Wednesday, March 6, 2024

Con nhớ bà, bà ơi!

Lê Mai Uyên

Lúc con vừa lên 3 tuổi là bà nội đã xuống tóc xuất gia.

Con nhớ một sáng nắng Tháng Năm, trời trong veo như một mảnh đá cẩm thạch Non Nước treo ngược, vắt ngang cầu Xóm Bống, ba chở con ngồi trên chiếc xe đạp xe đòn giông ngang chạy bon bon ngược đường núi lên chùa Sư Nữ.

(Hình minh họa: Prasongsom Punyauppa-path/Unplash)

Con còn nhớ, chùa Sư Nữ trên lưng chừng núi, đường lên gập ghềnh vắt vẻo, hai bên thơm nồng hoa sứ trắng, cổng tam quan cũng có hai gốc sứ đại vặn vẹo, chi chít hoa, ướp hương đẫm vào cả gió núi.

Con nhớ mình ngồi thu lu dưới cổng tam quan, uống nước mưa từ chiếc gáo dừa gác bên thành lu da lươn bóng lưỡng, mùi nước mát lạnh phảng phất hương hoa nhân nhẫn lạ lùng.

Con nhớ từng bước chân mình lủn tủn chạy trên sân gạch hoa, nhớ vườn chùa lảnh lót tiếng chim và nắng vàng rơi trên những lùm nhản lồng. Nhưng nhớ nhất là đôi mắt bà u uẩn, sẫm màu quầng thâm dưới tấm khăn màu xám nhạt. Hôm đó, ba năn nỉ mãi bà mới chịu quay về thăm nhà một ngày.

Vừa ra đến sân ngoài, tiếng chuông công phu trưa vang lên trầm trầm giữa không gian thinh lặng, bà ngoái lại nhìn hồi lâu, trong mắt bà, con chẳng thấy bóng mình và bóng của ba đâu, chỉ thấy một trời âm u trống vắng. Còn bé mà con đã thầm hiểu, bà đã không thuộc về thế giới có ba và có con!

Ngày đó, con vừa yêu bà, lại vừa sợ.

Con sợ đôi mắt bà sắc như dao cau, lúc nào cũng trầm hai vệt xám của những đêm mất ngủ. Vẻ đài các nghiêm trang, chút sót lại của cô tiểu thư nhà quan đã trút bỏ hết khi theo anh chồng nhà nông có biệt tài thơ văn, làm người ta có phần nể sợ. Con sợ khi bà ne nét, bắt khoan nhặt đứa con gái ham chơi như con vào vòng cương tỏa của nề nếp bếp núc.

Con thu lu mỗi chiều bên bếp củi canh nấu một ấm nước sôi to đùng, chỉ chực bà quay lưng đi là chạy lén ra đường, mắt trước mắt sau nhảy vào banh đũa, nhảy dây, chơi lò cò, thảy ô quan.

Con yêu những món ăn nở hoa từ tay bà, từ món nhà nghèo xơ mít nghệ, mít dừa kho cá bống thệ kèm thêm vài cọng rau thơm, dậy mùi ngọt lịm đến hột mít luộc béo ngậy giã nhuyễn quết phi hành vàng cháy làm thành món nước chấm cùng rau lang đất cát bùi ngậy, rồi mấy mụt khổ qua đèo đắng quéo lưởi kho trộn lộn với mụt măng non và búp nấm rơm nếp hay tô canh tập tàng rau lụn vụn lổn ngổn khắp mảnh vườn nhỏ cằn cổi trước sân nhà.

Nhưng, nằm sâu nhất trong tầng tầng ký ức tuổi thơ của con chính là những buổi tụng kinh công phu sớm mai cùng với bà. Gà gáy canh năm, bà đã lay con và anh Hai thức giấc, hai thân hình còm nhom co rút trong tà áo thụng, thu lại sau lưng bà trong gian phòng thờ lù mù đèn dầu. Chắp hai tay nhỏ nhắn trước ngực, con nghiêng đầu, mắt lim dim gà gật chìm sâu vào lời kinh tiếng Phạn du dương của bà.

Thỉnh thoảng tiếng dộng chuông trầm bổng, tiếng gõ mõ khoan nhặt lại kéo con về với mùi hương trầm đặc sánh và dáng bà thành khẫn trước cơ man nào là tượng Phật,  đa dạng cảm xúc, hiền từ, xa vời, lạnh lẽo, oai vệ, đau thương, trăn trở như chính kiếp vặn vẹo của con người. Đầu gối nhỏ gầy xương của con phải kiên gan chịu đựng ròng rã cả giờ đồng hồ tụng kinh và 108 lần lạy sụp đọc tên 108 đức Bồ Tát. Ôi, ngày ấy con đã ước gì có ít hơn 108 vị Phật cho bài lạy cuối phiên tụng kinh được rút ngắn lại.

Bây giờ, trong những lúc tâm hồn con phải vặn vẹo vì đau khổ và chới với không niềm tin, con lại thèm được trốn vào bóng bà bình an lặng lẽ, chìm trong tiếng kinh kệ êm mượt du dương vỗ về những vết thương lòng sứt sẹo rĩ máu. Con lại mơ có hơn 108 vị Bồ Tát vây quanh con che chở giữa khoảng mênh mông ta bà của thế giới hoang mang hỗn độn.

Con nhớ bà, bà ơi!

[disqus_shortcode_codeable]