Khơi dòng kênh mới

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: [email protected]

Zennie Trang Nguyễn

nước mắm một phần được đóng chai dán nhãn. (Hình minh hoạ: Tuổi Trẻ)

Xưởng nước mắm truyền thống của gia đình ông Năm, thường niên, hễ cứ cận Tết là con cháu tề tựu về nhà lớn cùng nhau thu dọn, đóng xưởng, nghinh Xuân.

Năm nay, không khí thêm phần rộn rã hẳn lên bởi thằng An – cháu đích tôn của ông Năm quay về nhà lập nghiệp, sau năm năm du học, tập tành kiếm sống ở Thụy Sĩ.

Đứng quan sát thằng An đang háo hức chụp hình “seo-phì” bên mấy cái lù nước mắm đặng nó có ảnh đăng tải lên “phây” cho bạn bè ở trời Tây lác mắt, ông Năm cười rung chòm râu quai nón.

– Ông ơi, nay đóng xưởng, sao mấy anh đó làm gì mà còn đi rải muối ra thùng chứa vậy ông?

– Họ đắp lù đó con, hết thảy đều là muối già được phơi qua cả năm trường.

– Muối mà cũng có “thanh xuân” hả ông?

– Mày nói gì thanh xuân, ông đang nói muối già đem đắp lù mà mày lạng đi đâu vậy con.

– Già trẻ là thanh xuân á ông. thanh xuân như một tách trà, thơm tho, nóng hổi, pha là uống ngay mới ngon, ông ha.

– À… nhưng mà thanh xuân của muối là phải già mới mặn, mới ngon, mới hết cái chát, đắng của muối non nghen con.

– U là trời… vậy là gừng càng già càng cay, muối càng già càng mặn ông ha.

– Cha má bây…

Ông Năm dứt lời, hai ông cháu cười ha hả vang rền cả cái sân xưởng.

Thanh xuân của ông Năm là bảng hiệu nước mắm của gia đình, nhờ nó mà bầy con ông được ăn học tử tế, rồi đến bầy cháu ông cũng được phần hạnh phúc, vô ưu, vô lo.

Hết trò “seo-phì,” thằng An chuyển qua “lai-chim” với các bạn vẫn còn mải rong chơi ở trời Tây chưa muốn nhà ngay. Ông Năm dòm cái tướng rướn thẳng người ra dáng của thằng An lại chạnh nhớ hồi hơn hai chục năm trước, cũng ở cái xưởng này, ngày tân niên, thằng An được cha má cho diện bộ đồ tây, thắt cho nơ cổ thiệt đẹp, đứng ôm chai nước mắm tạo dáng bên dãy thùng nước mắm khai niên.

Ông biểu cha thằng An in tấm ảnh thiệt bự rồi dán trước xưởng, lâu dần tấm ảnh thằng An ôm chai nước mắm thành tấm áp phích quảng cáo cho

xưởng nhà từ năm này qua tháng kia. Hễ ảnh mờ là ông Năm biểu đi in mới, mỗi lần in ông lại yêu cầu tăng kích thước cho lớn ra. Đến nay, tấm áp phích đã cao gấp đôi chiều cao của thằng An rồi.

Ông Năm gửi gắm cả cơ đồ của xưởng nước mắm này vào tương lai của thằng An, nhưng đôi khi ông vẫn cảm thấy có điều gì đó không thỏa đáng: “Mình hồi đó khó khổ, may mà cha má cho cái nghề làm nước mắm để mưu sinh. Bây giờ thằng An còn trẻ, được ăn học sung sướng, trong tay có nhiều lựa chọn mà mình biểu đó về đây tiếp nối cái nghề làm nước mắm thì liệu có đặng?!” ông nghĩ mà thấy lòng ráo như con sông cạn, buồn; ông lủi thủi trở ngược vào nhà hối sấp nhỏ chuẩn bị cơm trưa.

– Dừng sống ảo vô nhà ăn cơm đi con ơi!

Ông vừa bước vào thì lời má thằng An vọng ra như quân lệnh gia đình, An tất tả tắt “lai-chim” quày quả vào nhà, không quên gọi với cha nó ở tuốt đằng xa đặng nghe mà vào kịp bữa.

****

Thằng An học quản lý nhà hàng – khách sạn ở Thụy Sĩ, nuôi mộng làm chủ khi trở về Việt Nam. An muốn ông nội đầu tư cho mình làm “tạc-ấp” chứ đâu có muốn nối nghiệp cha má mà quản cái xưởng nước mắm, theo ý nguyện của ông.

An tốt nghiệp từ hai năm trước nhưng chưa vội về, một phần vì nó muốn tranh thủ lăn lộn, tập sự cho cứng cáp; phần khác, tự sâu trong lòng, An cũng chưa sẵn sàng thực thi sứ mệnh cháu đích tôn của nó.

