Wednesday, March 6, 2024

Nhân đội bóng nữ Việt Nam tham dự World Cup Nữ 2023

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Trận đấu giữa “phe ta,” đội tuyển Bóng Đá Nữ Hoa Kỳ (United States Women’s National Soccer Team) và “phe mình,” đội tuyển Bóng Đá Nữ Quốc Gia Việt Nam (Vietnam Women’s National Football Team) tranh “Giải Vô Địch Bóng Đá Nữ Thế Giới 2023” (FIFA Women’s World Cup 2023) diễn ra vào lúc 8 giờ tối (theo múi giờ địa phương Hoa Kỳ, Central Time Zone). Cả nhà tôi, kể cả mấy đứa cháu nhỏ, tuy ai cũng đoán trước kết quả, nhưng vẫn đợi chờ xem cuộc đấu trong một tâm trạng hào hứng khác thường.

Hậu vệ Hoàng Thị Loan (phải) của Việt Nam kiểm soát bóng với tiền vệ Trinity Rodman của Mỹ trong trận ra mắt tại Bảng E giải World Cup Nữ 2023 ở sân vận động Eden Park, Auckland, New Zealand, hôm Thứ Sáu, 21 Tháng Bảy. Trận này Mỹ thắng Việt Nam 3-0. (Hình: Phil Walter/Getty Images)

Tôi hỏi Jeremy, cậu cháu nhỏ đang học lớp Năm, hiện giữ vai hậu vệ trong đội bóng của nhà trường:

-Cháu ủng hộ đội nào?

-Việt Nam.

-Tại sao?

-Vì cháu là người Việt Nam.

-Nhưng cháu cũng là người Mỹ?

-Đội Mỹ không cần ủng hộ vì chắc chắn họ sẽ thắng.

Thì ra thế! Mấy câu trả lời đơn giản của cậu cháu phản ảnh đúng tâm trạng có phần phức tạp của tôi khi xem trận đấu đặc biệt này.

Thói thường, khi xem đá bóng, ta chỉ hào hứng theo dõi trái bóng khi nó nằm trong chân của cầu thủ đội mình ủng hộ trong lúc lại hồi hộp và lo lắng khi nó nằm trong chân phe bên kia. Trận đấu này thật éo le: trái bóng nằm trong chân cầu thủ đội nào cũng khiến tôi… bối rối. Một xung đột giữa lý trí và tình cảm.

Tôi thích thú khi nhìn thấy cái nhanh nhẹn, nhà nghề của những cô cầu thủ Mỹ cao lớn, xinh đẹp đã từng đưa đội “nước tôi” nhiều lần giữ ngôi vô địch thế giới; và đồng thời cảm thông và cảm kích trước sự cố gắng hết sức mình của những cô gái Việt Nam nhỏ nhắn (chẳng khác gì những cô cháu gái bà con), cũng của “nước tôi.” Lẽ ra giờ này, các cô đang cùng người yêu xem đá bóng hay diện áo quần đi dạo với bạn bè, thì lại phải chạy… chạy… chạy hết sức mình thi đua với những người cao lớn, mạnh mẽ hơn và lành nghề hơn để chỉ đi đến một mục đích biết trước: thua.

May sao, trận đấu chấm dứt với một tỷ số làm ai cũng… hài lòng: Mỹ thắng nhưng không thắng đậm, Việt Nam thua nhưng thua vừa phải.

Bàn về kết quả trận đấu này, khi trả lời phóng viên nhật báo Người Việt, ông Quang Đức Vĩnh, cựu trung phong đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa, từng là “vua phá lưới,” với con mắt nhà nghề, đã đưa ra một nhận xét hoàn toàn chính xác: “Dù dưới chân đội Mỹ nhiều, nhưng [đội nữ Việt Nam] thua 3-0 không phải vì đội Mỹ giỏi mà vì năm nay họ [đội Mỹ] quá sa sút.” Đội Mỹ có “lối đá không mạch lạc, không xuất sắc, đá không xuyên thủng được đối phương dễ dàng nữa.” Vì thế, “Nếu Mỹ gặp Hòa Lan hay Bồ Đào Nha còn mệt nữa.”

