nhạc sĩ Hoàng Lang và Lê Thương.

Ca khúc đầu tay do Lam Phương sáng tác là bản “Chiều Thu Ấy” lúc ông mới 15 tuổi. Chỉ ba năm sau, Lam Phương đã có thể tung ra hàng loạt những ca khúc viết về quê hương và tình người, trong đó nổi tiếng nhất là “Khúc Ca Ngày Mùa,” từng được hầu hết các trường học ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chọn để dựng thành hoạt cảnh trong các buổi văn nghệ nhà trường.

Năm 1958, Lam Phương gia nhập Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và khi hết hạn quân dịch thì được lệnh tái ngũ, gia nhập đoàn văn nghệ Bảo An (tiền thân của Địa Phương Quân). Kế đó, Lam Phương hoạt động trong ban văn nghệ Hoa Tình Thương, và sau cùng là Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương cho đến ngày Sài Gòn sụp đổ, rơi vào tay quân Cộng Sản năm 1975.

Trong suốt khoảng thời gian dài này, Lam Phương sáng tác hàng trăm nhạc phẩm giá trị, hầu hết là các bản nhạc tình, trong đó có những bản nhạc lính cùng với những bản nhạc nền cho những vở kịch nổi tiếng của vợ ông, là Túy Hồng, một nữ diễn viên kịch cũng nổi tiếng chẳng kém gì người chồng nhạc sĩ lúc bấy giờ.

Ngày 30 Tháng Tư, 1975, Lam Phương cùng gia đình theo đoàn tàu di tản vượt thoát khỏi miền Nam Việt Nam. Gia đình Lam Phương được đưa đi định cư tại Virginia, Hoa Kỳ, rồi sau đó chuyển về Texas, và cuối cùng là California, nơi ông vừa lao động kiếm sống vừa tiếp tục sự nghiệp âm nhạc tại hải ngoại.

Nhạc sĩ Lam Phương thời trai trẻ. (Hình: Tài liệu)

Sau khi ly dị với Túy Hồng, Lam Phương sang Pháp sống, và tiếp tục làm đủ thứ nghề để mưu sinh trong khi tiếp tục sự nghiệp âm nhạc của mình. Năm 1995, Lam Phương quay trở lại Hoa Kỳ, nhưng chỉ bốn năm sau đó thì ông bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người.
Lần xuất hiện sau cùng của Lam Phương trước công chúng là vào Tháng Tám, 2016, khi ông cùng đoàn nghệ sĩ của Trung Tâm Thúy Nga sang Đông Nam Á thực hiện chương trình “Tình Ca Lam Phương tại Singapore.” Người nhạc sĩ tài danh và được người Việt khắp nơi mến mộ qua đời ngày 22 Tháng Mười Hai, 2020, tại California, thọ 83 tuổi.

Lam Phương rất nổi tiếng với các nhạc phẩm: “Biển Tình,” “Biết Đến Bao Giờ,” “Bức Tâm Thư,” “Buồn Chi Em Ơi?,” “Chiều Hành Quân,” “Khúc Ca Ngày Mùa,” “Kiếp Nghèo,” “Kiếp Tha Hương,” “Lầm,” “Tan Vỡ,” “Thành Phố Buồn,” “Thiên Đàng Ái Ân,” “Thu Sầu,” “Tiễn Người Đi”… (Vann Phan) [qd]


 

Nhạc phẩm “Chiều Hành Quân” của Lam Phương

Một chiều hành quân qua thôn xưa lúc nắng xuân chưa nhạt màu.
Chạnh lòng tìm người em gái cũ: Em tôi đã đi phương nào?
Nghẹn ngào nhìn qua hàng tre xanh ngắm bóng chim đua trên cành,
Giờ còn tìm đâu hình bóng cũ: Em ơi! Em về đâu?

Đ.K.:
Về đâu em ơi lúc tình còn sâu lúc hương trần đời vẫn chờ nhau giữa đêm thâu…
Về đâu khi em vẫn là nguồn sống, khi ánh xuân nồng vừa nhẹ vương lên má hồng…
Hẹn nhau qua hết một mùa phượng rơi nhưng hoa chưa tàn mà lòng ai đã đổi thay!
Thế thôi vui chi sống trong tình đầu, nhạc “chiều hành quân” nay biết gởi về đâu?…

Để rồi một năm nơi biên cương dấn bước thân trên sa trường,
Ngày thì tìm vui bên chiếc súnɡ khi đêm anh vui với đàn.
Dù mộng tàn phai trong thương đau vẫn nhớ mãi duyên ban đầu.
Lời thề ngày xưa đã trót hứa: Em ơi, xin đừng quên!

MỚI CẬP NHẬT