“Ăn cơm xong chiều hạ nắng cả nhà mình đi Bến Bình Đông chơi ha ông?” – tiếng con em họ thằng An gợi ý cùng với sự đồng thuận gật gù lia lịa của An.

Ông Năm cũng tán thưởng nhưng lại rẽ cuộc du hí qua một hướng khác: “Cả nhà ta cùng ra thăm nhóm chợ nổi (chỉ họp tự phát vào dịp cận Tết) ngay dọc Kênh Tẻ, để xem bà con khu mình năm nay làm ăn thế nào ha.

Thằng An bất giác buột miệng: “Kênh Tẻ thúi rình nội ơi, rác rến không mà chơi nỗi gì…”

Ông Năm trừng mắt, bắn cái tia nhìn sắc lẹm ấy vào thẳng vào mặt thằng An. An không hiểu mình nói sai chuyện gì, ánh mắt ông làm nó thấy rén rén, hồi

hộp coi nội sẽ phang tiếp cái gì. Nhưng không, ông Năm dịu lại, lặng lẽ đặt chén cơm đương ăn dở chừng xuống, bỏ bữa luôn.

Gia đình ông Năm vốn “khởi nghiệp” bên dòng Kênh Tẻ, đến đời cha thằng An tuy mới là đời thứ ba nhưng tâm huyết của từng đời kế thừa gia nghiệp chưa có ai dám xem nhẹ sứ mệnh hay đặt nặng lòng mình ở ngoài xưởng nước mắm này.

Giao thương lâu năm bên dòng Kênh Tẻ, ông Năm có tình cảm sâu đậm với dòng kênh này dù chính bản thân mình, ông cũng thấy sức nặng của thời cuộc đã để lại trong lòng kênh chục năm nay không có gì ngoài rác rến.

Ông Năm gửi gắm cả cơ đồ của xưởng nước mắm. (Hình minh hoạ: RFA)

Thằng An không có tình yêu với dòng Kênh Tẻ, thì làm sao mà nó yêu được cái xưởng nước mắm gia truyền này. Giữa trận đồ sinh tồn đầy hiểm nguy, cạnh tranh với biết bao nhiêu nhãn chai nước mắm: Phú Quốc, Phan Thiết, Nam Ô, Cát Hải… từ dải đất miền Trung ra đến tận miền Bắc, thằng An không biết: ông Năm đã hết mực tự hào bươn chải cùng các thế hệ nhân công xưởng mình, vung tay chèo chống, giữ vững nhãn hiệu nước mắm của riêng một vùng trời Nam Bộ. Thằng An không yêu điều ông Năm tha thiết tận hiến, chỉ chờ đến ngày trao truyền trọn vẹn cho nó tiếp bước.

Không yêu sao đặng?! Không tự hào sao đặng?! Để mất nhãn vì thằng cháu đích tôn không yêu, không hiểu giá trị truyền thống của cái xưởng nước mắm này như ông nó, như cha nó thì sao đặng?!

Cứ nghĩ đến là ông Năm chua chát, lo toan và hoảng sợ như bản thân sắp phải băng mình vào dãy hàng rào kẽm gai sắc nhọn.

Thằng An len lén dòm ông nội ngồi thừ người ra mà lòng bỗng dưng không làm gì cũng thấy áy náy. Nó đã nói sai rồi sao?! Kênh Tẻ thúi rình mà, nó ở bển đọc báo online người ta cảnh báo cả mấy năm trời rồi mà. Nó nói sai sao?! Ngay cả khi nó nói sai thì ông sửa dạy cho nó đi chứ ông dùng cái “thuật lặng thinh” như vậy là khiến nó không đặng lòng rồi đó.

Ông Năm đâu có biết lòng thằng An vốn đã bị xát muối trầy trụa, bong tróc mấy chục năm trời nay. Tự lòng mình, thằng An cũng rỉ rả đau bởi dòng Kênh Tẻ dần chuyển mình đen đúa, không còn là dòng Kênh Tẻ trong veo của tuổi thơ nó nữa.

“An ơi, con giúp má đổ cho cô Tư hai vá nước mắm nghen.” – giọng truyền của má thằng An chưa dứt là nó đã lạch đạch chạy đi lấy cái vá múc rồi, nó thích thú làm điều này như cách người ta chơi đồ hàng mỗi ngày.

Hồi đó, nước mắm một phần được đóng chai dán nhãn, một phần vẫn để bán lẻ từng bát, từng tô… cho bà con cô bác xung quanh xưởng. Cái thanh âm lanh lảnh của má, cái dáng cặm cụi của cha, cái vị nước mắm của xưởng vẫn hằng ươm trong đời sống của nó.

Ngay cả khi được dịp đi du ngoạn sông Seine hay ngồi thuyền Gondola ở dòng Venice, lòng nó cũng chỉ hướng về Kênh Tẻ của tuổi thơ nó mà thôi. Nó yêu đến mức không cách gì chấp nhận dòng Kênh Tẻ hiện thời, nếu không muốn nói ra căm ghét tràn trề.

