Thursday, March 7, 2024

Nghĩ vụn về ‘văn minh lá chuối’

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: [email protected]

Lê Thí

Việt Nam từng có thời kỳ trải qua nền “văn minh lá chuối.” (Hình minh hoạ: NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images)

Từ nền “văn minh túi nylon” ta tiến lên nền “văn minh lá chuối” thời hiện đại. Hãy cụ thể cụm từ 4.0 khó hiểu bằng một sản phẩm cụ thể: túi xách thân thiện môi trường sản xuất từ lá chuối, “Made in Việt Nam.”

Vấn nạn túi nylon

Tại hội thảo quốc tế “Tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương” hôm 10 Tháng Mười Hai, đại diện chương trình Môi Trường Liên Hiệp Quốc cho biết mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0.28 đến 0.73 triệu tấn rác thải nhựa, chiếm 6% lượng chất thải nhựa xả ra đại dương của toàn thế giới. Có 80% trong số đó là từ đất liền đưa ra và có lẽ 80% của số đó là túi nylon.

Với cảnh báo này, bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường đã phải thừa nhận, vấn đề rác thải, trong đó có rác thải nhựa đại dương đang trở nên cấp bách của Việt Nam, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, hệ sinh thái mà còn đến sự phát triển kinh tế xã hội, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn an ninh lương thực, thực phẩm (rất nhiều sinh vật nuốt các loại rác thải nhựa nên bị chết, dẫn đến sinh cảnh bị phá hủy).

Với số lượng rác thải nhựa đại dương này, Việt Nam xếp thứ 4 thế giới, chỉ sau các nước Trung Quốc, Indonesia và Philippines.

Đây là một vị thứ đáng xấu hổ, vì Việt Nam có dân số không đông và đường bờ biển không dài bằng ba nước trên (Số liệu thống kê Tháng Mười Hai, 2017 dân số các nước: Trung Quốc: 1.409 tỷ người, bờ biển dài 14,500km; Indonesia: 264.11 triệu dân, Philippines: 106.9 triệu dân, Việt Nam: 93.7 triệu dân. Indonesia và Philippines là hai quốc đảo).

Điều đó cho thấy, ý thức về môi trường của người dân còn thấp và vấn đề quản lý, xử lý rác thải nhất là chất thải nhựa của ta còn yếu kém, chưa có được một giải pháp nào cụ thể.

Giải pháp từ nước ngoài

Vấn đề rác thải nhựa (chủ yếu là túi nylon) là vấn nạn của cả thế giới, chứ không riêng gì một quốc gia nào.

Ở Việt Nam. vấn đề túi nylon chỉ mới dừng lại ở việc thu gom, tái chế và đưa ra thị trường để tiếp tục… gây ô nhiễm chứ chưa có giải pháp thật cụ thể, thật căn cơ để hạn chế sử dụng, hạn chế gây ô nhiễm và việc này hình như chỉ trông cậy vào đội ngũ những người “lượm ve chai,” “thu mua phế liệu,” “nhặt rác ở các bãi rác” một cách… tự phát.

Trong việc này, trên thế giới đã có nhiều nước thực hiện những giải pháp cụ thể, khả thi mà chúng ta có thể học tập kinh nghiệm để áp dụng. Hai giải pháp được thực hiện song hành với nhau là đánh thuế túi nylon và phát triển cũng như phổ biến nhiều loại túi thân thiện với môi trường từ nguồn thực vật.

Ở Mỹ, người ta sản xuất loại túi có công năng như túi nylonnhưng được làm từ giấy báo và bìa, rất dễ phân hủy trong môi trường. Ở Braxin thì lại sản xuất túi từ cây quinoa, một loại cây lương thực sinh trưởng tại vùng núi Andes; chỉ cần 18 ngày chôn dưới đất là phân hủy. Ở Ấn Độ và Indonesia người ta sản xuất được những chiếc túi từ khoai tây và tinh bột sắn…

Về việc đánh thuế vào túi nylon được rất nhiều nước thực hiện. Tiêu biểu ở Anh, trong các cửa hàng, siêu thị túi đựng đồ bằng giấy khách có thể sử dụng thoải mái nhưng túi nylonthì phải trả tiền. Mỗi chiếc túi dù lớn hay nhỏ khách hàng cũng phải trả 5 xu (tương đương 1,500 đồng Việt Nam, theo tỷ giá hiện nay).