Hai trận đấu sau của đội Việt Nam, tuy diễn ra vào giữa khuya (một, vào 2:30 và một, vào 2:00 sáng), nhưng tôi cũng ráng thức để xem. Lần này, tôi ủng hộ đội Việt Nam một cách thoải mái hơn, không bị lấn cấn vì hai đội cùng thuộc “nước tôi.”

Trận Việt Nam-Bồ Đào Nha còn xem được, nhưng trong trận Việt Nam-Hòa Lan, lòng tôi hết sức xốn xang khi nhìn các cô nhọc nhằn tranh bóng, phá bóng, chận bóng, cướp bóng… một cách vô vọng. Đội các cô hoàn toàn “vỡ trận”: thua 0-7. Vẫn biết, các cô đã đến với giải bóng đá chung kết này chỉ để được… thua, nhưng những gì diễn ra trên sân cỏ cũng khiến tôi cảm thấy ngỡ ngàng.

Không sao! Ông Phạm Minh Chính, thủ tướng chính phủ Cộng Sản Việt Nam, nói với các cầu thủ trước ngày lên đường: “Chúng ta đã là một trong 32 đội mạnh nhất thế giới. Lọt vào Vòng Chung Kết World Cup đã là tự hào.” Một bình luận viên bóng đá trong nước kết luận sau khi đội Việt Nam thua đội Mỹ: “Đội tuyển chúng ta đã chơi hết sức mình và có thể ngẩng cao đầu! Chúng ta có quyền tự hào về đội tuyển!”

Hết biết! Giới quan chức cộng sản cũng như báo chí trong nước trông bộ rất sính hai chữ “tự hào!” Chưa thi đấu đã tự hào, thua ít cũng tự hào và cuối cùng, vỡ trận lại cũng tự hào. Lúc nào cũng phải kiếm cho ra một lý do để “tự hào.”

Một lạm dụng chữ nghĩa hay một thói quen chính trị lâu đời? Có thể là cả hai. Trong ba trận đấu vừa rồi, nếu đội nữ Việt Nam mà đá vào được một trái (chỉ một trái thôi) thì chắc là niềm tự hào sẽ lên… thấu tận trời xanh. Và các “fan” cuồng nhiệt trong nước được dịp trổ tài: “đi bão.”

“Đi bão!” Phải chăng đây cũng là hiện tượng đáng “tự hào.” Vì nó đã chính thức trở thành một thuật ngữ quốc tế: “street storming.” Wikipedia định nghĩa (tạm dịch): Đi bão, dịch theo từng chữ một, “go storming,” là một hoạt động xã hội diễn ra tình cờ và ngẫu phát ở Việt Nam. Vốn được sử dụng để quy cho các cuộc đua xe bất hợp pháp trên đường phố (street racing), thuật ngữ này bây giờ dùng để chỉ những cuộc tụ tập rất đông người của những cổ động viên bóng đá Việt Nam và các kẻ ăn theo khắp xứ sở để chào mừng các chiến thắng lớn của đội tuyển Việt Nam.

Lần đi bão đầu tiên xuất hiện vào ngày 4 Tháng Mười Hai, 1995, khi đội tuyển Việt Nam thắng đội tuyển Malaysia 2-0 trong trận mở màn Giải Đông Nam Á Vận Hội (Southeast Asian Games) năm 1995. Hào hứng với kết quả sơ khởi này, những người ủng hộ đã tràn ra đường phố Hà Nội và Sài Gòn, reo hò chiến thắng. Khi đội bóng đi sâu vào giải, số lượng người đi bão càng lớn hơn và càng kéo dài hơn.

