Wednesday, March 6, 2024

Vài cảm nghĩ về ‘Đời Thủy Thủ 2’ của Vũ Thất

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – “Đời Thủy Thủ 2,” tác phẩm mới của nhà văn Vũ Thất, vừa được nhà xuất bản Nhân Ảnh phát hành vào đầu mùa Hè 2023, là một truyện dài gồm 17 chương và hai phần “Mở” và “Kết.”

Tác phẩm “Đời Thủy Thủ 2” của Vũ Thất. (Hình: Trần Doãn Nho)

Với một lối văn trong sáng, trau chuốt nhưng không làm dáng, tác phẩm đưa người đọc thực hiện một chuyến hành trình bằng tàu Hải Quân dọc theo bờ biển miền Nam, trải qua ba Vịnh và chín Hải Phận, từ Quy Nhơn đến sông Lòng Tào (Sài Gòn), lồng trong câu chuyện khá hồi hộp của một cuộc song đấu diễn ra trong lòng nhân vật chính, xưng “tôi,” đội lốt một ai đó tên Phan Kim Phượng: “đấu tư” (tưởng) và “đấu tình.”

Sau khi đọc xong “Đời Thủy Thủ 2,” tôi xin được ghi lại một vài cảm nghĩ có tính cách “ngoài lề.”

Sau lưng Phượng, là Hưng, người tình, đồng thời cũng là người chỉ đạo Phượng thực hiện âm mưu đánh chìm chiếc Hộ Tống Hạm 007 của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Chàng Hưng này, tuy hoạt động cho cộng sản, nhưng lại bỏ nghề kiến trúc sư để xin vào làm sở Mỹ và cha là người thầu rác Mỹ. Rõ ràng là  Hưng có một đời sống sung túc, chẳng hề là dân vô sản. Điều này khiến ta suy đoán, hoặc Hưng là kẻ chạy theo phong trào hoặc gia đình Hưng thuộc loại “cộng sản” nòi: làm sở Mỹ để tạo một vỏ bọc an toàn cho hai cán bộ nằm vùng. Có thể nói, đó là hình ảnh điển hình của một thành phần mà chính quyền VNCH thời đó gọi là “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản.”

Phượng thì có hơi khác. Gia đình Phượng là một gia đình bình thường, có một cuộc sống lương thiện và ổn định dưới chế độ VNCH. Đậu được vào được trường Đại Học Sư Phạm có lẽ là một trong những ước mơ đẹp của tuổi trẻ miền Nam thời đó. Nhưng chính đây đồng thời cũng là môi trường hoạt động tích cực của tổ chức cộng sản.

“Vào một tối ca nhạc Trịnh Công Sơn và Khánh Ly ở sân trường Văn Khoa, chúng tôi đứng gần nhau và cùng chạy trốn khi mật vụ giải tán. Từ đêm đó chí hướng của tôi bắt đầu thành hình. Mỗi tháng một lần, Hưng đưa tôi ra ngoại ô dự buổi học tập đường lối chánh sách cách mạng. Tôi đã nhìn thấy Mỹ là quân xâm lược, là tên sen đầm quốc tế” (trang 40, 41).

Kể ra thì cô Phượng này thuộc loại nhạy cảm, nóng vội và anh chàng Hưng này đúng là thứ cán bộ lành nghề, chỉ có một lần gặp tình cờ mà đã chụp được một con mồi ngon. Tuy nhiên, thời VNCH, những người như Phượng không phải là trường hợp cá biệt. Có thể nói, cô là hình ảnh điển hình của thành phần sinh viên học sinh gọi là tả khuynh, xuất hiện ở miền Nam trong thời cao điểm cuộc chiến tranh Quốc-Cộng. Không bị nhồi sọ một chiều trong nhà trường cũng như trong xã hội, nên họ mang một thái độ khá nghịch lý: vừa yêu thích không khí tự do của chế độ VNCH, nhưng đồng thời lại không đồng tình, thậm chí chống đối, với chính chế độ đó. Chẳng lạ gì, thái độ đó trở thành mảnh đất thuận lợi cho tổ chức “sinh viên vận”/“trí vận” của cộng sản cài sẵn trong các trường đại học.

Chính tôi đã từng là một sinh viên như Phượng: thích nhạc phản chiến, ghét Mỹ, chống chính quyền, sẵn sàng tham gia các cuộc xuống đường đòi hỏi đủ thứ, kể cả những thứ mình đang… thụ hưởng: được học hành tử tế, được luật pháp bảo vệ, được phát biểu tự do… Đó vừa là thái độ lại vừa là “mốt” thời thượng của giới trẻ thành thị miền Nam.