Người dân Anh rất ít sử dụng túi nylon mà chủ yếu là túi giấy. Sử dụng nhiều túi nylon vừa tốn tiền lại không phải là người… lịch sự dưới mắt nhìn của người khác. Từ việc này, khi đi mua sắm người Anh thường mang theo túi nylonở nhà để tái sử dụng, nhiều người còn kéo theo cả chiếc va ly để đựng hàng hóa vừa đỡ xách nặng có thể gây lệch vai, lệch cột sống. Trong siêu thị, từng đoàn người kéo va ly đi mua sắm giống cảnh trong… phi trường, (trong khi ở nước ta tại các siêu thị túi nylon được sử dụng thoải mái không tốn đồng xu nào đã vô tình khuyến khích người ta sử dụng và xả thải vô tội vạ).

“Văn minh lá chuối”

Việt Nam từng có thời kỳ trải qua nền “văn minh lá chuối.” Ngày trước khi chưa có túi nylon, ông bà ta toàn dùng lá môn, lá sen và chủ yếu là lá chuối để gói đồ.

Vấn đề rác thải nhựa (chủ yếu là túi nylon) là vấn nạn của cả thế giới, (Hình minh hoạ: VN Express)

Từ nắm xôi, miếng thịt, con cá, mấy trái ớt, mấy củ hành, mớ rau… cho đến chiếc nút cái chai đựng rượu, đồ bịt hũ mắm… tất tần tật đều dùng lá chuối. Lá chuối ngày đó phổ biến chẳng thua gì túi nylon ngày nay. Tuy không tiện lợi bằng nhưng lá chuối rất dễ kiếm, rất rẻ tiền và rất dễ phân hủy…

Việc sản xuất các loại túi xách thân thiện với môi trường như các nước đang làm có thể khá tốn kém và khó khăn đối với nước ta, và có thể gây ra những vấn đề khác như tái chế bằng giấy báo và bìa cũng liên quan đến việc có thể nhiễm độc chì từ mực in, nhưng nếu sản xuất từ nguyên liệu… lá chuối sẽ không có tác động gì đến môi trường (có thể lá chuối hoặc nhiều loại lá cây khác).

Nói như vậy không có nghĩa là khuyến khích quay lại thời “văn minh lá chuối” thuở sơ khai. Từ nền “văn minh túi ny lon” ta tiến lên nền “văn minh lá chuối” thời hiện đại bằng tư duy 4.0.

Hãy cụ thể cụm từ 4.0 khó hiểu bằng một sản phẩm cụ thể: túi xách thân thiện môi trường sản xuất từ lá chuối, “Made in Việt Nam.”

Có lẽ nên đánh thuế nặng vào việc sử dụng túi nylon (như cách của người Anh). Lấy ngân sách từ quỹ bảo vệ môi trường để tài trợ cho việc nghiên cứu, sản xuất và phổ biến rộng rãi loại túi xách thân thiện môi trường sản xuất từ lá cây.

Ta cũng nên thu mua với giá cao các nguồn chất thải từ đồ nhựa, nhất là túi nylon (vừa hạn chế sử dụng vừa khuyến khích thu gom lại vừa nâng cao đời sống người lao động sống bằng nghề đặc biệt này).

Làm được điều đó mới hy vọng kéo “vị thứ xấu hổ” của ta xuống và mới tự hào là có thực hiện cách mạng 4.0 trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, một cuộc cách mạng mà lâu nay chỉ thấy nói, ít thấy… làm!

 

MỚI CẬP NHẬT