Lớp học gói bánh chưng gần Little Saigon

LTS: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Mục “Viết Cho Nhau” là nơi để bạn giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm của mình. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Bích Ngọc

Các cô nữ sinh dịu dàng trong tà áo dài tha thướt học gói bánh chưng. (Hình: Bích Ngọc cung cấp)

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.”

Nắng chiếu thẳng góc trên xa lộ hình vòng cung, giao lộ giữa 22 East qua 55 North. Chuyển sang  91 West, rẽ phải vào thành phố Yorba Linda.

Sáng sớm Chủ Nhật đường phố còn vắng vẻ. Tôi lái xe lướt qua những xa lộ rộng thênh thang, rẽ vào khu phố êm đềm được hai hàng cây xanh bao phủ. Con đường với hàng rào màu trắng thẳng tắp chạy dài trước mặt trên con dốc. Cuối đường là căn nhà thật to, cánh cửa gỗ màu huyết dụ đang hé mở. Bãi cỏ trước nhà một màu xanh ngắt được cắt tỉa tươm tất.

Hôm nay tôi theo cô em gái Ngọc Vân vào lớp học gói bánh chưng do vợ chồng Bác Sĩ Thành-Nha Sĩ Mên phụ trách.

Đậu xe vào sân nhà rộng thoáng, tôi phụ Vân xách hai nồi áp suất tiến về phía cửa. Căn phòng khách có nhiều sách y khoa được xếp gọn ghẽ, thẳng hàng trên kệ gỗ. Hộp đàn violon nằm kề bên cây đàn piano. Nghe Vân kể con gái Yannie và con trai Dylan của vợ chồng Thành-Mên học đàn từ bé.

Bước vào bếp, không khí Xuân đã tràn ngập trong gian phòng ấm cúng. Chiếc bình hoa được trang trí bằng những bao lì xì màu đỏ. Trên bàn chủ nhân đã bày sẵn nếp, nhân đậu xanh, thịt ba rọi ướp thơm lừng. Lá chuối được lau sạch bóng, xếp gọn trong chiếc hộp màu trắng. Đợi học trò tề tựu đông đủ ngồi vào bàn. Thầy giáo là Bác Sĩ Thành bắt đầu giảng giải cách thức gói bánh chưng ra sao.

Nghe kể trước đây Thành là kỹ sư. Ham học và chịu khó nên Thành học qua y chuyên ngành về nội khoa.

Là kỹ sư nên Thành khéo tay lắm, tự mua gỗ về cắt, mài, dũa, đóng ráp từng cái khuôn làm bánh chưng, đẹp hơn ngoài tiệm bán.

Là bác sĩ nên tánh Thành kỹ lưỡng, trau chuốt từng chi tiết, xếp đặt công việc gọn gàng, đâu ra đấy.

Các học viên lớp gói bánh chưng. (Hình: Bích Ngọc cung cấp)

Học trò đến chỉ việc ngồi an vị vào chỗ ngồi đã bày sẵn dụng cụ làm bánh, lá chuối, nếp, đậu, thịt, dây gói bánh…

Thầy Thành chỉ dẫn cặn kẽ từng chút cho từng học trò hiểu cách gói bánh chưng thế nào cho thật đều, thật chặt.

Các anh nam sinh đồng môn trường y của Thành chăm chú lắng nghe, hiểu bài thật nhanh.

Các cô nữ sinh dịu dàng trong tà áo dài tha thướt. Nụ cười tươi tắn trên môi. Ngoan ngoãn thuộc bài thầy vừa giảng.

Không khí Xuân rộn ràng, reo vui từ lúc mỗi người bắt đầu thực hành xếp lá vào khuôn. Đổ một lớp nếp, đậu xanh, thịt, đậu và nếp. Rồi nén cho chặt để bánh chưng góc, cạnh thẳng tắp, đều đẹp.

Sau cùng là xếp bánh vào nồi nấu. Hai tiếng học và thực hành thật là thú vị. Tôi nhớ cái cảm giác khi xưa còn bé thức khuya cùng ngoại ngồi canh nấu nồi bánh chưng vào đêm trước 30 Tết mà lòng vui hớn hở, rộn ràng chắc cũng y như hôm nay khi tôi nhìn Thành tự tay xếp bánh chưng vào nồi đun lửa nấu.

Có lần tôi đọc được nghiên cứu của Tiến Sĩ Robert Waldinger, giáo sư tâm thần học tại trường Harvard Medical School và giám đốc dự án Harvard Study of Adult Development – một trong những nghiên cứu kéo dài 75 năm về cuộc sống của người trưởng thành và cũng là một trong những nghiên cứu dài nhất trong lịch sử, nói rằng bí quyết để hạnh phúc của con người là hình thành các liên kết chặt chẽ với gia đình và bạn bè, với cộng đồng mà mình sinh sống. Rõ ràng những người này sống lâu, sống khỏe mạnh hơn những cá nhân sống khép kín.

Thật đúng như vậy, tôi may mắn có vài giờ theo cô em Ngọc Vân tham gia lớp học gói bánh chưng do bạn bè của Vân là vợ chồng Bác Sĩ Thành-Mên tổ chức. Tôi thấy mình hiểu rõ hơn thêm về một gia đình hạnh phúc. Là nơi đầy ắp tiếng cười, cha mẹ, con cái quây quần bên nhau. Họ đem niềm vui cho bạn bè. Mời bạn bè về nhà cùng gói bánh, chuyện trò rôm rả thân tình.’

Tết sum vầy chỉ vài giờ thôi nhưng hạnh phúc, tiếng cười đủ làm phấn chấn, sảng khoái tinh thần. (Hình: Bích Ngọc cung cấp)

Riêng tôi thật thích khi nhìn thấy Mên đàn piano, ngồi kề bên là Thành thổi harmonica. Tôi chơi guitar. Tất cả bạn bè thân hữu cùng nhau hát vang bài nhạc Xuân nổi tiếng “Ly Rượu Mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương:

“Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó…”

Đấy, đâu cần phải quay về quê hương mới có Xuân, có hương vị Tết?

Tết của gia đình Thành-Mên-Yannie-Dylan.

Tết của nhóm bạn bè thân hữu UCLA của cô em Ngọc Vân, vợ chồng Luận-Linh, vợ chồng Tuấn-Phương Nguyên, vợ chồng Grant-Mân, em Hằng, Ngọc.

Tết sum vầy chỉ vài giờ thôi nhưng hạnh phúc, tiếng cười đủ làm phấn chấn, sảng khoái tinh thần. Niềm vui tràn ngập, đong đầy trong tim. Ra về với bánh chưng, với khuôn gỗ gói bánh do Thành gởi tặng từng người. Tiếng đàn, giọng hát vẫn còn âm vang. Nắng Xuân chan hòa khắp nơi nơi.

Tôi nhớ mình vui đến độ hát vang bài “Xuân và Tuổi Trẻ” của nhạc sĩ La Hối, thơ Thế Lữ, trên xa lộ trên đường về nhà, gõ nhịp vào tay lái, cái miệng o tròn:

“Ngàу thắm tươi bên đời Xuân mới,
Lòng đắm saу bao nguồn vui sống.
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng,
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng.

Ngàу thắm tươi bên đời Xuân mới,
Lòng đắm saу bao nguồn vui sống.
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng,
Ta muốn luôn luôn cười với hoa.

Xuân thắm tươi, én tung baу cao tít trời,
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng vui reo.
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm,
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời Xuân thắm tươi…”
(Bích Ngọc) [qd]