Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ và quốc tế muốn tìm nhà cung cấp từ Việt Nam

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Các “đại bàng” của Mỹ như Boeing, Walmart, Amazon… và nhiều tập đoàn ngoại quốc khác muốn tìm kiếm doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Tại “Diễn Đàn Xuất Khẩu 2023 – Kết Nối Chuỗi Cung Ứng Hàng Hóa Quốc Tế” diễn ra ở Sài Gòn hôm 13 Tháng Chín, ông Avaneesh Gupta, phó chủ tịch điều hành tập đoàn Walmart, cho biết sự kiện này là “cơ hội thú vị để Walmart có thể kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam.”

Tập đoàn Walmart muốn tìm thêm nhà cung ứng hàng hóa từ Việt Nam. (Hình minh họa: Scott Olson/Getty Images)

Báo Dân Trí dẫn lời ông Avaneesh Gupta cho rằng, Việt Nam luôn là một trong những thị trường cung ứng hàng hóa quan trọng nhất của nhà bán lẻ này và cũng là trung tâm cung ứng cho khắp Đông Nam Á.

“Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất cảng các sản phẩm Việt Nam trên toàn cầu, bao gồm sang Mỹ, Canada, Mexico, Chile và Trung Quốc,” ông Avaneesh Gupta nhấn mạnh.

Tương tự, ông Lionel Adenot, giám đốc điều hành hãng Decathlon (Pháp) tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cơ hội này có ý nghĩa lớn với doanh nghiệp nội địa trong bối cảnh thương mại quốc tế đối mặt nhiều thách thức như thiếu nguồn nguyên liệu thô, dư chấn của đại dịch vẫn kéo dài, ảnh hưởng đến nhu cầu và khả năng cung cấp hàng hóa.

“Chúng tôi đang tìm kiếm những nhà cung cấp tự chủ và tự lực để tin tưởng hợp tác,” báo VNExpress dẫn lời ông Lionel Adenot.

Ông Oliver Langlet, tổng giám đốc chuỗi bán lẻ Central Retail tại Việt Nam, đánh giá ngành sản xuất nội địa của Việt Nam “càng ngày phát triển tốt khi cho ra nhiều sản phẩm có phẩm chất cao, đội ngũ lao động lành nghề.”

Theo ông Oliver Langlet, 30 năm qua, Việt Nam đã có bước tiến đáng kể về nguồn nguyên liệu thô, trở thành nơi có ngành công nghiệp chế biến phát triển mạnh mẽ.

Không riêng Walmart hay Decathlon, nhiều tập đoàn tên tuổi toàn cầu như Boieng, Amazon, AES (Mỹ), Carrefour, Central Retail, Aeon, Uniqlo… cũng mong muốn tìm kiếm nhà cung ứng Việt Nam, để tham gia chuỗi cung ứng của họ trên toàn cầu.

Tuy vậy, để tận dụng thời cơ tham gia chuỗi cung ứng, ông Lionel Adenot khuyên các doanh nghiệp Việt Nam “sớm đưa hoạch định trong trung hạn, nhanh chóng thích ứng và thay đổi trước những xu hướng toàn cầu.”

Thời gian hoàn thành đơn hàng ngắn, theo ông Adenot, sẽ là điểm cộng lớn. Điều này đòi hỏi nhà cung cấp phải có khả năng linh hoạt và ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu địa phương, sử dụng năng lượng hiệu quả.

Đại diện các doanh nghiệp dự “Diễn Đàn Xuất Cảng 2023,” sáng 13 Tháng Chín ở Sài Gòn. (Hình: ITPC/VNExpress)

Ông Lionel Adenot cũng lưu ý thêm, các chính sách giảm thiểu tác động tới môi trường cũng là tiêu chí quan trọng nếu các doanh nghiệp Việt muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tám tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập cảng của Việt Nam đạt hơn $435 tỷ, với cán cân nghiêng về xuất siêu hơn $20 tỷ. Tuy nhiên, giá trị xuất cảng giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần $228 tỷ. (Tr.N) [qd]