Ta nói không chỉ riêng gì đất Sài-gòn mà cả vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh từ thời Đông Dương vốn đã lẫy lừng với các dòng sông, con kênh đan xen, quấn quyện: dòng Bến Nghề, dòng Vàm Cỏ, dòng Lòng Tàu, kênh Chợ Vải, kênh Tẻ, kênh Tân Hóa, kênh Hàng Bàng… Yêu đất này mà không yêu sông ngòi, kênh rạch nơi này thì cũng ví như như buông giao kèo mà không có chữ ký, chưng hửng cõi hồn. Lần hồi sông lấp thành đường, kênh vùi thành lối, hết thẩy lưu lượng sông ngòi, kênh rạch dường như chỉ còn chảy trong ký ức người của thế hệ cũ.

Đến nay, hễ Tết đến thì chỉ còn mỗi dấu ấn “trên bến dưới thuyền” ở chợ hoa bến Bình Đông thôi chứ cái dòng Kênh Tẻ và hơi thở của ghe thuyền nơi này gần như mất tích.

– Mèn đét ơi… chiều nay xưởng đóng, cả nhà mình hội ý anh em coi có muốn cùng ông đi “tân trang” khúc Kênh Tẻ trước khu xưởng mình cho nó mới hông ta. Tết mà… cũng cùng một cái công đi bến Bình Đông đó đa.

Tiếng dượng Tám thốt lên khiến cả ông Năm và thằng An cùng nhìn nhau, bắt đầu một hiệu lệnh:

– Chí lý đó đa.

Nói là làm cái rẹc, cả xưởng nước mắm cũng đồng lòng, thuận ý tham gia hoạt động tất niên bất thình lình “tân trang” dòng Kênh Tẻ hết sức lạ đời này.

.

Trời dần sập tối, bờ Kênh Tẻ khu xưởng nhà thằng An cũng dần sạch gọn, đến chừng hơn một cây số dài không còn thùng xốp, bao nylon, chai nhựa nữa.

Không để cả một tập thể hết lòng như vậy ôm bụng đói về nhà, ông Năm bèn ra một sáng kiến: “Dượng Tám bây ra chợ mua rau về biểu thằng An trộn món salad sốt nước mắm gì đó mà hồi hôm ở bên Thụy Sĩ nói cứ nói miết cho bà con ăn thẩm định coi sao nà.”

Thằng An được nước dựng cờ, kéo ống quần xuống chạy vào xưởng khui thùng nước mắm làm sốt trộn rau theo chỉ lệnh của ông nội.

Sau hoạt động tất niên bất thình lình là bữa tiệc tất niên cũng bất ngờ không kém. Bà con xưởng nhà đó giờ chỉ ăn sống nước mắm hoặc nêm nếm hoặc pha chế để chấm món, chứ đời nào mà được ăn sốt nước mắm trộn rau, rồi còn được uống cả soda sả ớt pha nước mắm như cái cách mà thằng An nó làm thiết đãi bữa này. Ai ai cũng tấm tắc tán thưởng hết lời.

Chớp lấy thời cơ quý giá, thằng An tranh thủ ý kiến cộng đồng để lấy phiếu “chốt deal” với ông nội: “Ra Giêng ông đầu tư cho con mở nhà hàng bán món Tây chế biến từ nước mắm truyền thống nhà mình nghen ông. Làm vậy thì nước mắm truyền thống sẽ nối từ sông ra tới biển, từ biển vượt bến bờ đại dương đến những miền lãnh thổ xa lắc luôn ông ơi.”

Ông Năm thấy lòng lắng yên, điềm nhiên nhâm nhi mối kết-nối tươi mới giữa tương lai của thằng An với sứ mệnh cháu đích tôn của nó. Và, thằng An cũng vốn đã hiểu rồi: giá trị truyền thống giống như một dòng chảy mềm mại, thấm sâu từ ông bà đến cha má, từ cha má đến các con… cứ thế mà dừng lắng rồi thăng hoa thành những điều tươi mới; đâu ai nhất thiết phải gánh gồng một mình. Với cái “deal” nhà hàng, ông Năm dẫu chưa tỏ ra cam kết gì nhưng qua tràng cười đắc ý, thằng An hiểu ông nó đã “chốt” rồi đó.

– Tranh thủ trời còn sáng, mình qua Kênh Tẻ “seo-phì” đi cả nhà ơi!

Tiếng thằng An thúc dục, từ sân xưởng nhìn qua kè Kênh Tẻ giờ này thoáng sạch phần nào, ai ai cũng muốn qua “seo-phì” một tấm ảnh kỷ niệm với ông Năm. Chuỗi cười rôm rả của cả nhà loang tràn màu hạnh phúc, phơi phới trong ráng chiều cận Tết.