“Mốt” thời thượng cộng với tình yêu đã khiến cô sinh viên Phượng đầy tương lai trở thành một đặc công thứ thiệt. “Nhiệm vụ của tôi là phải đặt quả bom đâu đó có thể gây thiệt hại tối đa cho người và chiến hạm. Đó là điều kiện cần và đủ để Thành Ủy cho phép tôi và Hưng thành vợ thành chồng” (trang 39). Một cuộc hôn nhân, nếu được thực hiện thành công theo kiểu này, quả là một hợp đồng đẫm máu! Nhưng sách lược cộng sản mà: mọi phương tiện đều tốt nếu đạt được mục đích.

Là như thế, nhưng dưới ngòi bút của Vũ Thất, Phượng là nhân vật “kép”: vừa chính diện, lại vừa phản diện. Nhận lời làm đặc công, Phượng bị tình yêu lôi kéo hơn là lý tưởng. Đã thế, cô sống trong một gia đình, “…từ thuở tôi biết nói suông câu, tôi lại nhập tâm lời dạy của cha mẹ là phải luôn thật thà, không nói dối. Tôi chỉ tập nói dối từ ngày quen Hưng” (trang 47). Nói theo ngôn ngữ cộng sản, cô còn mang thứ đạo đức tiểu tư sản, “giác ngộ cách mạng” chưa đủ sâu sắc, chưa căm thù giai cấp, căm thù đế quốc Mỹ một cách “không gì lay chuyển nổi.”

Không lạ gì, ngay trong những giờ đầu tiên lên tàu, cô đã dao động. Đang nghĩ kế phá hoại chiếc tàu, cô nhớ đến cha mẹ. “Tôi chợt nhớ đến ba má tôi và nghe rùng mình. Trời ơi, mãi đến lúc này tôi mới nghĩ tới hai người thương yêu và tin tưởng tôi nhất. Ông bà đâu có ngờ con gái mình quá liều lĩnh. Khi nhận lời công tác, tôi không hề nghĩ tới cha mẹ, chỉ lo sợ Hưng giận, chỉ biết chiều lòng người yêu. Lỡ tôi có mệnh hệ nào. Tôi không dám nghĩ tới…” (trang 66).

Khi nhìn thấy là Quốc Kỳ nền vàng ba sọc đỏ bay phất phới ở đỉnh cột giữa tàu, “Tôi say sưa ngắm hình ảnh mới mẻ vừa khám phá. Nắng vàng và trời xanh tô điểm lá cờ thêm lộng lẫy, uy nghi. Dù Hưng nói gì thì nói, tôi vẫn yêu lá cờ vàng ba sọc đỏ. Còn ý nghĩa nào đẹp hơn ba miền chung dòng máu đỏ da vàng. Tôi chào kính lá cờ đó từ lớp mẫu giáo cho đến ngày nay và chắc chắn tôi còn tiếp tục chào kính cho đến hết đời. Lá cờ đó không chỉ là biểu hiện của dân tộc trường tồn mà còn là biểu hiện quãng đời trưởng thành tươi đẹp của tôi và cuộc sống đầy trọng vọng của ba má tôi. Khi nghe lời Hưng chống Mỹ cứu nước, tôi mụ mị quên mất là lá cờ này ngày ngày vẫn ngạo nghễ phất phới khắp miền Nam. Bọn Mỹ mang quân đến xâm lược chẳng lẽ quên một việc ưu tiên sơ đẳng là thay thế cờ vàng bằng cờ sao sọc? Con đường tôi chọn hiện tại có đúng là lý tưởng?” (trang 114). Cảm giác và suy nghĩ bất chợt này cho thấy cô đã có dấu hiệu “mất lập trường.”

Không lạ gì, cô sinh viên đã phải trải qua một cuộc song đấu: bên trong, đấu tranh tư tưởng với chính mình; bên ngoài, “đấu tình” với Hạm Phó Võ Bằng, người đã đứng ra “bảo lãnh” cho cô được quá giang chuyến hành trình để thực hiện nhiệm vụ. Hai cuộc đấu này là điểm mấu chốt trong quá trình “giải hoặc” trong tư tưởng của cô nữ sinh viên Sư Phạm.

Gay go nhất và có lẽ nét đặc sắc trong bộ truyện chính là cuộc đấu thứ hai này. Vừa mới gặp, viên sĩ quan có khuôn mặt giống tài tử Burt Lancaster, da sạm đen, nhưng “coi được” này đã làm cô xao động. Với kiến thức uyên bác về Hải Quân và với những lời đối thoại duyên dáng, thông minh, dí dỏm, chàng sĩ quan Hải Quân Võ Bằng, đầy kinh nghiệm tình trường nhưng chưa vợ này, đã từng bước chinh phục trái tim của cô đặc công.

Anh chàng, vô hình trung, có vẻ như đã hoàn thành một nhiệm vụ không hề được giao phó: phá vỡ âm mưu đánh chìm chiếc chiến hạm. Và Phượng, rốt cuộc, chào thua: thua chính mình (tự ý không thực hiện công tác phá nổ chiến hạm) và thua chàng sĩ quan Hải Quân, hay đúng hơn, thua tiếng nói của trái tim (mình).

