Monday, March 11, 2024

‘Fiscal Cliff’: Ai cũng có giải pháp đề nghị, chẳng ai chịu lắng nghe



Nguyễn Văn Khanh


 


Bỗng dưng nước Mỹ có quá nhiều người lên tiếng về ngân sách.


Ðầu tuần, cầm tờ The Washington Post thấy ngay bài viết của Thượng Nghị Sĩ Bob Croker với giải pháp cắt $4,500 tỉ bằng cách giảm bớt những khoản khấu trừ (tax deductions) và những khoản chi tiêu “không cần thiết.”









Tổng Thống Barack Obama (phải) nói chuyện với một số cư dân Falls Church, Virginia, hôm Thứ Năm, liên quan đến việc giảm thuế cho giới trung lưu. (Hình: Saul Loeb/AFP/Getty Images)


Giữa tuần nghe bà Thượng Nghị Sĩ Susan Collins lên diễn đàn Thượng Viện trình bày những khoản thuế nên tăng để “thu thêm ngàn tỉ cho ngân sách trong vòng 10 năm tới” nhưng “không ảnh hưởng cho giới tiểu thương.” Bà Collins chưa trình bày xong ý kiến thì văn phòng Thượng Nghị Sĩ Mike Lee của tiểu bang Utah đã nhận trả lời phỏng vấn của đài CNN để đưa ra quan điểm không chấp nhận “vội vã cắt giảm ngân sách ngân sách quốc phòng,” đồng thời đưa ra những giải pháp ông tin sẽ giúp chính phủ liên bang thu thêm được thuế.


Toán nhân viên các đài truyền hình như MSNBC, FOXNews,… bám trụ ở Quốc Hội cũng bận rộn không kém: cứ mỗi giờ đồng hồ phải mời được một vị dân cử, tiêu chuẩn đặt ra: khách mời phải có ý kiến về cuộc thương thảo ngân sách đang diễn ra giữa hành pháp và lập pháp, nếu tìm được người có kế hoạch cứu nguy đất nước thì… trên cả tuyệt vời!


Một trong những khách được mời là Thượng Nghị Sĩ Rob Portman, người nhiều lần lên tiếng chỉ trích ngân sách của chính phủ Barack Obama, nhưng bây giờ lại nói “sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của đôi bên.” Ông thượng nghị sĩ từng có thời nắm chức giám đốc ngân sách quốc gia đưa đề nghị bên Cộng Hòa “đồng ý tiếp tục giảm thuế cho thành phần trung lưu,” nhưng bên Dân Chủ “phải cam kết trong sáu tháng đầu của năm 2013 sẽ sửa đổi luật thuế, giảm bớt khoản khấu trừ và cắt bớt chi tiêu.”


Một vị khách khác của cánh ký giả truyền hình là cựu Thống Ðốc Howard Dean của tiểu bang Vermont, từng có lúc đã ra tranh cử tổng thống, cho rằng cách hay nhất để cứu ngân sách quốc gia là buộc mọi người phải đóng thêm thuế lợi tức. Ông Dean đưa ra dẫn chứng: nếu chỉ bắt những người có mức thu nhập từ $250,000/năm trở lên phải đóng thêm 17% tiền thuế, mỗi năm chính phủ chỉ thu thêm được $687 tỉ, nhưng nếu buộc mọi người đều đóng thêm 8% tiền thuế, mỗi năm chính phủ sẽ thu về hơn $1,700 tỉ, tức là không phải vay nợ để chi tiêu. Không phải vay nợ có nghĩa là cân bằng ngân sách.


Ai muốn lên tiếng trình bày giải pháp của mình được, nhưng tiếng nói quan trọng nhất cũng như quyết định cuối cùng vẫn là tiếng nói và quyết định của Tổng Thống Barack Obama và Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner.


