Monday, March 4, 2024

Tối Cao Pháp Viện gây tranh cãi về sắc tộc, nợ tiền học…

Hiếu Chân/Người Việt

Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (TCPV) trong vài ngày qua đưa ra một số phán quyết gây tranh cãi, ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống, học hành của người dân Mỹ trong thời gian tới. Các phán quyết về bãi bỏ chính sách “affirmative action” trong tuyển sinh đại học, ngăn cản kế hoạch xóa nợ sinh viên, ủng hộ doanh nghiệp từ chối phục vụ người đồng tính, v.v… đều được đưa ra theo lằn ranh ý thức hệ, sáu thẩm phán bảo thủ bỏ phiếu thuận trong khi ba thẩm phán cấp tiến bỏ phiếu chống.

Người ủng hộ chính sách “affirmative action” biểu tình gần Tối Cao Pháp Viện hôm Thứ Năm, 29 Tháng Sáu, sau khi cơ quan tư pháp này đưa ra phán quyết chấm dứt chương trình có từ thập niên 1960. (Hình: Anna Moneymaker/Getty Images)

Hôm Thứ Năm, 29 tháng Sáu, TCPV bỏ phiếu 6-3, chấm dứt chính sách “affirmative action” trong tuyển sinh đại học và cao đẳng. Trong tiếng Việt không có từ ngữ nào dịch sát được nghĩa của từ “affirmative action” của tiếng Mỹ, chỉ có thể diễn dịch đây là một chính sách xem xét yếu tố chủng tộc, sắc tộc (race-conscious policies) khi tuyển sinh viên vào đại học.

Chính sách này ra đời vào đầu thập niên 1960, dưới thời Tổng Thống John F. Kennedy, với mục đích nâng đỡ người thiểu số có xu hướng bị phân biệt đối xử, giúp cho họ có thêm cơ hội được hưởng nền giáo dục bậc cao và phát triển sự nghiệp. Nhờ chính sách sắc tộc đó, tỉ lệ sinh viên là người da đen, người da đỏ bản địa, người gốc Mỹ Latino (Hispanic)… trong hệ thống đại học Mỹ tăng lên đáng kể, góp phần tạo ra cái gọi là tính đa dạng (diversity) của hệ thống đại học, phản ánh tính chất đa sắc tộc của xã hội Mỹ nói chung.

Theo tài liệu trình tòa của đại học Harvard University, hiện có 40% số trường đại học, và 60% số trường khó vào (selective) xem xét yếu tố sắc tộc trong việc tuyển sinh. Việc TCPV bãi bỏ chính sách này được coi là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực gia tăng số lượng sinh viên thuộc các sắc tộc thiểu số ở đại học Mỹ hàng chục năm qua.

Tuy không phải là yếu tố quyết định nhưng sắc tộc khá quan trọng. Dựa trên yếu tố này có một số sinh viên giỏi, có thành tích học tập và hoạt động cộng đồng, vẫn có thể bị “rớt,” nhường chỗ cho các sinh viên kém hơn nhưng thuộc “sắc tộc ưu tiên.” Thực tế, việc áp dụng chính sách “affirmative action” bất lợi cho người gốc Á – vốn có truyền thống đề cao sự học hơn các cộng đồng khác.

Các sinh viên da trắng, người gốc Á châu bị “rớt đại học” một cách oan ức đã nhiều lần kiện chính sách này ra trước tòa án các cấp. Và đỉnh điểm là vụ một tổ chức có tên Sinh Viên Tuyển Sinh Công Bằng (Students for Fair Admissions) kiện chính sách tuyển sinh của đại học Harvard University và đại học University of North Carolina ra trước TCPV, dẫn tới kết quả là phán quyết hôm Thứ Sáu.

Khi công bố phán quyết, Chủ Tịch TCPV John Roberts cho rằng, sinh viên phải được đánh giá “như một cá nhân chứ không phải dựa trên sắc tộc…” “Nhiều trường đại học đã kết luận sai lầm rằng nền tảng của bản sắc cá nhân không phải là những thách thức [người đó] đã vượt qua, những kỹ năng đã xây dựng được hoặc những bài học đã học được mà là màu da của họ. Lịch sử hợp hiến của chúng ta không dung nạp một lựa chọn như vậy,” ông Roberts viết và nói thẳng ra rằng việc trao cho người da đen, người Hispanic quyền ưu đãi hơn, nhân danh tính đa dạng, là vi phạm quyền được bảo vệ công bằng tại Tu Chính Án số 14 của Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Phán quyết của TCPV không chỉ tác động tới hai trường đại học “bị đơn” mà tác động đến hoạt động tuyển sinh của toàn bộ hệ thống đại học, cao đẳng của Mỹ. Các trường trung học cũng sẽ phải điều chỉnh để định hướng tương lai cho học sinh của mình.

Tổng Thống Joe Biden và các chính trị gia đảng Dân Chủ ngay lập tức lên tiếng phản đối phán quyết của TCPV. Tổng Thống Joe Biden tuyên bố: “Tòa án này coi như đã kết thúc chương trình hỗ trợ sinh viên sắc tộc thiểu số, và tôi cực lực không đồng ý với phán quyết của tòa.” “Nạn kỳ thị vẫn còn ở Mỹ. Phán quyết hôm nay không làm thay đổi điều đó,” ông Biden nói thêm tại Tòa Bạch Ốc và lặp lại câu này nhiều lần.