***

Vũ Thất, trong cả hai tác phẩm “Đời Thủy Thủ” (2012) và “”Đời Thủy Thủ 2,” đều có một cái “kết” không giống ai: kết (桔), nhưng không thúc (束). Chỉ ngừng (viết) mà không chấm dứt câu chuyện. Chấm dứt một sự kiện, nhưng không chấm dứt một số phận. Có thể câu hỏi mà nhiều độc giả nghĩ đến là: số phận của cô sinh viên và qua đó, của mối tình, rồi sẽ ra sao?

Tôi, trái lại, có một câu hỏi khác: Đại Úy Võ Bằng, hay nói cách khác, Bộ Chỉ Huy chiến hạm, có biết cô ta là đặc công không? Hỏi tức là trả lời: Biết, nhất định là biết và biết ngay từ khi cô làm giấy tờ xin phép quá giang, hay ít nhất, cũng biết khi cô bước chân lên tàu.

Ấy thế mà, trong suốt hơn hai ngày, trong lúc cô sinh viên đấu tranh với mình từng giây từng phút thì mọi sinh hoạt trên tàu cứ diễn ra hồn nhiên y như… bình thường, chẳng ai ngờ rằng chiến hạm sắp bị đánh bom. Không những thế, tất cả mọi người, từ hạm trưởng, hạm phó, cố vấn Mỹ cho đến những thủy thủ trên tàu đều tiếp đón cô một cách niềm nở, thân tình và lịch sự. “Từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ em được thưởng thức cuộc sống biển khơi muôn vẻ muôn màu, chưa bao giờ được biết nhiều điều thú vị về trời sao mây nước, nhất là chưa bao giờ em được đối xử bằng tình người chân thành nồng ấm như hai ngày đêm trên chiến hạm…” (Thư Phượng gửi Võ Bằng, trang 289, 290).

Đây chính là nét tinh tế riêng của tác phẩm. Theo tôi, tác giả đã biến một cuộc đối phó căng thẳng với kẻ địch thành một màn kịch đầy ý nghĩa. Thay vì bắt ngay cô sinh viên để tránh mọi rắc rối ngay từ đầu, thì Bộ Chỉ Huy Hộ Tống Hạm Đống Đa 007 đã tìm cách thuyết phục cô bằng tấm lòng, bằng kiến thức và bằng nghệ thuật giao tiếp giữa người với người, giữa người lính và người dân.

Vậy thì chàng lính thủy Võ Bằng đã không “vô hình trung” chút nào. Công cuộc “chiêu hồi” này, theo tôi, đã được Bộ Chỉ Huy dàn xếp một cách tỉ mỉ, hay nói đúng hơn, bởi… Võ Bằng. Mặc dầu đã từng tự nhủ, “Lẽ ra tôi phải giả vờ ngu dốt thời sự,” nhưng trong khi trò chuyện với Võ Bằng, cô sinh viên đã vài lần “hớ hênh” để lộ thái độ chống chính quyền và chống Mỹ của mình, khiến anh chàng phải tìm cách giải thích. Nhưng sau đó, nếu để ý, ta sẽ thấy lúc nào Võ Bằng cũng chủ động cắt ngang: “Hãy ngưng! Chúng ta lại đi vào chính trị. Nói qua chuyện khác vui hơn” (trang 77).

Và cuối cùng, sứ mệnh đặc công của cô sinh viên thất bại. Một thất bại đẹp! Vì “…đương nhiên hình bóng anh [Võ Bằng] đã ẩn vào tiềm thức và vì vậy, chắc chắn thỉnh thoảng em sẽ nằm mơ thấy anh” (Thư Phượng gửi Võ Bằng, trang 290).

Phan Kim Phượng đã gặp một Trọng Thủy. Nhưng chắc cô không gánh chịu số phận của Mỵ Châu.

Tôi đoán thế. [qd]


Vũ Thất Võ Văn Bảy sinh năm 1940 tại Tân Châu, Châu Đốc, nguyên hạm trưởng Tuần Duyên Hạm HQ 616 quân đội VNCH. Sau 1975, ở tù. Vượt biên Tháng Ba, 1984, hiện định cư ở Virginia, Hoa Kỳ.

Đã cộng tác với các báo mạng Da Màu, Đàn Chim Việt, Đặc Trưng, Người Việt Boston, Talawas, Thất Sơn Châu Đốc…

Tác phẩm đã xuất bản: “Đời Thủy Thủ” (Sài Gòn 1969, tái bản Hoa Kỳ 2012), “Trong Cơn Bão Biển” (Sài Gòn 1969), “Một Dòng Sông Cho Chiến Đỉnh” (Sài Gòn 1974, tái bản Hoa Kỳ 1985), và “Đời Thủy Thủ 2” (2023).

Muốn có “Đời Thủy Thủ 2,” xin vào trang mạng Amazon, hoặc liên lạc với tác giả: [email protected].


 

MỚI CẬP NHẬT