Cho đến lúc đội Việt Nam đoạt huy chương bạc sau khi thắng Miến Điện, một biển người (a sea of people) tràn ra đường phố chào mừng đội khi họ trở về Việt Nam vào ngày 18 Tháng Mười Hai, 1995. Trên các ngả đường chính trong thành phố, người ta tưng bừng nhảy múa, reo hò, bóp còi xe, gõ lon, nồi, thùng, can… ầm ĩ, tất cả tạo thành một trận cuồng phong, kéo theo luôn cả những du khách nước ngoài và những người nội trợ vốn chẳng biết gì về bóng đá.

Ba năm sau, 1998, một cuộc đi bão toàn quốc diễn ra khi đội Việt Nam đánh bại đội Thái Lan 3-0 trong trận bán kết Giải Vô Địch Bóng Đá Đông Nam Á (1998 AFF Championship). Từ đó trở đi, “đi bão” trở thành một tính năng đặc biệt và một thú giải trí, đôi khi khá kệch cỡm, của những người hâm mộ bóng đá ở Việt Nam mỗi khi đội nhà thắng một trận quan trọng hay đoạt một giải nào đó.

Tính từ năm 2003 cho đến năm 2021, có gần cả chục lần đi bão diễn ra trên phạm vi toàn quốc để chào mừng thắng lợi của đội Việt Nam qua các giải như “2008 AFF Suzuki Cup,” “2009 Southeast Asian Games,” “2018 AFC U-23 Championship” vân vân.

Những cuộc đi bão vui nhộn và hào hứng đó vô tình đưa đến những hậu quả hết sức tai hại. Năm 2008, có bốn người chết và hàng trăm người bị thương ở Hà Nội và Sài Gòn. Năm 2019, có 50 tai nạn giao thông với 31 người chết và 35 người bị thương. Nhà báo Nguyễn Lưu cho rằng đi bão là một thứ “văn hóa hâm mộ lầm lạc” (misguided fan culture) và là một dấu hiệu của sự  “thiếu giáo dục” (low education).

Ngoài ra, “đi bão” còn có một khía cạnh tiêu cực khác. Xin dẫn lại đây vài trích đoạn từ một bài viết của Trần Anh, “Fan bóng đá Việt Nam chỉ coi đội tuyển là công cụ để giải tỏa,” xuất hiện trên trang mạng BBC: “Đi ‘bão,’ hò hét, làm loạn đường phố, bấm còi inh ỏi, đốt pháo sáng và còn hơn thế nữa là cách mà cổ động viên Việt Nam ăn mừng mỗi khi đội tuyển có thành tích vượt ngoài mong đợi hay giành chức vô địch. (…) Thêm nữa, cầu thủ Việt Nam khi này sẽ được cổ động viên và giới báo chí ‘phong’ cho mọi danh hiệu sáng giá nhất như ‘cầu thủ quốc dân,’ ‘soái ca,’ ‘người hùng dân tộc,’ ‘cầu thủ hay nhất Châu Á,’ và còn nhiều mỹ từ khác. Đội bóng cũng trở thành ‘chiến binh dũng cảm,’ ‘niềm tự hào dân tộc.’ Không quá khi nói lúc này cầu thủ được ‘tâng’ lên tận mây xanh. Ở một chừng mực nào đó, tất cả đều hợp lý vì đội tuyển xứng đáng vì họ đã cống hiến hết mình, đã thi đấu quyết tâm, quả cảm và giành được vinh quang. Mọi chuyện đều tốt đẹp và cả nước mở hội cho tới khi đội tuyển gặp thất bại. (…) Thế nhưng, sự thật là cứ mỗi khi Việt Nam thất trận là sẽ có rất nhiều cổ động viên Việt Nam, những người vừa hò reo, tung hô cầu thủ lại lao vào ‘tấn công’ trang mạng xã hội của cầu thủ đội tuyển, của huấn luyện viên và buông những lời lẽ thô tục như muốn ‘dìm chết’ cầu thủ.”

Hy vọng các cô trong đội tuyển Bóng Đá Nữ Quốc Gia Việt Nam vừa tham dự Giải Bóng Đá Nữ Thế Giới 2023 trở về sẽ không chịu cảnh đối xử tệ bạc này! [qd]

MỚI CẬP NHẬT