Friday, March 8, 2024

Buộc tội Trump, không dễ!

Hiếu Chân/Người Việt

Cựu Tổng Thống Donald Trump đã ra hầu tòa vào chiều Thứ Năm, 3 Tháng Tám, hai ngày sau khi bản cáo trạng truy tố ông được công bố với bốn tội hình sự, trọng tâm là hành vi lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 sau khi ông thua ông Joe Biden, ứng cử viên đảng Dân Chủ, dẫn tới cuộc bạo loạn tấn công Quốc Hội ngày 6 Tháng Giêng, 2021.

Cựu Tổng Thống Donald Trump bước xuống cầu thang máy bay tại phi trường Ronald Reagan Washington National Airport, Arlington, Virginia, chuẩn bị đến tòa để bị câu lưu hôm Thứ Năm, 3 Tháng Tám. (Hình: Tasos Katopodis/Getty Images)

Đây là lần thứ ba ông Trump ra hầu tòa để được nghe cáo trạng buộc tội. Và cũng như hai lần trước, ông tuyên bố không nhận tội. Phiên tòa chính thức xét xử vụ án này sẽ được mở tại thủ đô Washington, DC từ ngày 28 Tháng Tám, dưới sự chủ trì của Chánh Án Tanya Chutkan, một trong những quan tòa được coi là nghiêm khắc nhất trong việc trừng trị những kẻ bạo loạn.

Khác với hai lần truy tố trước ở New York (ông Trump bị cáo buộc sửa đổi hồ sơ kinh doanh để che giấu vụ dùng tiền bịt miệng một diễn viên phim khiêu dâm trước khi ông trở thành tổng thống) và ở Florida (ông Trump bị tố cáo thủ đắc bất hợp pháp hồ sơ mật của chính phủ và cản trở việc thu hồi các hồ sơ đó), vụ truy tố thứ ba này chạm tới những nguyên tắc cốt lõi của nền dân chủ Mỹ đã tồn tại 238 năm qua. Đó là nguyên tắc chính quyền “của dân, do dân,” người lãnh đạo được chọn theo ý chí của cử tri thông qua lá phiếu và nguyên tắc chuyển giao quyền lực quốc gia một cách êm thấm.

Hành vi được coi là phạm tội của cựu Tổng Thống Donald Trump, diễn ra từ sau ngày bầu cử 3 Tháng Mười Một, 2020 đến vụ bạo loạn trên ở Quốc Hội ngày 6 Tháng Giêng, 2021, đã được truyền thông tường trình, phân tích, bình luận đầy đủ suốt hai năm rưỡi qua, đặc biệt là chín phiên điều trần công khai của Ủy Ban Đặc Biệt Hạ Viện điều tra vụ 6 Tháng Giêng và được thể hiện với chứng cứ thuyết phục trong bản cáo trạng 45 trang của ông Jack Smith, công tố viên đặc biệt, xin phép không nhắc lại nữa.

Những người chống đối ông Trump sốt ruột một cách hợp lý rằng, với tội trạng như vậy lẽ ra ông Trump đã phải bị xét xử, bị cầm tù từ lâu, rằng bộ máy tư pháp hoạt động quá chậm chạp và phân biệt đối xử giữa thường dân với người có thế lực và tiền bạc…

Nhưng thực ra, việc kết tội ông Trump không đơn giản. Đây là một trường hợp hết sức đặc biệt chưa từng có trong lịch sử tố tụng khi một tổng thống Hoa Kỳ bị cáo buộc lợi dụng chức vụ để cố bám giữ quyền lực, những tác động chính trị và xã hội mà vụ án có thể gây ra cho nước Mỹ là hết sức nghiêm trọng. Các cơ quan “cầm cân nảy mực” của đất nước như Bộ Tư Pháp, FBI, các công tố viên, các quan tòa liên bang và tiểu bang, đều tỏ ra hết sức thận trọng.

