Monday, March 4, 2024

Dẫu lìa ngó ý… (*)

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: [email protected]

 Nguyễn Lan Hương

 

“Đi ra, sách người lớn, không được đọc mô.” (Hình: Nguyễn Ngọc Hoài Nam)

“Cảo thơm lần giở trước đèn”
(Nguyễn Du)

Tôi biết sách từ rất sớm.

1963

Hè lớp Nhất (bây giờ là lớp 5), tôi chuẩn bị thi vào Đệ Thất trường Nữ Trung Học Đồng Khánh, và phần thưởng của tôi khi có kết quả đỗ là được chính thức chinh phục tủ sách của gia đình.

Trong mấy năm học tiểu học ở trường Mai Khôi, tôi chỉ được đọc mấy bộ truyện dành cho tuổi thiếu nhi, đó là những cuốn truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích có bìa vẽ màu xanh đỏ.

Nhưng giờ đây, niềm háo hức trong tôi bấy lâu được thỏa mãn, tôi sắp bước vào thế giới khác hấp dẫn hơn, đó là được đọc những cuốn truyện đầy mê hoặc của người lớn (tôi nghĩ thế) trong chiếc tủ treo to gần bằng cả căn phòng rộng đặt ở một gian riêng khu nhà dưới.

Thỉnh thoảng, tôi bắt gặp các chú tôi leo lên chiếc ghế cao đến bốn, năm bậc thang, mở tủ lục lọi, tìm kiếm rồi lấy ra những cuốn sách dày mỏng khác nhau, sau đó các chú – mùa Hè thì phóng ra vườn, nằm đu đưa trên chiếc võng vừa đọc vừa tủm tỉm cười, mùa đông các chú lại quấn chặt trong chiếc mền say sưa quên cả ăn.

Mỗi khi tôi mon men lại gần, mắt liếc lên bìa hay trang sách đang mở là y như rằng, các chú trợn mắt quát: “Đi ra, sách người lớn, không được đọc mô.”

Và thế là nỗi thèm khát được đọc sách, đọc truyện trong cái tủ bí ẩn kia càng nung nấu tâm can.

Ông nội tôi chậm rãi mở ổ khóa to đã cũ, từ từ nhấc hai cánh cửa gỗ dày kịt. Tôi nín thở nhìn theo bàn tay ông, cái nhìn tò mò xen lẫn kính cẩn, giờ nhớ lại vẫn còn như in cái cảm xúc háo hức thiêng liêng ấy.

Trở lại, khi cánh cửa tủ được mở ra, tôi vỡ òa bao niềm sung sướng! Chao ôi, đằng sau lớp gỗ thô mộc ấy là cả một trời sách. Mùi giấy cũ lâu ngày bị bít kín hơi làm nhột mũi nhưng tôi mặc kệ, tôi ngước cao đầu đến mỏi cả cổ để đọc nhẩm mấy cái tựa sách gần tầm mắt nhất.

Ông nội thong thả chỉ vào phía bên trái ngăn cuối cùng, lướt các ngón tay qua mấy dãy sách rồi bảo tôi chỉ được xem chừng ấy cuốn thôi. Tôi không vội vòi thêm vì như thế là quá hạnh phúc với tôi rồi.

Và cuốn sách lớn đầu tiên trong đời đã làm trái tim non tơ của tôi không ngớt bồi hồi rung động khiến tôi khóc, cười, hân hoan, phiền não trên những trang văn mộc mạc chữ nghĩa nhưng thấm đẫm tình âu yếm của cha mẹ đối với con cái, lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, sự tận tụy đầy tâm huyết của người thầy đối với trò, niềm tri ân cảm động của trò dành tặng thầy khi đã thành nhân, tình thân ái giữa bạn bè hết sức chân thành cao cả.

Đó là một thiên ký sự kể về đời sống của một cậu học sinh 11 tuổi, về những mối quan hệ của cậu trong gia đình, trong trường học và ngoài xã hội.

Cuốn sách “Tâm Hồn Cao Thượng” qua lời dịch của dịch giả Hà Mai Anh, đã để lại một ấn tượng hết sức sâu đậm trong tâm hồn cô bé mới lớn hay mơ mộng xa vời, cũng vừa tròn 11 tuổi – là tôi thuở ấy.

Trong bốn năm trung học đệ nhất cấp tại trường Đồng Khánh, các cô giáo đáng kính của tôi đã đưa tôi vào dòng chảy của nền văn học đầy tính nhân văn của dân tộc.

Giờ Cổ Văn, tôi cẩn thận lấy những bản in Đoạn Trường Tân Thanh, Chinh Phụ Ngâm khúc, Cung Oán Ngâm khúc từ tủ sách ra, giấy ngã màu vàng sẫm, đôi chỗ sờn mòn, màu mực đã phai, dẫn tôi đi vào cõi thơ. Những câu lục bát ngọt ngào, những câu song thất lục bát mềm mại hay cổ kính đều làm tôi say mê, và tôi học thuộc lòng rất nhanh.

Giờ Kim Văn, tôi được tiếp xúc với phong trào Thơ Mới 30-45 và các tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Tôi đã cuồng thơ đến độ cần cù chép lại không thiếu một bài của các tập Gửi Hương Cho Gió, Thơ Thơ của Xuân Diệu, Lửa Thiêng của Huy Cận, Điêu Tàn của Chế Lan Viên, Lỡ Bước Sang Ngang của Nguyễn Bính, Mấy Vần Thơ của Thế Lữ, Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư, Quê Ngoại của Hồ Dzếnh… bằng những tờ giấy pơ-luya trắng, xanh, hồng, vàng rồi đóng lại thành tập.

Trong bốn năm học ấy, hầu như tôi đọc hết trọn bộ các tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn do ba tôi và các chú để lại. Tôi say sưa cùng những nhân vật trí thức Tây học muốn thổi làn gió mới của văn hóa phương Tây với chủ nghĩa cá nhân, đề cao “cái tôi” trong cuộc sống, trong tình yêu; đả phá những lề thói, tập tục phong kiến cổ hủ ràng buộc nữ giới… với những cuốn tiểu thuyết của các tác giả Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo.

Trái tim tôi dâng lên nỗi xót xa khi biết bên cạnh cuộc sống đủ đầy nơi phố thị, đâu đó vẫn còn những mảnh đời nhỏ mọn sống lắt lay nơi bùn lầy nước đọng, những số phận bèo bọt sống không có mơ ước trong những truyện ngắn cảm động của Nhất Linh, Thạch Lam.

Đến khi tôi được đọc những truyện ngắn, truyện dài của Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyên Hồng rồi Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, tôi vô cùng kinh ngạc trước hình ảnh người nông dân, người lao động nghèo, cả người trí thức tiểu tư sản. Họ hiện lên với dáng vẻ khắc nghiệt hơn.

Có những cuốn sách như dòng sông chảy qua tâm hồn ta để lại một lớp phù sa, rồi cây lá đâm chồi nẩy lộc nhưng cũng có những cuốn sách để lại những ấn tượng sù sì khắc chạm đến đớn đau trong tâm khảm.

Hình ảnh những Chị Dậu, Chí Phèo, Lão Hạc… đã đến và họ không rời đi, họ ám ảnh tôi bằng sự cùng cực của đói nghèo, sự cay nghiệt của cuộc sống.

Nỗi đau đứt ruột của người mẹ khi phải bán con cứu chồng, tiếng kêu thảm thiết muốn làm người lương thiện của kẻ cố cùng trở nên vô vọng, và ông lão đáng thương đành lòng chết trong quằn quại đau đớn chỉ để giữ ân tình cha con… làm tôi ngột ngạt, tức thở. Điều còn an ủi tôi là vẻ đẹp nhân phẩm của họ, nhưng suy đến cùng, cái vẻ đẹp ấy giúp được gì cho họ trong một xã hội đầy ma quỷ?

Và đại diện cho tầng lớp trí thức không ai hơn những nhà giáo khả kính, nhưng bây giờ họ là ai? Đó là những con người đang “sống mòn” với lớp áo giả dối, ích kỷ, ti tiện (Sống Mòn- Nam Cao). Với họ, cái chết không đáng sợ, đáng sợ là chết trong lúc sống vì sự bám riết mòn mỏi và dai dẳng của cái nghèo đã làm tha hóa họ mỗi ngày làm cho con người họ ” mốc lên, gỉ đi, …chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống.”

Tôi đã sống trong muôn vàn cảm xúc như thế và cùng những trang sách tôi lớn lên. Những năm tháng trở thành thiếu nữ của tôi trôi qua không hẳn chỉ có những giấc mơ đẹp với những chuyện tình lãng mạn hay cao thượng mà còn là những mộng mị về một thế giới tối tăm, không có ánh sáng lương tâm, lương tri; không có lẽ phải, tình người. “Thiên Sứ Và Bóng Ma” có lẽ đã làm tôi già giặn hơn so với lứa tuổi chăng?

1971

Tôi vào đại học lúc vừa tròn 18 tuổi. Thập niên 60 -70, phong trào sáng tác văn học ở miền Nam vào thời hoàng kim, trăm hoa đua nở. Nhiều tác giả khai thác nhiều góc cạnh về thân phận con người thời đại, về lẽ sống, về tình yêu trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động. Những diễn đàn văn học để lại nhiều tranh luận và hệ quả là nhiều trường phái cũng như nhiều hội nhóm sáng tác ra đời.

Văn học cũng mở rộng cửa nhìn ra bên ngoài đón nhận đủ loại hương hoa của nhân loại. Hiện tượng dịch sách văn học nước ngoài theo đó mà phát triển mạnh. Kỹ thuật in ấn hiện đại, trình bày bìa sách đẹp và bắt mắt hơn trước nhiều. Các nhà in, nhà xuất bản cố gắng dành thị phần cũng góp phần làm phong phú cho thị trường sách về chủ đề, nội dung và hình thức.

Một số nhà xuất bản có uy tín lúc bấy giờ như Lá Bối, Trí Đăng, An Tiêm, Trường Thi… việc in sách – dù là các tác giả trong nước hay các tác giả nước ngoài, họ đều chọn lọc đầu sách chất lượng, và người được lợi là độc giả.

Có những cuốn sách như dòng sông chảy qua tâm hồn ta để lại một lớp phù sa, (Hình: Nguyễn Ngọc Hoài Nam)

Tôi để dành hầu như trọn số tiền học bỗng hàng tháng để mua sách. Đọc sách, tôi có cảm giác mình như con ong đi tìm mãi nhụy hoa không bao giờ cạn. Đọc trở thành nhu cầu của hạnh phúc, đọc là được khải thị, được minh triết. Và tủ sách của tôi ngày càng giàu có hơn.

Tiếp nối giấc mơ về Thơ Mới, tôi chép thơ Nguyên Sa, ngâm nga những vần thơ quyến rũ không cưỡng được, những câu thơ rất Tây gợi nhớ về Jacques Prévert, G. Apollinaire của văn học Pháp:

“Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa Xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim
Paris có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một giòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em?

Paris có gì lạ không em
Mai anh về mắt vẫn lánh đen
Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen?”

(Paris Có Gì Lạ Không Em?)

Thơ tình Nguyên Sa được viết với giọng điệu thực tế nhưng rất thành thật. Những mong nhớ, đợi chờ hay trách móc đều hết sức tự nhiên. Thổ lộ tình yêu cũng một màu như thế.

“Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím.”

(Tuổi Mười Ba)

Không nhắc đến thơ văn xuôi của Nguyên Sa là một thiếu sót. Chính nhịp điệu của câu tạo nên tính nhạc cho loại thơ mới này.

“Tôi trân trọng mời em dự chuyến tàu tình ái. Trong một phút, một giây, cuộc hành trình sẽ mở. Tôi mời em. Trân trọng mời em cùng đi, cùng khai mạc cuộc đời.

Tôi mời em vứt bỏ lại đằng sau những kinh thành buồn bã với phong tục, thói lề, bạc vàng giả dối muốn làm người yêu thì phải đỗ tú tài.

Tôi mời em đi ngay. Không cần lấy vé. Không cần phải đợi chờ vì điều kiện du hành là những ngón tay lồng vào nhau và tâm hồn đừng đơn chiếc (…) Em đến ngay đi.”

(Mời)

Đọc thơ Nguyên Sa nhưng tôi yêu những vần thơ ngọt ngào của Phạm Thiên Thư hơn, thơ ông là sự kết hợp giữa thiền và duyên trần, giữa đạo và đời.

Tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư trong sáng, thanh cao, dễ thương như tuổi hoa nhiều mơ mộng, thuở còn cắp sách đến trường.

“Em tan trường về. Đường mưa nho nhỏ. Chim non dấu mỏ. Dưới cội hoa vàng. Bước em thênh thang. Áo tà nguyệt bạch. Ôm nghiêng cặp sách. Vai nhỏ tóc dài. Anh đi theo hoài. Gót giày thầm lặng.”

Những vần thơ dễ gây ngộ nhận một cách đáng yêu hơn là phiền trách, vì thiếu nữ nào cũng có giấc mơ mình được làm một nàng Hoàng thị như thế cho dù có thể một mai kia “Ôi mối tình đầu. Như đi trên cát. Bước nhẹ mà sâu. Mà cũng nhòa mau,” để qua bao nhiêu năm sau, khi tóc đã điểm sương, trở về chốn cũ sẽ thoáng chút ngậm ngùi

“Phố ơi muôn thuở. Giữ vết chân tình. Tìm xưa quẩn quanh. Ai mang bụi đỏ. Dáng em nho nhỏ. Trong cõi xa vời. Tình ơi tình ơi!”

(Ngày Xưa Hoàng Thị)

Sáng lên trong cõi thơ Phạm Thiên Thư là tác phẩm Động Hoa Vàng. Bài lục bát 400 câu này là một câu chuyện tình yêu trong sáng, cao khiết, không nhuốm màu tục lụy. Một câu chuyện tình bình thường nhưng với thiên tài, Phạm đã làm nên một tác phẩm tuyệt vời kể về một câu chuyện tình như trong huyền thoại, đưa người đọc rời xa thế sự đảo điên, trôi vào giấc mơ dài ở một trần gian xa diệu vợi. Ở đó có “em” đã từng:

“Ừ, thì mình ngại mưa mau
Cũng đưa anh đến bến cầu nước xuôi.”

Rồi kết thúc bằng nỗi ngậm ngùi:

“Em ơi! rũ tóc mây về
Nhìn trăng nỡ để lời thề gió bay.”

Và kẻ say tình- thất tình đã chọn cho mình một lối thoát:

“Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say.”

Sau cơn hốt hoảng của Tết Mậu Thân (1968), tình hình chiến sự ở miền Nam ngày một leo thang, ai nấy đều có tâm trạng muốn trốn chạy hiện thực, “Động Hoa Vàng” dẫn dắt người đọc đi về một thế giới tịch lặng đơn sơ, chỉ có con người thuần khiết giữa thiên nhiên thanh tao nên đã trở thành cứu cánh muôn thuở cho một cuộc sống an lạc, một nơi không còn chiến tranh lửa đạn ngập trời, chỉ có miền hạnh phúc riêng mình với gió, trăng cùng hoa vàng ngập sắc để an yên nuôi dưỡng chân tâm của mình.

Một cơ duyên đưa tôi đến với thơ Nguyễn Tất Nhiên. Tú Oanh, bạn thân của tôi những năm tháng đèn sách ở Đà Nẵng theo học ngành Luật ở Sài Gòn đã nắn nót chép gửi tôi bài “Bởi Yêu Em Nên Sầu Khổ Dịu Dàng.”

Tôi cũng vừa tuổi đôi mươi, cái tuổi bắt đầu biết rung động, khao khát yêu thương cảm nhận được giọng thơ rất tình của người trẻ hiện đại. Thơ anh không chải chuốt, giữ nguyên cái mộc mạc dễ thương:

“Nắng bờ sông như màu trang vở cũ
Thuở học trò em làm khổ ai chưa?

Tình cứ đuổi theo người như chiếc bóng
Người thì không bắt bóng được bao giờ
Anh muốn khóc trong buổi đầu niên học
Bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng.”

Nguyễn Tất Nhiên nói được tiếng nói của tình yêu tuổi trẻ với sân trường, tuổi trẻ với chiến tranh đầy mất mát, vì thế cũng nhiều hoài vọng… Thơ của anh là dấu tích của những kẻ yêu nhau, của thời đầy ắp mộng mơ, tràn đầy tâm sự; ở đó có gần gũi mà chia xa, có say đắm và phấp phổng âu lo, có cả hạnh phúc trong bất hạnh.

Một loạt những bài thơ của anh được Phạm Duy phổ nhạc như Ma Soeur, Hai Năm Tình Lận Đận, Khúc Tình Buồn (Thà Như Giọt Mưa) đã khuấy đảo thị trường âm nhạc miền Nam thập niên 70.

Đã đi qua Vườn Tao Đàn, không thể không nhắc đến Bùi Giáng, một thi sĩ được truyền tụng chỉ làm thơ khi say, có người độc miệng còn cho là ông điên, vì thơ ông không chỉ lạ mà còn dị thường! Có người đã nhận xét: “Bùi Giáng đi qua đời sống như một cuộc dạo chơi, cách ông viết, dịch sách hay làm thơ đều nhẹ tênh, không chủ đích, không màng danh lợi.”

Lúc ấy, Bùi Giáng xuất hiện như một hiện tượng lạ. Những giai thoại về ông được truyền tụng rất nhiều, kích thích trí tò mò của nhiều người. Đưa cho ông một chai la-de (bia) rồi xin thơ, ông sẽ khật khà ngồi xuống, phóng bút thành thơ, hết la-de là xong bài lục bát, chữ như rồng bay phượng múa. Không biết ông viết lách vào lúc nào vì người quen chỉ thấy ông ngoài việc uống say rồi ngủ, rồi lang thang trên đường với bầy chó gần chục con nhưng tác phẩm của ông hầu như ra mắt liên tục, nhà xuất bản còn cuống quýt vì không kịp in bản thảo của ông.

Nghe đâu ông từng dạy học một thời rồi bỏ, quay sang nghiệp viết lách. Tôi thật sự ngưỡng mộ tài hoa của ông với khối tác phẩm đồ sộ, và cũng thật kính trọng nhân cách của một con người tuy sống rất tự do nhưng trượng nghĩa và giàu lòng nhân ái.

Tôi biết đến Bùi Giáng đầu tiên là nhờ đọc cuốn sách Hoàng Tử Bé do ông dịch từ Le Petit Prince của Saint- Exupéry, đó là một bản dịch vô cùng dễ thương, và tôi tìm đến những tác phẩm khác của ông.

Thật ngạc nhiên, ông dịch sách không chỉ tiếng Pháp mà còn có tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Đức. Tôi đọc thơ ông vì sự kính phục ấy nhiều hơn là cảm, thành thật mà nói, lắm lúc tôi không hiếu hết ý tình trong câu viết. Hình như ông có một lối tư duy riêng, một cách cảm nhận riêng,và tôi chưa đủ trình độ để đi vào ngưỡng cửa thơ ông.

Tôi có cảm giác ông cứ vung vẩy ngôn từ, câu chữ lắm lúc không theo một trật tự hay quy luật nào nhưng vẫn là thơ. Thơ ông vừa thực, vừa mộng; vừa tỉnh, vừa say. Thơ ông lúc thật giản dị, lúc lại bí hiểm. Thơ ông có khi cao khiết, lắm lúc lại làm người ta đỏ mặt. Nhưng dường như vẫn có một sợi tơ xuyên suốt, đó là nỗi buồn, nỗi cô đơn sâu thẳm của thi nhân trong cuộc đời này. Đó là chân dung Bùi Giáng – thi sĩ trong trí tưởng của tôi.

“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng.”

(Chào Nguyên Xuân)

Về văn, tôi dành một tình cảm đặc biệt với ba nhà văn nữ có gốc gác từ miền sông Hương núi Ngự, nhưng tất cả họ đều sinh sống và xây dựng sự nghiệp văn chương của mình ở Sài Gòn. Đó là Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng và Túy Hồng.

Phải chăng Huế là “mảnh đất tán mà không tụ”? Nhưng dù sao, với giọng điệu Huế rất riêng, cả ba đã làm tự hào người dân xứ Thần Kinh, dĩ nhiên có tôi nữa.

Nhã Ca với văn phong ngọt ngào, mượt mà ẩn bên trong là niềm đau đáu về thời cuộc; Nguyễn Thị Hoàng có cái đằm thắm lẫn gai góc của người phụ nữ trưởng thành, dịu dàng nhưng vẫn pha nét bất cần; Túy Hồng có giọng văn luyến láy nhiều cung bậc, sắc sảo và táo bạo.

Cả ba nhà văn đều viết về tuổi trẻ thời đại, về thân phận của người phụ nữ trong hoàn cảnh xã hội miền Nam nhiều biến chuyển.

Từ những thao thức trĩu nặng ưu tư nhưng cũng đầy sự lãng mạn thơ mộng, luôn khao khát cái Đẹp, truyện của Nhã Ca, dường như cùng lúc mở ra hai cánh cửa: một cho người trẻ ngây thơ trong sáng vui đùa với thanh xuân rực rỡ, tận hưởng niềm vui cuộc sống trao cho; một cho người trưởng thành lặng lẽ trở về mái nhà xưa, bước vào không gian thời gian quá khứ, có khi là mỉm cười hồi tưởng thanh xuân một thời hay ngậm ngùi nhìn lại ước mơ một đời mà tìm lại bóng dáng chính mình.

Tác phẩm “Mưa Trên Cây Sầu Đông” và “Cổng Trường Vôi Tím” cho tôi sống lại những kỷ niệm tuổi hoa ngây thơ đẹp đẽ thời còn là nữ sinh Đồng Khánh, yêu thêm quê hương của mình qua một xứ Huế cổ kính và nên thơ, đồng thời cũng thấy được một mặt khác của thành phố trầm mặc tôi yêu, đó là thâm cung của những thành kiến khắt khe làm tan nát bao cuộc tình, chia cắt và hủy hoại bao số phận.

“Giải Khăn Sô Cho Huế” (bút ký), tập truyện ngắn Tình Ca Cho Huế Đổ Nát dường như gói ghém hết thảy tình yêu trong Nhã Ca dành cho quê hương.

Tôi đớn đau vì những ký ức Tết Mậu Thân được sống lại trên từng trang giấy, chưa ráo máu và nước mắt. Mùa xuân ấy đã để lại trong lòng người dân Huế vết thương quá tàn nhẫn, quá sâu đậm không thể nào quên.

Đến nhà văn Nguyễn Thị Hoàng thì tư tưởng hiện sinh bắt đầu xuất hiện. Một nhà văn nữ từng bị chê là “đồi trụy” nhưng sách vẫn được tái bản liên tục. Đó là tác phẩm “Vòng Tay Học Trò” như quả bom nổ giữa làng giáo dục.

Một câu chuyện tình đau đớn giữa một cô giáo trẻ vừa tuổi hai mươi với một học sinh nam cùng trường được coi là thác loạn, là phi luân; tác phẩm không ngớt bị mổ xẻ phê phán trong thời gian dài.

Cho dẫu có ngàn lần lý lẽ về đạo đức, và xã hội lên án, tôi vẫn nghĩ tình yêu không bao giờ có lỗi. Một phần nhờ vào cách viết rất thành thật, rất “con người” của tác giả, câu chuyện “yêu người không nên yêu” trở thành câu chuyện của tuổi trẻ, của lẽ sống, của thanh xuân muốn sống, muốn yêu với tâm tình có thật của con người thời đại.

Các nhân vật nữ của Nguyễn Thị Hoàng luôn khát khao đi tìm cuộc đời của mình, nói cách khác, đi tìm kiếm chính mình, đã dũng cảm bóc trần những thầm kín không chắc nhiều người đã dám nói, như một cô giáo quan niệm tình yêu là tình dục (Vòng Tay Học Trò), hay một nữ tu đã có những thèm khát, nuối tiếc trần tục (Cho Những Mùa Xuân Phai).

Cuối cùng là Túy Hồng. Với giọng văn đa dạng, nhiều cung bậc cảm xúc, nữ sĩ này khai thác đề tài táo bạo hơn. Đó là người phụ nữ với thế giới nhục cảm, đi sâu vào những ẩn ức thân xác với cái nhìn nhân văn.

Túy Hồng có truyện ngắn “Ngày Xuân Đêm Xuân” (trích trong tập truyện ngắn Thở Dài) viết về cảnh hậu cung nhà Nguyễn, về cuộc sống của thái hậu, các công chúa, các phi tần.

Hình ảnh công chúa Như Mai nổi loạn khi phải sống trong không gian ngột ngạt, trì trệ, không thể tìm kiếm một tình yêu như mong muốn là hình ảnh có tính biểu tượng cho con người Huế phải chịu đựng cuộc sống nặng về thành kiến nghiêm ngặt. Nhà văn còn có sự phát hiện thú vị và đưa ngôn ngữ đặc thù địa phương, dân dã đời thường thành ngôn ngữ văn chương trong trang sách của mình tạo nên màu sắc cá tính riêng (Tôi Nhìn Tôi Trên Vách, Những Sợi Sắc Không – tiểu thuyết)

Cũng không thể không nhắc đến Nguyễn Thị Thụy Vũ – nhà văn miền Nam với ngôn ngữ rặt Nam bộ, tiếp nối thế hệ đi trước, xa thì có Hồ Biểu Chánh, gần có Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, tiếp tục đưa ngôn ngữ chất chở sự tươi mát của kênh rạch sông nước, chất chở màu sắc mênh mang cây lá ruộng đồng choáng ngợp cảm xúc, đồng thời cũng bộc lộ hết sức chân thực về thái độ, tính cách của con người Nam Bộ vào tác phẩm của mình với bút pháp thông minh sắc sảo (Khung Rêu).

Khi xã hội miền Nam đầy rẫy những người lính Mỹ trên đường phố thì một tầng lớp người mới bắt đầu xuất hiện, ngòi bút của Thụy Vũ trở nên trần trụi khốc liệt và cũng thấm đẫm buồn đau đã bóc trần đời sống những cô gái làm ở các snack bar, những cô vũ nữ sống bên lề Sài Gòn thời ấy (Mèo Đêm- tập truyện ngắn).

Đó là những thân phận trôi giạt giữa dục vọng, lẽ sống và nhân phẩm. Là những kiếp hồng nhan luôn sống cô đơn, luôn dằn vặt giữa ước mơ vốn vô vọng và tương lai thì mờ mịt, nhưng sau góc khuất đời sống, họ vẫn là những bà mẹ có tấm lòng thương con cao đẹp, những người tình chung thủy với mối tình đầu cất giữ mãi trong tim.

Vừa trên là những cây bút nữ tôi ngưỡng mộ một thời. Như một dòng sông có những ngã rẽ ngang, rẽ dọc; nhưng sau hết vẫn cùng đổ ra biển lớn. Tôi cám ơn những trang văn viết bằng tài hoa, bằng cái nhìn nhân văn cao quý, bằng tấm lòng bao dung đẹp đẽ, các tác giả không chỉ bộc lộ tiếng lòng của mình mà còn vẽ lại một bức tranh lớn về thân phận, về tâm thức của người  phụ nữ một thời tao loạn.

Nhà văn Mai Thảo lại là một hiện tượng khác. Là nhà văn hiếm hoi không nói đến chiến tranh với thân phận con người, ông chỉ đi tìm những chân dung của kỷ niệm, có thể là những kiếp người đã lãng quên, có thể là mảnh vỡ của những cuộc đời, những hạnh phúc long lanh hay ràn rụa nước mắt. Đọc văn của Mai Thảo không phải để đi tìm câu chuyện mà chỉ là “Để Tưởng Nhớ Mùi Hương” đúng như tên một truyện dài của ông.

Mai Thảo vẽ lên xã hội đô thị miền Nam – chốn phồn hoa yên bình (Sống Chỉ Một Lần) hay đời sống thầm lặng ở một tỉnh nhỏ nào đó, không hề có đạn bom, không nhắc đến xác chết; chỉ có những con người lãng mạn yêu nhau, những khuôn mặt thời thượng, những cuộc đời thất bại trong cuộc sống (Ôm Đàn Đến Giữa Đời).

Văn phong của Mai Thảo thấm đẫm chất thơ, có lúc dào dạt mãnh liệt, có lúc đau đớn thiết tha. Truyện dài hay truyện ngắn, văn của ông đều bàng bạc màu tùy bút, mơ hồ nhưng để lại nhiều dư vang, khiến người đọc có thể đọc đi đọc lại nhiều lần, mỗi lần lại thêm một xao xuyến mới, một rung động mới. Và vì thế, sách của Mai Thảo cũng hiện diện trong kho báu của tôi.

Hãy cùng tôi đến với những cảm xúc đong đầy, những rung động vẹn nguyên về sách của Mai Thảo:

“Sách đưa tôi vào một cảm giác lẫn lẫn. Lẫn tiếng sóng sông Hồng với tiếng sóng trong hồn. Lẫn cỏ dưới thân với cỏ xanh trong cánh đồng của sách. Lẫn đất với trời. Lẫn hư và thực. Sách sáng chói từng trang và hồn cũng chói loà một giải. Tôi ngày xưa úp cuốn sách đầu trên lồng ngực, nằm rất lim dim, thả hồn bay lên. Yêu biết chừng nào, nhớ bao giờ quên, những trang vàng thứ nhất. Sách đẹp như chiều trên đầu. Chiều tím thẫm và chiều cao vút. Sách xa như biển. Biển hoang đường những bến bờ tưởng tượng. Tôi nằm trong cỏ. Tôi say như rượu. Tôi nằm với sách. Tôi nhẹ hơn khói.