Ngay trong bài viết của Thượng Nghị Sĩ Bob Croker, ông có nói đến điều này, bảo rằng “phải nhìn vào sự thật là chỉ có hai người có quyền quyết định vấn đề đang được tranh cãi là tổng thống và chủ tịch Hạ Viện.” Thượng Nghị Sĩ Lamar Alexander cũng đưa ra phát biểu tương tự, cho rằng “535 vị dân cử (gồm 435 dân biểu và 100 thượng nghị sĩ) không thể quyết định được gì cả” chỉ có hai người là ông Obama và ông Boehner. “Nếu hai ông đồng ý với nhau, chuyện sẽ xong, còn không thì vấn đề sẽ tiếp tục kéo dài” cho tới khi nào hai nhân vật quan trọng nhất nhì của chính trường Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận.


Một trong những phụ tá của Thượng Nghị Sĩ Harry Reid, trưởng khối đa số Thượng Viện, cũng lên tiếng xác nhận điều đó. “Cuối cùng, tổng thống là người quyết định cho bên (Dân Chủ) chúng tôi về những điều ông muốn, từ chuyện cắt giảm những chương trình nào cho tới chuyện ông có giữ nguyên ý định tăng thuế đối với những người có mức thu nhập $250,000/năm hay không. Chúng tôi không thể quyết định thay cho tổng thống, Ủy Ban Tài Chánh Thượng Viện cũng không thể quyết định thay cho tổng thống được. Bên Cộng Hòa cũng thế, không ai có thể quyết định thay cho Chủ Tịch Boehner được cả.”


Nhưng nếu nghe ông Obama và ông Boehner phát biểu, mọi người thấy ngay quan điểm của hai ông vẫn cách xa nhau một trời một vực.


Thứ Ba vừa rồi Tổng Thống Obama nói tại cuộc Hội Thảo Kinh Tế Round Table là ông “không chấp nhận lối làm việc của bên Cộng Hòa,” gọi đó là cách làm việc “nửa vời,” không thật tâm muốn cùng Tòa Bạch Ốc “giải quyết vấn đề.” Vài giờ sau đó, đến phiên ông Boehner lên tiếng, bảo “tôi đã nói nhiều lần rồi và tôi chẳng ngần ngại nhắc lại một lần nữa: chẳng đi tới đâu cả.” “Chẳng đi tới đâu cả,” ông nhấn mạnh, nhưng không vội kết luận cuộc thương thảo giữa hành pháp và lập pháp để giải quyết ngân sách quốc gia đang gặp bế tắc trong lúc hạn chót 31 Tháng Mười Hai ngày càng gần kề.


“Chắc quý vị còn nhớ ngay sau ngày bầu cử, tôi có nói là phải làm việc thật nhanh để giải quyết khó khăn, nhưng điều đáng tiếc là bên Tòa Bạch Ốc cứ khăng khăng đưa ra những đề nghị cũ kỹ không được cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện thông qua,” ông Boehner giải thích tiếp. Ngưng một lát, chính trị gia đang lãnh đạo đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện bảo thêm “đề nghị của Tòa Bạch Ốc là đề nghị Tổng Thống Barack Obama đã từng nói tới hồi Tháng Hai năm ngoái tới giờ, chẳng có gì mới, chẳng có gì đáng để chúng tôi phải xem xét.”


Những điều Tổng Thống Obama và ông Boehner đưa ra chỉ nói lên một điều cả nước đều đã biết: căng thẳng chính trị vẫn là căng thẳng giữa hành pháp và lập pháp, giữa Tòa Bạch Ốc và Quốc Hội, giữa đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa. Có nhiều người còn nửa đùa nửa thật bảo “rất nhiều ý kiến được đưa ra, nhiều giải pháp được đề nghị, nhưng câu hỏi cuối cùng vẫn là liệu ông Obama và ông Boehner có lắng nghe hay không. Nhìn đúng nhất, đây là trận chiến chính trị giữa ông Obama Dân Chủ và ông Boehner Cộng Hòa.”


Nói thế, nhìn thế, cũng chẳng sai.

MỚI CẬP NHẬT