Thêm nữa, qua các rắc rối pháp lý mà ông phải đối mặt, vị cựu tổng thống tỏ ra là một người rất “thông minh” và giảo hoạt, làm cho các cơ quan điều tra và tố tụng gặp khó khăn không ít trong việc tìm kiếm “khẩu súng bốc khói” để kết tội ông. Là người giàu tiền của, lại có năng lực huy động tiền bạc đóng góp rất lớn từ các ủng hộ viên, ông Trump có điều kiện thuê mướn những luật sư giỏi nhất nước Mỹ cố vấn và hỗ trợ pháp lý, vạch ra những sách lược rất hiệu quả đối phó với cơ quan tố tụng.

Chiến thuật xuyên suốt của ông Trump là tự biến mình thành “nạn nhân” của một mưu đồ chính trị của chính phủ Mỹ và truyền thông cánh tả, từ đó khơi gợi sự đồng cảm và ủng hộ của cử tri. Ông tự cho mình là nạn nhân, bị “cướp” (steal) mất chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, sau đó là nạn nhân của nhiều cuộc điều tra nhằm ngăn cản chiến dịch tái tranh cử của ông năm 2024. Ở mỗi bước đi, ông – và các luật sư của ông – luôn tìm chỗ dựa trong những đạo luật hiện có để phản bác các cáo buộc.

Ngay sau khi bị truy tố tội “âm mưu lừa gạt nước Mỹ bằng những tuyên truyền dối trá để cản trở quá trình bỏ phiếu của cử tri” – tội danh số 1 trong cáo trạng của ông Jack Smith – ông Trump tuyên bố những phát ngôn của ông rằng cuộc bầu cử bị gian lận là phù hợp với quyền tự do ngôn luận được bảo vệ trong Tu Chính Án Thứ Nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Ông nói, truy tố ông về những phát ngôn đó là truy tố quyền tự do ngôn luận của người dân Mỹ trong một nền tư pháp bị “vũ khí hóa,” nhằm đàn áp những người bất đồng quan điểm với chính quyền của đảng Dân Chủ. Lý lẽ như vậy, dù rất xa sự thật nhưng được không ít người Mỹ tin theo. Ông Stephen Miller, cựu cố vấn của ông Trump, nói trên Fox News: “Tự do ngôn luận sẽ không tồn tại nếu cáo trạng này được xúc tiến,” mà không hiểu rằng tự do ngôn luận không bảo vệ những phát ngôn vu khống, xuyên tạc và cáo trạng của ông Smith truy tố hành vi chứ không truy tố lời nói.

Vụ án – mà các cơ quan tố tụng coi là hành động của công lý dù muộn màng nhưng cần thiết – bị ông Trump tố cáo là hành động cản trở việc tranh cử của ông, là can thiệp vào tiến trình bầu cử tổng thống 2024.

“Tại sao họ không đưa ra cáo trạng vô lý này hơn hai năm trước? Họ muốn nó diễn ra ngay giữa chiến dịch tranh cử của tôi, đó là lý do tại sao!” ông Trump viết trên mạng xã hội. Và ông củng cố lập luận đó bằng cách viện dẫn các kết quả thăm dò dư luận cho thấy ông đang dẫn đầu các ứng cử viên của đảng Cộng Hòa một khoảng cách lớn. Mới nhất, vào sáng Thứ Sáu, 4 Tháng Tám, ông Trump kêu gọi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (TCPV) can thiệp vụ án của ông, ngăn chặn việc truy tố và xử tội hình sự ông với lý do can thiệp tiến trình bầu cử 2024. Ông hy vọng TCPV, với sáu thẩm phán bảo thủ trong đó có ba thẩm phán do chính ông bổ nhiệm, sẽ là “công cụ pháp lý” đưa ông ra khỏi vũng lầy vừa mở ra tại tòa liên bang ở Washington, DC.