Những trang sách ngày xưa là những động lực chắp cánh. Đọc là một ảo huyền và say đắm đọc. Bởi vậy mà mỗi chúng ta, khi bắt đầu biết khám phá và yêu mê cái đẹp, đều có như tôi, những tờ rời ngây ngất là những cuốn sách tình nhân, những cuốn sách hành lý, những cuốn sách gối đầu, sau này không còn nhìn thấy đâu bởi cái lẽ giản đơn là đã nhuần nhuyễn đã thấm hoà trong máu.”

(Tùy Bút, Mai Thảo)

1976

“Trong lịch sử loài người đã từng nhiều lần xảy ra thảm họa đốt sách. Nhân loại có ít nhất hai người đi vào lịch sử như những kẻ ra lệnh đốt sách: Tần Thủy Hoàng và Adolf Hitler.

Trong khoảng tám năm từ 221 TCN tới 213 TCN,  Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh “Phân thư thanh nho” (đốt sách và chôn nho sĩ). Tần Thuỷ Hoàng đốt sách là nhằm kìm hãm các tư tưởng chống đối, nhưng việc này cũng đã phương hại đến nền văn hoá và lịch sử của đất nước Trung Hoa.

Đến thế kỷ 20 thì thảm kịch đốt sách lại tái diễn ở Đức do phát xít Đức Adolf Hitler phát lệnh diễn ra ở Berlin vào năm 1933, đó là cuộc thanh trừng văn hóa tàn bạo.

Khi các tác phẩm của Ernest Hemingway, Helen Keller, Sigmund Freud và thậm chí là Albert Einstein bị ném vào đám lửa, Bộ Trưởng Tuyên Truyền Joseph Goebbels tuyên bố: “Thời đại của chủ nghĩa Do thái giáo cực đoan đã tới hồi cáo chung.”

Sau khi đảng Cộng Sản Liên Xô thành lập năm 1917, để bảo vệ cái gọi là “tính thuần khiết của chủ nghĩa xã hội,” họ đã tiêu hủy “sách độc hại về chính trị, kẻ thù nhân dân.”

Ngày 6 Tháng Sáu,1922, Liên Xô chính thức thành lập Tổng cục Quản lý văn học và xuất bản quốc gia đồng thời liệt kê bản danh sách sách cấm; những sách bị liệt vào sách cấm, dù là tác phẩm trong nước hay nước ngoài, đều bị tịch thu.

Nếu sách cấm được in với số lượng quá nhiều thì sẽ bị tiêu hủy hàng loạt. Vì thế, một số lượng khổng lồ sách đã bị tiêu hủy trong phong trào “đốt sách” này.

Nhưng tội ác đốt sách trên quy mô lớn lần đầu tiên của đảng Cộng Sản Trung Quốc là sau khi nổ ra Cách Mạng Văn Hóa.

Bắt đầu từ năm 1966, các Hồng Vệ Binh dùng tư tưởng Mao Trạch Đông làm vũ khí quét sạch tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ, thói quen cũ của giai cấp bóc lột. Nghe nói, ngoài tác phẩm của Mao Trạch Đông và Mác–Lê-nin, tất cả sách văn học nghệ thuật, khoa học xã hội, đều bị xem là sản phẩm của phong kiến phải tiêu hủy.

Tủ sách quý của gia đình tôi trải dài tuổi đời trên nửa thế kỷ cũng cùng chung số phận. Toàn bộ các tác phẩm thuộc văn học Việt Nam, văn học nước ngoài xuất bản từ những năm 1920 đến thập niên 1970, được góp nhặt từ ba đời ông – cha, chú – con, cháu trong phút chốc nhận bản án tử hình tàn bạo và oan ức.

Tôi nói oan ức vì những cuốn từ điển Pháp, Anh vô tội cũng trở thành “tư bản” xấu xa, phải loại bỏ! Tôi nói tàn bạo vì đội quân đi tịch thu, vơ vét sách là những người không làm công tác văn hóa, không đủ khả năng nhận biết sách quý, cứ thấy sách có tiếng nước ngoài là chụp mũ văn hóa tư bản, tất cả sách được xuất bản ở Miền Nam Việt Nam đều quy là phản động! Những bộ sách đã trở thành vốn quý của văn hóa thế giới, những tác gia lớn của văn hóa nhân loại, những tác phẩm kinh điển của mọi thời đại, tất cả đều bị treo lên thập tự giá! Thật lạ là dường như họ có thù oán gì với sách vậy. Họ hằn học lục soát, tìm hết mọi ngõ ngách, họ quắng sách ngã nghiêng, tơi tả không thương tiếc. Không được giải thích, chỉ được chấp hành. Càng biện minh, càng có tội chống phá cách mạng. Hỡi ôi!

Trong tác phẩm best seller “Vừa Đi Đường Vừa Đọc Sách”  (Nhất Lộ Tẩu Lai Nhất Lộ Đậu), nhà văn Lâm Đạt (Lin Da) viết:

“Chỉ có một lý do cấm sách, đó là cho rằng cuốn sách đó truyền tải ‘tư tưởng nguy hiểm’… Nhưng lịch sử đã nhiều lần chứng minh, hôm nay có thể xem là tư tưởng nguy hiểm, ngày mai lại trở thành bình thường. Sách nguy hiểm do một số nhân vật có quyền lực phán định nhưng lại có thể là sách được đông đảo công chúng đón nhận…”

Tôi thẫn thờ nhìn cuốn Khổng Phu Tử, có vẽ hình nhà khai sáng Nho Giáo, nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất tới văn hóa Á Đông, đặt nền móng cho bao triều đại Trung Hoa hùng mạnh đang nằm lăn lóc bên bộ Chiến Tranh và Hòa bình của Lev Tolstoy – con sư tử của nền văn học Nga – là tiểu thuyết lớn nhất về nhiều phương diện, nhưng trên hết vì tính nhân văn trong bối cảnh chiến tranh.

