Tử tù ở Việt Nam chưa bị thi hành án vì ‘chủ tịch nước rất nhiều việc’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Lê Tấn Tới, chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng và An Ninh, Quốc Hội Việt Nam, vừa cho biết việc thi hành án tử hình hiện nay “còn rất chậm” và lượng tử tù “tồn đọng rất nhiều” vì “chủ tịch nước rất nhiều việc.”

Báo Pháp Luật TP.HCM hôm 14 Tháng Chín đưa tin này, nhưng không nêu con số cụ thể về lượng tử tù chưa bị thi hành án chích thuốc độc.

Một tử tù bị đưa đi chích thuốc độc. (Hình: VietNamNet)

Theo lời ông Tới, có một số tử tù gần 10 năm sau khi tòa kết án nhưng vẫn chưa thi hành án được.

Trong khi đó, số lượng người bị kết án tử hình trong những tháng đầu năm nay được ghi nhận “tăng so với cùng kỳ năm ngoái.”

Ông Tới giải thích theo Luật Hình Sự Việt Nam, sau khi bị tuyên án tử hình, những tử tù có quyền viết đơn gửi chủ tịch nước để xin được ân giảm xuống án tù chung thân.

Với mỗi đơn của tử tù, chủ tịch nước phải phê “bác bỏ đơn,” thì mới thi hành án tử những người này.

Trong lúc chủ tịch nước chưa có quyết định gì, thì những tử tù có quyền hy vọng giữ được mạng sống.

“Chủ tịch nước rất nhiều việc, trong khi muốn bác bỏ đơn [thì] cũng phải nghiên cứu, xem xét. Bộ Luật Hình Sự đã giảm nhiều tội không có án tử hình, bây giờ tiếp tục giảm nữa hay xem xét sửa Luật Thi Hành Án,” ông Tới nói.

Liên quan vụ này, báo Dân Trí hồi năm 2019 cho hay thời điểm đó, nhà chức trách xác nhận Việt Nam có 229 tử tù đợi thi hành án từ 5 đến 10 năm.

Lâu nay, án tử hình tại Việt Nam thường bị các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích.

Hồi tháng trước, khi gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng ở thành phố Hải Phòng được tòa án địa phương thông báo chuẩn bị nhận xác con, một liên minh gồm 10 tổ chức nhân quyền quốc tế hôm 9 Tháng Tám đã gửi một bức thư ngỏ tới ông Võ Văn Thưởng, chủ tịch nước Việt Nam.

Một tử tù đang làm thủ tục thi hành án. (Hình: Dân Trí)

Văn bản này nói rằng nếu tử hình ông Chưởng thì “Việt Nam sẽ đi ngược lại xu thế toàn cầu là loại bỏ hình phạt tử hình và thiết lập một lệnh cấm sử dụng hình phạt này.”

Trong một nghị quyết hồi cuối năm ngoái, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi tất cả các quốc gia hiện giữ vẫn giữ hình phạt tử hình cần bãi bỏ ngay lập tức hình phạt này. (N.H.K) [qd]