Wednesday, March 6, 2024

Ngày hợp hôn

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: [email protected]

ThaiLy

Hôn lễ được cử hành đơn giản nhưng rất thân mật, (Hình minh hoạ: Leon Neal/Getty Images)

Với một tình bạn “tri âm, tri kỷ” mà sau này thì tình thân như ruột thịt, tôi và chị gắn bó cùng nhau trong những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, bôn ba thi cử, lặn lội ăn quà, đưa đón nàng đi gặp tình nhân… kể cả “trốn học” để “bên nhau” tâm sự.

Khi mà sự tin cậy của các bậc phụ huynh về tôi đã là tuyệt đối, rồi cũng đến ngày “hợp hôn,” niềm vui như mở hội, tôi từ Đà Lạt về Phan Rang để góp vui cùng bạn. Hôn lễ được cử hành đơn giản nhưng rất thân mật, chỉ là những người bạn thân, ai đến cũng mang cả tấm lòng hân hoan, chia sẻ…

Tiệc cưới thì luôn kèm văn nghệ, ai cũng được mời, riêng tôi thì thú thật, chơi kiểu gì cũng xông pha được nhưng nói đến “hát” là ngó quanh ngó quẩn tìm chỗ trốn…

Cô dâu cũng ác, chị em thân thiết biết bao! Chị cũng hiểu là tôi chẳng bao giờ hát, nhất là nhạc. May ra vọng cổ còn nha nhá vài câu, bởi vì nhà tôi ai cũng mê cải lương nên nghe mãi tôi cũng phải biết và thuộc.

Vậy là không hề nói trước, cô dâu cầm micro giới thiệu: “Để thay đổi không khí, sau đây mình xin giới thiệu ‘con chim se sẻ của nền cổ nhạc’ sẽ lên cho một câu vọng cổ, dài ngắn gì cũng được! Mời… em Lý! Vỗ tay…

Trời ơi! Tôi tháo mồ hôi hột. Giữa tiếng reo hò ầm ĩ, cả trăm con mắt chiếu vào, sao đây? Hát gì? Nhớ gì đâu mà hát? Ai hát giữa đám đông hồi nào?! Tiếng vỗ tay chờ đợi liên tục càng làm tôi ái ngại, lo lắng và khó xử quá.

Cô dâu gì mà chẳng chút dịu dàng, từ trên bục cao lao ào xuống, chú rễ theo sau như bóng theo hình hết năn nỉ, rồi gợi ý:

– Chị biết em không thuộc nhiều, nhưng một câu cũng được. Ngày vui của anh chị mà!

Rồi như “tìm ra chân lý” chị nhắc: À, nhớ rồi! Em hát câu gì trong Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài đó, chị thích lắm!

Thiệt tình mà nói, chị em học chung, có khi ở chung, buồn cũng có nghêu ngao vài câu cho vui, vậy mà nàng nhớ! Ừ, thôi cũng được, mọi người đang chờ mỗi mình mình, lâu cũng kỳ! Vậy là đăng đàn! Tôi lên cầm micro, phang đại cho nhanh đặng về trốn:

– Bớ Lương huynh… đầm đìa khăn huyết hận anh còn gửi lại làm chi cho em phải khóc biệt ly… trách oán… chữ… chung… tình! Ba năm chung học có nhau sao anh bỏ ra đi chỉ có một mình…

Đến đây, bất chợt sống lưng tôi lạnh buốt, tôi khựng lại, cáo lỗi rằng: không nhớ nữa và xin cáo lui. Về chỗ ngồi, một cảm giác bất an xâm lấn! Tôi trăn trở, nghĩ suy dữ lắm! Sao lại vậy? Ai lại hát Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài trong ngày cưới chứ?!

Tuy rằng do cô dâu nài ép nhưng liệu có linh tính, điềm báo gì không? Tôi thật sự sợ và vô cùng hoang mang!

Hôm sau, trước khi lên Đà Lạt tôi có nói cảm giác này với chị, cả hai vợ chồng đều vô tư, không hề có sự suy nghĩ gì. Không chút tơ vương, lại còn an ủi tôi. Chuyện xem như kết thúc.

Những ngày tháng tiếp theo tôi cứ đi đi, về về giữa Phan Rang-Đà Lạt. Về là ra chở chị ấy vi vu phố phường, ăn chơi như xưa, anh chồng vốn là lính “không quân,” đóng tại Nha Trang, có dịp về thăm vợ cũng chỉ là Thứ Bảy, Chủ Nhật cùng thời gian với tôi, nên khi anh về nhà thường vắng vợ vì “Chị Lý mới chở đi…,” nhiều lần như vậy, anh ức lòng tuyên bố:

– Chắc anh đốt xe con Lý quá! Sao cứ chở em đi quài dzị? Ha… ha… chuyện đến tai tôi, tôi liền đem ra cái hộp quẹt đưa tận tay anh. Không hiểu, anh hỏi:

– Chi vậy em?

– Đốt xe! Tôi trả lời ngắn gọn.

Anh cả cười than: – Sao cái gì cũng kể lại với em hết vậy trời?!

Tôi bất chợt hỏi thẳng:

– Ủa, mà lạ nè, ngày xưa, ai chở cho hai người hẹn hò mà giờ đòi đốt xe tui? Nó là chiếc xe “mai mối” đó nghe!

Anh cũng thật tình:

– Ngày xưa khác, giờ em để chỉ yên phận đi! Em chở đi rồi người ta trêu ghẹo… anh buồn!

Tôi gân cổ:

– Anh tỉnh giùm đi! Ngày xưa khác, bây giờ bụng chỉ như cái trống ai thèm ghẹo mà lo.

Với tất cả sự chân thành, anh thổ lộ:

– Chỉ có bầu tụi mình biết, chứ ra đường, em ngồi trước che rồi, ai thấy? Đã vậy, hai người ra đường là trò chuyện lao xao, cười vui rộn rã… ai biết được?

Thời gian trôi, cũng chẳng tày gang, chị sinh cháu đầu lòng, chưa được ba tháng thì anh tử trận. Không, chính xác anh bị thương khi ngồi trên máy bay đi trinh sát, thương tích rất trầm trọng, khả năng liệt cả người vì đạn xuyên cột sống! Và, vì không muốn làm gánh nặng cho vợ con anh đã tự hủy mình bằng tất cả sự gan dạ mà nghe qua ai cũng xót xa, cay đắng: anh đã đập cả chai serum lấy mảnh vỡ mổ bụng…

Với một người đã quyết tâm “chết” thì khó mà cản, dù trước đó cả bác sĩ, cả người nhà đã rất cảnh giác: không để dao, kéo, vật nhọn, kể cả dao cạo râu bên anh… Thua, không cứu kịp. Từ đó, chị một mình nuôi con với “kỷ vật cho em” là viên đạn đồng lạnh lẽo! ‘

Sự việc xảy ra, tôi về thăm chị, an ủi và trăn trở khi nhớ lại vụ “hát đám cưới;” là tại mình hát hay là một điềm báo mà giờ ra nông nổi này!

Chị khẳng định:

– Em đừng nghĩ nhiều! Là do số chị và ảnh! Hôm có bầu, chị có xem bói với người bạn cùng tuổi với chị, chồng lại cùng tuổi với chồng chị luôn, cũng đang có bầu, lúc đầu hai đứa chỉ xem xem là sinh gái hay trai?

Ai ngờ ông thầy ổng phán:

-Tụi mày đừng hỏi gái trai! Tuổi của hai cặp vợ chồng này, nếu sinh con tròn vẹn thì phải sống góa bụa, số nuôi con cho chồng! Còn nếu sinh con nó bị tật nguyền thì cha mới ổn!

Tôi không biết người bạn của chị ấy là ai! Rồi chị thong thả trong nỗi ngậm ngùi, khóe mắt rưng rưng kể tiếp:

– Bạn chị sinh trước chị, cháu bé lọt lòng… nó không dám nhìn con! Cháu khỏe mạnh nhưng bị hở hàm ếch khá nặng, lại là con gái mới thương. Chị bàng hoàng kinh sợ!

Không biết cầu khấn thế nào? Xin cho con hay…. cầu cho chồng?! Thôi, đành mặc cho số phận vậy.

Đầy thương cảm, chị tiếp và tôi, tuy cái tật lanh chanh nhưng hôm nay thì chỉ im lặng lắng nghe lòng đầy cảm xúc.

Rồi khi sinh cháu, nhìn con đẹp đẽ, giống cha như tạt lòng chị vui mừng xiết kể. Nhưng cùng lúc là sự hãi hùng xâm lấn, nỗi lo sợ phập phồng… Trời ơi! ba cháu đang trong cảnh “làn tên mũi đạn,” ai biết được ngày sau?! Nhưng chị an ủi một điều là giờ đây chị yên tâm… cầu nguyện cho ba cháu an lành, không còn phân vân như trước nữa.

Chị đổi giọng an ủi tôi: Vậy nên, em đừng suy nghĩ nữa, cái số rồi em, tránh chẳng được; vả lại tại anh chị yêu cầu em mà.

Nghe chị kể, tôi thật sự thương chị và cháu. Cái số gì mà dang dở quá! Thôi, cũng tại chị, yêu chi mà yêu ở tận “trời cao” để giờ áo não và nỗi buồn chỉ còn than với “trăng sao trên trời!” Thấm thoát giờ đã ngót 50 năm!

Xin nói thêm: Đoạn cuối cuộc đời chị cũng có hậu lắm: Chị có thêm người chồng mới, thật tâm yêu thương đùm bọc mẹ con chị, lại có thêm ba người con nữa… nhưng không ai có thể phân biệt được “con chung và con riêng.” Các cháu cũng rất yêu thương nhau. Xem như đoạn kết câu chuyện có hậu như cuộc đời của chị!

MỚI CẬP NHẬT