Bên cạnh là cuốn Kẻ Vô Luân, Khung Cửa Hẹp của André Gide – nhà văn xuất chúng thế kỷ 20 cùng chung số phận với cuốn Tội Ác Và Hình Phạt của Fedor Dostoevsky. Mỉa mai hơn, nàng Anna Karenina đang đi tìm sự thanh thản bình yên trong tâm hồn cùng Hermann Hesse với Hành Trình Về Phương Đông, nhưng không phải cuộc du hành lãng mạn mà là đi về tử địa.

Tôi còn nghe cả tiếng thở dài sâu thẳm của K.Gibran một nghệ sĩ, nhà thơ, nhà văn Liban. Sáng tác của ông là một kết hợp tuyệt vời giữa nhạc và thơ, ca tụng những vẻ đẹp hữu hình cũng như vô hình. Mỗi câu thơ là một lời thiêng. Mỗi đoạn văn là một thánh thư. Uyên Ương Gãy Cánh có lẽ là cuốn tiểu thuyết duy nhất, mang tính tự truyện của Gibran.

Tôi nhớ một buổi chiều đầy gió chớm Đông, cùng với người bạn gái thân nhất vào nhà sách Ưng Hạ, Huế tìm sách mới. Nhan đề sách đập vào mắt tôi -The Broken Wings- nghe đau đớn tái tê, trên bìa sách vẽ hình cô gái trôi xuôi theo dòng nước hay là đang bồng bềnh trên suôí tóc của chính mình. Đẹp quá! Và thế là tôi chọn.

Theo truyền thuyết Á Đông, uyên ương là đôi chim yêu thương nhau thắm thiết, bay đi nơi đâu hay đậu lại chỗ nào cũng phải liền cánh. Khi một trong đôi uyên ương lìa đời, con còn lại cất tiếng kêu thương mỏi mòn nhỏ hết máu tim mình, rồi chết trong quạnh quẽ.

Trong Uyên Ương Gãy Cánh, tình yêu của Gibran và Selma là Chân Lý, là Cái Đẹp, là trọn vẹn xác và hồn, là lời hẹn hò son sắt tới quá bên kia Cái Chết. Tình yêu ở đây làm biến đổi tâm hồn và thăng hoa tâm linh của hai kẻ yêu nhau. Tôi đã đọc đi đọc lại với sự ngây ngất, trôi vào những chiêm nghiệm sâu lắng về tình yêu và sự bất tử, dù biết rằng giữa trời cao đất thấp này khó với tới một tình yêu toàn vẹn như thế.

Tôi xót xa khi thấy một Bác Sĩ Zhivago (Vĩnh Biệt Tình Em – Nguyễn Hữu Hiệu dịch) đang cúi đầu buồn bã bên cạnh nàng Scarlett O’hara, nhân vật chính của tiểu thuyết CuốnTheo Chiều Gió (Gone With The Wind – Margaret Mitchell, văn học Hoa Kỳ)

Tôi đã mua cuốn sách của Boris Leonidovich Pasternak sau khi xem phim “Doctor Zhivago” ở rạp Châu Tinh – Gia Hội.

Tôi xúc động không cầm được lệ tràn mi trước chuyện tình éo le giữa Yuri và Lara qua tài diễn xuất của cặp diễn viên điện ảnh. Nhưng khi đọc trọn cuốn tiểu thuyết dày hơn 500 trang, tôi thật sự choáng ngợp trước bối cảnh không gian thời gian và rung động sâu sắc với câu chuyện tình yêu ngang trái.

Từ năm 1945 đến 1955, Pasternak đã dành10 năm để sáng tác cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất của ông, nhưng không được in ở Liên Xô, đến năm 1957 tác phẩm này được xuất bản ở Ý. Cuối năm 1958, cuốn sách được dịch ra 18 thứ tiếng, được trao giải Nobel nhưng vì áp lực chính trị, ông phải từ chối giải.

Cũng giống vậy, tôi mua Cuốn Theo Chiều Gió để xem lại, để nhớ về lần được đi ciné với ba (có lẽ là duy nhất trong đời cho đến khi ba tôi mất) lúc tôi mới 10 tuổi, chưa đủ sức hiểu hết chuyện phim!

Những cuốn tiểu thuyết hiện sinh giờ nằm vất vưởng trên nền đất. La Nausée

(Buồn Nôn), Le Mur (Bức Tường) của Jean- Paul Sartre nổi tiếng một thời cũng cuống quýt ” Đi Tìm Thời Gian Đã Mất” (Marcell Proust). Đây là tên của bộ tiểu thuyết đồ sộ mang dáng dấp tự truyện được đánh giá một trong những cuốn sách hay nhất mọi thời đại, một cuốn sách luôn mang lại điều mới mẻ cho mọi lứa tuổi cũng đang chờ lên giàn hỏa thiêu!

Tôi ngậm ngùi đưa mắt từ biệt những cuốn sách của Erich Maria Remarque (Đức) viết về bản chất khốc liệt của chiến tranh (Phía Tây Có Gì Lạ), nhưng khát vọng tự do không bao giờ bị dập tắt. Cho dù mang thân phận lưu vong, những con người kiên cường ấy vẫn vượt qua số phận, vẫn lạc quan với niềm tin rằng, cho dù mất tất cả thì tương lai phía trước vẫn còn. Niềm tin ấy giúp họ đi tới bằng hy vọng và tình người. (Bản Du Ca Của Loài Người Không Còn Đất Sống).

Tôi nâng niu cuốn Le Petit Prince (Antoine de Saint- Exupéry) thầm gửi đến cậu Hoàng Tử Bé một nụ hôn vĩnh biệt. Tôi giấu khuôn mặt cậu dưới cuốn hồi ký Le Livre De Mon Ami của Anatole France để cậu bớt cô đơn khi lạc vào một thế giới hỗn độn như thế này.