Ngoài việc viện dẫn quyền tự do ngôn luận, ông Trump đang tìm cách trì hoãn phiên tòa càng lâu càng tốt, với thâm ý nếu phiên tòa kéo dài đến sau ngày bầu cử 2024 thì ông thoát nạn dễ dàng.

Nếu đắc cử tổng thống thứ 47, ông Trump sẽ trừng trị các cơ quan và cá nhân đã truy tố ông và sẽ tự ân xá khỏi mọi tội lỗi. Ông Trump cũng tìm cách chuyển phiên tòa xử ông từ Washington, DC sang tiểu bang West Virginia là nơi “đỏ” hơn, nơi người ủng hộ ông chiếm đa số dù nguyên tắc pháp lý là hành vi phạm tội xảy ra ở đâu thì xét xử ở đó.

Chứng minh cho công chúng Mỹ tâm phục khẩu phục rằng, việc truy tố ông Trump là hoạt động tư pháp bình thường chứ không phải là hành vi can thiệp bầu cử, không phải là “săn phù thủy,…” rõ ràng là một thách thức không nhỏ. Càng khó khăn hơn khi ông Trump và các đồng minh của ông suốt mấy năm qua không ngừng “quỷ hóa” (demonize) các định chế liên bang, từ các ủy ban bầu cử, từ FBI đến Bộ Tư Pháp, từ đảng Dân Chủ đến chính quyền Biden, gieo vào đầu óc người Mỹ nỗi thất vọng, bất mãn với cái chính thể họ đang sống đến mức bây giờ rất nhiều người Mỹ không còn tin vào chính quyền, vào các định chế và đại diện của nó. Ngay sau khi ông Trump bị truy tố lần thứ ba, ban vận đồng bầu cử 2024 của ông đưa ra bản tuyên bố, ví von “những vụ truy tố phi pháp” này khiến người ta nhớ lại “hành động của chế độ Đức Quốc Xã thời 1930 và của Cộng Sản Xô Viết.”

Bị những lập luận đó tác động suốt mấy năm qua, rất đông người Mỹ không tin vào các công bố lạm phát giảm, thất nghiệp giảm, kinh tế tăng trưởng của chính quyền Biden, không tin ông Trump phạm tội, không tin ông Biden không có vai trò trong hoạt động kinh doanh của con trai Hunter Biden. Không chỉ hành vi lật ngược kết quả bầu cử, mà chính việc hủy hoại lòng tin của cử tri vào các định chế dân chủ của đất nước mới thực sự gây tổn hại nghiêm trọng và lâu dài cho nước Mỹ.

Sở dĩ ông Trump tác oai tác quái được một phần lớn là nhờ sự dung dưỡng của đảng Cộng Hòa và hàng triệu người ủng hộ ông. Cho đến nay, trong các ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa dường như chỉ có ông Chris Christie và ông Mike Pence phản đối ông Trump, còn đại đa số các chính trị gia đảng này, hoặc im lặng chờ thời hoặc về hùa theo ông, tố cáo các vụ điều tra và truy tố ông Trump là thủ đoạn chính trị của đảng Dân Chủ. Ngoài xã hội vẫn có tới 74% cử tri Cộng Hòa đứng về phía Trump, theo khảo sát dư luận của nhật báo The New York Times và đại học Siena College vừa công bố.

Tất cả những yếu tố đó làm cho việc xét xử và kết tội ông Trump trở nên hết sức khó khăn và rủi ro, buộc các cơ quan tố tụng phải cân nhắc. Dẫu vậy, đây là một trường hợp thử thách sức bền của nền dân chủ Mỹ mà cả thế giới đang nhìn vào. Nếu Hoa Kỳ không đưa được kẻ phạm tội ra trước công lý, không chứng minh được giá trị vô song của chế độ pháp trị (rule of law) thì hình ảnh của nước Mỹ như là ngọn hải đăng của thế giới tự do sẽ bị hoen ố. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT