Thursday, March 7, 2024

Viết và đọc

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: [email protected]

Đào Hiếu

Ngòi bút của nhà văn không thể dừng lại ở mức độ phác thảo cuộc sống. (Hình minh hoạ: Thanh Niên)

Những nhà văn, nhà báo “quốc doanh” họ đã yên phận rồi. Tôi không muốn nhắc đến họ.

Bài này chỉ đề cập đến “văn chương ngoài luồng.”

Những người viết văn, viết báo “ngoài luồng” thường tự cho mình là “người chứng của lịch sử,” điều đó không sai. Trong giới cầm bút hiện nay cũng có các vị ấy.

Tác phẩm của họ là những bài báo, bài thơ hay những truyện ngắn, truyện dài chỉ được tìm thấy trên trang web cá nhân hay mạng xã hội. Chúng có những giá trị nhất định và những tác dụng tích cực cho xã hội.

Về phía độc giả, họ cũng rất tâm đắc, rất hả hê khi tìm thấy những tác phẩm nói thay cho mình, giải tỏa được những tâm sự sâu kín, những ẩn ức, những căm hận lâu nay vẫn chôn giấu trong lòng không biết trút vào đâu.

Và họ không tiếc lời ca ngợi.

Đó là điều đáng quý.

Những người cầm bút đã thể hiện được vai trò “người chứng lịch sử” của mình.

.

Nhưng nếu nhà văn, nhà báo chỉ là “người chứng” thì suy cho cùng, anh ta cũng chỉ mới làm được một phần công việc của mình.

Bởi vì “làm chứng” đồng nghĩa với tường thuật, mô tả. Người cầm bút mà chỉ làm chứng thì có nghĩa là anh ta chỉ “minh họa,” tố cáo những cái xấu trong xã hội mà gần như ai cũng nhìn thấy, chỉ là họ không có khả năng diễn đạt, hoặc là họ sợ liên lụy không dám nói.

Chính vì thế mà khi có người khác nói thay mình thì họ rất tâm đắc.

Một trí thức nọ, có công gom góp những lời ai oán, những thở than, những nguyền rủa của nhân gian và biến nó thành những câu thơ 5 chữ. Anh ấy xứng đáng là một người chứng, một nhà thơ minh họa cuộc sống.

Nhưng văn chương không chỉ là minh họa. Văn chương (và nghệ thuật nói chung: gồm cả sân khấu, điện ảnh, hội họa, điêu khắc, âm nhạc…) là sáng tạo, là phát hiện cái mới. Vai trò của văn chương không chỉ là làm chứng mà chính yếu và quan trọng nhất là phát hiện cái mà quần chúng chưa hề biết đến.

Có như thế thì người nghệ sỹ mới hướng dẫn được dư luận, bổ sung cho xã hội những nhận thức mới mẻ bằng cách bóc trần những mặt nạ, những lớp vỏ hào nhoáng của các sự kiện chính trị, thời sự, xã hội, đạo đức… để cho mọi người nhìn thấy cái “mặt mộc” của những đào kép trên sân khấu rẻ tiền của bọn lưu manh.

Có như thế thì mới giúp cho những ai còn quá nhẹ dạ, cả tin, ngây thơ, hay hiểu biết nửa vời… tiếp cận với sự thật và dẫn dắt họ bước dần lên những nấc thang nhận thức cao hơn, đến gần với sự thật hơn.

Ngòi bút của nhà văn không thể dừng lại ở mức độ phác thảo cuộc sống. Nó phải là lưỡi gươm dọn dẹp những gai góc, bụi rậm, là ngọn đuốc soi sáng những góc khuất tối tăm của cõi nhân gian phức tạp, hỗn loạn, đầy cạm bẫy, lừa bịp.

Nhà văn phải làm công việc tẩy trang những son phấn trên khuôn mặt xã hội để quần chúng nhìn thấy mặt thật của nó.

Lúc ấy, nhà văn không còn là một người chứng (witness) mà trở thành một công tố viên (prosecutor) thực thụ.

Trong số những nhà văn, nhà báo “ngoài luồng” hiện nay ở Việt Nam có rất ít những công tố viên như vậy. Do đó tác phẩm của họ cũng chỉ là những minh họa đơn giản cho những ẩn ức xã hội.

Sự thiếu vắng ấy, lâu dần trở thành một thói quen “tự sướng” trong độc giả. Thói quen ấy đã vô tình hạ thấp vai trò của người đọc xuống mức độ ù lì trong cảm thụ và nhận thức văn học, chính trị, thời sự, xã hội.

Thái độ của độc giả hiện nay gần giống với khán giả xem kịch nói, xem tấu hài hay xem ca nhạc. Họ vỗ tay tán thưởng những câu nói “trúng ý của mình” thốt ra từ miệng các diễn viên trên sân khấu. Họ reo hò trước những tội ác đang bị trừng phạt xảy ra trong những màn gay cấn của vở diễn. Họ hả hê khi nghe những câu thoại cay độc hay những lời châm biếm chua chát từ miệng các diễn viên…

Kết thúc vở diễn, họ ra về với sự thỏa mãn đầy ảo tưởng rằng mình đã “trả được thù,” rằng những tệ nạn xã hội, những tham nhũng, những áp bức bất công đã được giải quyết, đã được dọn dẹp sạch sẽ, không còn gì phải bận tâm nữa.

Tôi nghĩ rằng cả người viết lẫn người đọc không nên dừng lại ở đó. Vì rõ ràng là nó đang tạo ra một thái độ “ngụy tín” (mauvaise foi) tức là tự lừa dối mình.

Do vậy, văn học nghệ thuật phải tiến xa hơn một bước nữa.

NGƯỜI VIẾT PHẢI ĐÀO BỚI, BÓC TÁCH, “LÔI CỔ” RA KHỎI CUỘC SỐNG NHỮNG ĐIỀU MÀ QUẦN CHÚNG CHƯA ĐƯỢC BIẾT ĐẾN, HOẶC LÀ ĐANG BIẾT NỬA VỜI, ĐANG ÔM GIỮ CHO MÌNH NHỮNG NHẬN THỨC GIẢ NHƯNG CÓ VẺ NGOÀI RẤT GIỐNG SỰ THẬT.

Những “sự thật giả” (fake truth) đang trà trộn rất nhiều trong xã hội, đang bao vây chúng ta mọi lúc mọi nơi và đang biến thành thảm họa của cả một tầng lớp đông đảo những người được gọi là trí thức.

Chưa có thời đại nào mà sự thật lại bị sự giả bao vây như hiện nay. Chưa có thời đại nào mà “sự thật giả” lại tràn lan khắp mặt đất như hiện nay. Không phải chỉ những nước nghèo nàn lạc hậu, mà cả những nước giàu có văn minh hiện đại cũng tràn ngập những “sự thật giả.”

Cuộc chiến Việt Nam vừa qua và cuộc chiến Ukraine hiện nay là những ví dụ sinh động nhất.

Tôi phải mất cả một cuộc đời để hiểu ra điều đó.

Và ở tuổi ngoài 70 tôi mới tìm ra được đường đi của ngòi bút mình.

Ngày 1/5/2023

Đào Hiếu

 

MỚI CẬP NHẬT