Bây giờ thì mắt tôi đã nhòa đi, tôi không nỡ rời cuốn Tâm Tình Hiến Dâng, bản dịch của Đỗ Khánh Hoan. Cuốn sách này nhắc nhớ tôi suốt đời về một kỷ niệm dễ thương, về một người bạn chân tình!

Noel năm 1971, năm học đầu tiên ở Đại Học Sư Phạm Huế, lớp Việt Hán tổ chức họp mặt, có trò chơi trao và nhận quà ngẫu nhiên qua bốc thăm. Tôi đã mua hai cuốn của R. Tagore, một để lại cho mình, một để làm quà tặng. Tôi đã thầm mong món quà của mình sẽ làm hài lòng ai đó có cùng sở thích thưởng thức văn học như tôi, cũng yêu quý nhà thơ Bengal, triết gia Bà La Môn, nhạc sĩ và là nhà dân tộc chủ nghĩa, là người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel 1913.

Cuối cùng, tôi đã thỏa nguyện vì người bạn ngẫu nhiên ấy rất tâm đắc với món quà bé nhỏ, đã cám ơn bằng cách đưa tôi về một đoạn đường dài giữa đêm đông “Chúa sinh ra đời…” để bắt đầu một tình bạn thiên thu!

Bây giờ, lòng tôi đang nức nở, và những lời thầm thì của nhà thơ vĩ đại ấy đang dày xéo lên con tim khốn khổ của tôi, như đang trách tôi:

“Bạn đọc, bạn là ai, người trăm năm về sau, đang đọc thơ tôi?

Tôi chẳng thể gửi đến bạn bông hoa duy nhất trong sắc Xuân đầy, ánh vàng độc nhất từ lớp mây đàng kia.

Xin mở toang cửa, nhìn bốn phương trời.

Và thu nhặt ngay trong vườn nhà mình hoa nở rộ những kỷ niệm ngát hương của bông hoa trăm năm về trước đã tàn phai.

Tim dạt dào nguồn vui, có thể bạn sẽ cảm thấy hân hoan, niềm hân hoan sinh thú ca vang một sớm mùa Xuân gửi qua trăm năm tiếng nói yêu đời.”

(Tâm Tình Hiến Dâng – Đỗ Khánh Hoan dịch)

Mỗi cuốn sách tôi đọc qua đều gắn với một kỷ niệm đầy thương quý của tuổi trẻ, một thời thanh xuân đẹp đẽ. Đó là những người bạn tốt hơn mọi người bạn, sẵn sàng bên cạnh an ủi, sẻ chia những lúc tôi mất lòng tin vào con người, là người yêu chung thủy hơn hết thảy mọi người tình, tự nguyện hiến dâng và sẽ cùng tôi đi đến tận cùng cuộc đời. Tôi đã nghĩ thế. Nhưng giờ tất cả đã bỏ tôi lại bên đời, ngơ ngác và sợ hãi.

Những cuốn sách đi qua cuộc đời tôi từ năm 10 tuổi cho đến mới hôm qua, đã dạy cho tôi về niềm tin, tình yêu thương, sự cao thượng, lòng trắc ẩn.

Nhưng bây giờ, trong giây phút những cuốn sách bị vứt tung tóe lên chiếc xe ba gác, tôi không thể tự nhắc đến lòng khoan dung, dù chỉ là thầm thì để trấn tĩnh, dù biết tha thứ là nét đẹp của một tâm hồn cao thượng. Không, không thể!

Lần đầu tiên trong đời, tôi thấm thía một nỗi mất mát lớn lao khiến đầu óc tôi trống rỗng, trái tim tôi đông cứng. Tôi căm ghét bản thân tôi như căm ghét sự bất lực, tôi căm ghét sự tồn tại của mình như căm ghét nỗi yếu đuối. Lúc này!

Rồi tôi đứng lặng người trong muôn vàn cảm xúc lẫn lộn: đau đớn, phẫn nộ, và tuyệt vọng. Chiếc xe chở đầy sách đã rời đi cùng sự hả hê của đội quân văn hóa.

Ông nội tôi chứng kiến thảm kịch từ đầu, dường như nói nhỏ với tôi câu gì đó chắc để an ủi nhưng tôi không nghe rõ. Tôi nhìn ông, nhìn hai má ông hóp lại, miệng ông mím chặt làm hằn lên dấu quai hàm chữ điền và chòm râu trắng như cước đang rung động. Tôi sà vào lòng ông muốn khóc như ngày thơ bé, nhưng ông nội yêu quý ơi, con không khóc được, thật dễ khi nước mắt rơi, thật dễ khi lau khô; nhưng con sẽ làm sao xóa sạch được vệt nước mắt khỏi trái tim mình đây, hở ông?

Những cuốn sách của tôi đã chết thật rồi, trái tim tôi cũng đang chết một nửa nhưng cuộc sống ngoài kia vẫn tiếp diễn, tôi lại học cách mỉm cười với nỗi buồn, học cách không để sự đau khổ đóng lại trái tim và tâm hồn mình. Và, sách tôi ơi, nếu còn xuất hiện trong giấc mơ, chúng mình vẫn có thể ở bên nhau, mọi lúc!

Rồi cuộc sống thời bao cấp không cho phép tôi được sống với niềm đam mê ngày nào. Mơ ước có một tủ sách lớn với bộ collections sách theo từng tác giả trong và ngoài nước vỡ vụn.

Thời mở cửa, biết bao lần tôi ứa nước mắt mỗi khi vào nhà sách, nhìn thấy tên các tác giả văn học một thời, cùng với nhan đề xưa cũ được in lại bày ê hề trên giá. Thật chạnh lòng nhớ đến “cuộc thảm sát” năm xưa, và cho dù bây giờ tôi đã có khả năng mua lại ngần ấy đầu sách thì những rung động thiêng liêng trong miền ký ức xa xưa cũng không còn tồn tại, tựa như sách chỉ còn thân xác, và linh hồn kia đã mất lâu rồi!

________

(*) “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

 

MỚI CẬP NHẬT