Nhưng dường như đa số người dân Mỹ không hoàn toàn đồng ý như vậy. Cho đến nay, tại ít nhất chín tiểu bang Arizona, California, Florida, Idaho, Michigan, Nebraska, New Hampshire, Oklahoma, và Washington cử tri đã bỏ phiếu chấm dứt việc “phân biệt đối xử” dựa trên màu da và sắc tộc trong tuyển sinh đại học, nghĩa là đồng thuận với phán quyết mà TCPV đưa ra hôm 29 Tháng Sáu.

Tại California chẳng hạn, chính sách “affirmative action” bị bãi bỏ từ năm 1996 dưới thời Thống Đốc Pete Wilson thuộc đảng Cộng Hòa và từ đó đến nay hệ thống đại học công lập California đã chứng tỏ họ vẫn có thể duy trì tính đa dạng của môi trường đại học mà không nhất thiết phải dựa vào yếu tố sắc tộc.

Ở University of California (UC) – một hệ thống đại học công lập có 290,000 sinh viên tại 10 trường đại học – các nhà quản lý đã dùng nhiều tiêu chuẩn thay thế để đánh giá và tuyển sinh từ các thành phần xã hội khác nhau mà không quan tâm tới yếu tố sắc tộc. Người gốc Hispanic chiếm 40% dân số tiểu bang, 53% số học sinh trung học, nhưng số theo học UC chỉ chiếm 22.5%. Tương tự như vậy, người da đen chiếm 6.5% dân số tiểu bang nhưng chỉ 5.5% tổng số sinh viên UC là người da đen. Thanh niên gốc Á, trong đó có người Việt Nam, chiếm khoảng 16% dân số California nhưng chiếm đến 32% tổng số sinh viên của UC.

Thực tế cho thấy sinh viên gốc Hispanic và da đen thường chiếm tỉ lệ cao ở các trường ít cạnh tranh như hệ thống đại học cộng đồng (community college) hoặc hệ thống đại học tiểu bang (California State University – CSU) trong khi hệ thống UC khó vào hơn thường là điểm đến ưa chuộng của sinh viên da trắng và gốc Á có sức học tốt. Việc bãi bỏ chính sách “affirmative action” của California giúp sinh viên gốc Á có cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn với các sắc dân khác trên con đường vào đại học.

Dư luận cũng cho thấy chính sách “affirmative action” không được đa số người Mỹ chấp nhận vì cho rằng nó không công bằng, làm giảm sút phẩm chất năng lực của sinh viên đại học nói chung. Cuộc thăm dò ý kiến của cử tri do tổ chức nghiên cứu Pew Research thực hiện từ 27 Tháng Ba đến 2 Tháng Tư năm nay ghi nhận 51% số người được hỏi phản đối chính sách này, 33% ủng hộ, và 16% không có ý kiến. Người gốc Hispanic và người da đen ủng hộ mạnh nhất, với tỉ lệ lần lượt là 39% và 47% trong khi người da trắng và người gốc Á phản đối, với tỉ lệ là 57% và 52%.

Đáng chú ý về mặt ý thức hệ, có 54% những người theo đảng Dân Chủ ủng hộ chính sách “affirmative action,” 29% phản đối, và 17% không có ý kiến. Trong khi ở phía đảng Cộng Hòa có 74% phản đối, chỉ 14% ủng hộ, và 12% không có ý kiến. Đảng Dân Chủ có chủ trương thân thiện với những tầng lớp yếu thế trong xã hội, muốn đại diện cho tiếng nói của các cộng đồng thiểu số, có khát vọng tái lập sự công bằng, nhưng việc ủng hộ chính sách sắc tộc trong tuyển sinh đại học có thể là một lựa chọn không đúng.

TCPV hôm 30 Tháng Sáu cũng đưa ra phán quyết ngăn chặn kế hoạch của Tổng Thống Joe Biden xóa $430 tỷ nợ sinh viên – một kế hoạch gây tranh cãi sôi nổi kể từ khi được công khai vào mùa Hè năm ngoái. Nhật báo Người Việt đã có nhiều bản tin về sự kiện này và chúng tôi cũng đã lạm bàn về kế hoạch của ông Biden trong bài bình luận “Xóa tiền nợ học cho dân Mỹ – một chính sách gây tranh cãi” đăng ngày 26 Tháng Tám, 2022.

Nay thì chưa rõ Tổng Thống Biden sẽ có những biện pháp cụ thể gì, trong phạm vi quyền hạn hợp hiến của tổng thống, để thực hiện việc xóa nợ cho sinh viên như ông hứa hẹn nhiều lần trong thời gian tranh cử và cả trong nhiệm kỳ tổng thống.

TCPV, với thành phần bảo thủ chiếm đa số, đã bắt đầu gây cho hành pháp nhiều khó khăn đã được dự đoán trước. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT