5 phim khó rời mắt khỏi màn hình của hãng A24 đang chiếu trên Showtime

Nhất Anh/Người Việt

HOLLYWOOD, California (NV) – Trong những năm gần đây, cái tên A24 càng ngày càng khẳng định vị thế của mình trong bản đồ điện ảnh thế giới với hàng loạt phim hay, đoạt giải Oscar.

Mia Goth có màn thể hiện xuất sắc trong phim “Pearl.” (Hình: Facebook A24)

Từ một hãng phim độc lập nhỏ được thành lập năm 2012, cho đến nay, sau 11 năm, hãng A24 cho ra mắt nhiều tác phẩm đem lại giá trị nghệ thuật cao, đi ngược lại với xu hướng làm phim giải trí để khai thác các góc nhìn mới lạ, đôi khi có phần kỳ dị, nhưng đều đọng lại nhiều suy ngẫm cho người xem và cả sự ngưỡng mộ dành cho ê kíp làm phim.

Dưới đây là năm tác phẩm của hãng A24 hiện đang chiếu trên trang mạng xem phim trực tuyến Showtime mang một chút yếu tố kỳ lạ, cá biệt, sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn trong Tháng Chín này.

Pearl (2022)

Nếu muốn thưởng thức một tác phẩm nào có thể hù dọa mình thì bạn không nên bỏ lỡ qua bộ phim “Pearl.” Mia Goth có màn hóa thân xuất sắc trong bộ phim tâm lý của đạo diễn Ti West, mở đường cho sự nghiệp ngày càng thăng tiếng của nữ diễn viên trẻ sau một thời gian xuất hiện với các vai phụ.

Trong phim, Mia Goth vào vai Pearl, cô gái gốc Đức sinh sống cùng với gia đình ở một vùng quê hẻo lánh ở Mỹ trong giai đoạn Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ. Chồng của cô, Howard, do Alistair Sewell đóng, tòng quân đi lính mấy năm liền không liên lạc được, bỏ cô bơ vơ với người mẹ hà khắc và người cha bị liệt.

Ẩn sâu trong tâm hồn của Pearl là khao khát được trở thành một nữ vũ công nổi tiếng nhưng điều đó nhanh chóng bị dập tắt từ gia đình. Pearl tiếp tục phải sống trong cảnh ngột ngạt của vai trò là người vợ hiền, con thảo khi bản thân cô vốn không hề đơn giản như thế. Dần dần bản tính lương thiện bên trong cô thay thế bằng “con quỷ” độc ác, bắt đầu giết người để có thể đạt được điều mình mong muốn.

Đặc biệt, tạo hình của Mia Goth sẽ khiến khán giả bị đánh lừa khi cô luôn xuất hiện với hình ảnh cô gái ngây thơ, có phần ngô nghê, cộng với chiếc đầm đỏ như máu như báo hiệu cho khán giả về một nội tâm bên trong rùng rợn.

“Midsommar” là tác phẩm kinh dị đem lại cho khán giả sự rùng rợn dưới vỏ bọc là màu sắc nên thơ, trong trẻo. (Hình: Facebook A24)

Midsommar (2019)

Bạn đừng để màu sắc rực rỡ, vui tươi trong phim “Midsommar” đánh lừa, mà đây chính là tác phẩm kinh dị về tà giáo gây nỗi ám ảnh cho người xem đến tận giây phút cuối cùng.

Bộ phim do đạo diễn Ari Aster thực hiện và kiêm luôn viết kịch bản, theo chân đôi tình nhân người Mỹ đến một vùng quê ở Thụy Điển để tham gia vào một lễ hội mùa Hè mà mỗi 90 năm mới có một lần.

Dani Ardor, nhân vật do minh tinh Florence Pugh thủ vai, rơi vào khủng hoảng khi người em gái của cô tự tử sau khi giết chết cha mẹ mình. Để giúp cô thoát khỏi ám ảnh quá khứ, người bạn trai Christian, do tài tử Jack Reynor đóng, miễn cưỡng mời cô đi đến Thụy Điển cùng với ba người bạn khác của mình.

Tuy nhiên, những tưởng đây sẽ là cơ hội giúp cho Dani chữa lành tâm hồn và hàn gắn tình cảm với Christian, họ lại phải đối đầu với những sự việc kỳ quặc diễn ra tại một không gian yên bình nhưng bí ẩn đến đáng sợ.

Mặc dù mang tính chất là một bộ phim kinh dị, đạo diễn Ari Aster còn gửi gắm nhiều ẩn dụ về sự hợp tan và buông bỏ quá khứ mà không phải ai cũng dễ nhận ra. Đặc biệt, Ari Aster còn kết hợp tài tình khi khéo léo lồng ghép những giai thoại dân gian của người Bắc Âu và sự pha trộn giữa các tín ngưỡng, tôn giáo và nghi lễ, đem lại một bữa tiệc điện ảnh đầy màu sắc ở phần nhìn nhưng lại sợ hãi ở bên trong.

“The Lighthouse” được quay hoàn toàn bằng cuộn phim trắng đen truyền thống, đem đến một trải nghiệm xem phim thú vị. (Hình: Facebook A24)

The Lighthouse (2019)

Năm 2019, đạo diễn Robert Eggers cùng với em trai của mình, nhà biên kịch Max Eggers, bắt tay thực hiện tác phẩm “The Lighthouse,” với sự góp mặt của tài tử Willem Dafoe và Robert Pattinson, được quay với nước màu trắng đen cổ điển trong khung hình tỉ lệ 1.19.1, và được quay hoàn toàn trên những cuộn phim đen trắng truyền thống, thay vì quay màu kỹ thuật số và chỉnh thành trắng đen ở phần hậu kỳ, đem đến cho người xem trải nghiệm xem phim kiểu ngày xưa.

Bộ phim theo chân hai người đàn ông làm việc canh giữ ngọn hải đăng xa xôi không một bóng người. Giữa một biển cả mênh mông u ám và cô quạnh, hai người đàn ông, một già một trẻ, đối diện với nhau bằng đôi mắt “trần trụi” nhất với những bí mật đen tối thẳm sâu trong tâm can dần được phơi bày, cùng với tâm trí dần trở nên bất ổn.

“The Lighthouse” quả thật không phải là một bộ phim dễ xem, đôi khi còn sẽ khiến người xem có cảm giác bức bối, ngột ngạt như chính cái cách mà hai nhân vật bị mắc kẹt trong một ngọn đèn hải đăng trên một hòn đảo không một bóng người và giữa tâm bão lớn.

Bộ phim còn mang tính trừu tượng khá cao, lấy cảm hứng từ câu chuyện thần thoại của người Hy Lạp xưa, đòi hỏi người xem phải có vốn sống và kiến thức giàu có thì mới có thể hiểu rõ được từng được gửi gắm vào phim.

“Lady Bird” dõi theo những tâm tư, suy nghĩ của cô gái 17 tuổi Christine “Lady Bird” McPherson (trái). (Hình: Facebook A24)

Lady Bird (2017)

“Lady Bird” của nữ đạo diễn Greta Gerwig không đơn thuần chỉ là một bộ phim về tuổi teen mà còn xứng đáng được xem là tác phẩm về tuổi mới lớn đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy con cái của cha mẹ để thấu hiểu những tâm tư và suy nghĩ của các em trong độ tuổi “ẩm ương” này.

“Lady Bird” theo chân cô nàng Christine “Lady Bird” McPherson, 17 tuổi, do Saoirse Ronan đóng, sinh sống ở một thành phố nhỏ ở Sacramento, California, trong một gia đình lao động vất vả.

Qua lăng kính của Christine, khán giả dường như thấy được những tâm tư thầm kín và sâu lắng của thế hệ Mỹ khi đại đa số luôn cảm thấy tự ti về xuất phát điểm của mình. Ngoài ra, những chuyển biến trong hành động, suy nghĩ và tâm tư của Christine sẽ khiến người xem giật mình nhận ra chính mình thời còn trẻ cũng như thế.

Trong khi đó, sự khác biệt trong suy nghĩ và quan niệm giữa cha mẹ và con cái cũng được đạo diễn Greta Grewig lột tả đầy chân thật khi một bên là một người trẻ được gán là “nổi loạn” khi vùng vẫy thoát ra thành phố buồn tẻ mình sinh sống, chuyển sang bờ Đông đầy thú vui và cơ hội để theo đuổi sự nghiệp; còn một bên là bậc cha mẹ, mà ở đây là mẹ của Christine, nữ y tá Marion, do Laurie Metcalf đóng, thương con vô vàn, đại diện cho những suy nghĩ thực tế về việc duy trì “cơm áo gạo tiền” và bảo bọc, muốn con làm theo ý mình.

Emma Watson hóa thân thành cô nàng thiếu niên “đạo chích” Nicki Moore trong phim “The Bling Ring.” (Hình: Facebook A24)

The Bling Ring (2013)

“The Bling Ring” là một trong số những tác phẩm đầu tiên do A24 sản xuất và phát hành, đọng lại nhiều ấn tượng cho giới phê bình và chuyên môn điện ảnh.

Bộ phim do nữ đạo diễn Sofia Coppola thực hiện, dựa trên câu chuyện có thật trong bài báo của nữ nhà báo Nancy Jo Sales mang tên “The Suspects Wore Louboutins,” từng đăng trên tạp chí Vanity Fair.

Tác phẩm tái hiện lại vụ cướp chấn động của một nhóm thanh thiếu niên ở Los Angeles, California, từ năm 2008 đến năm 2009, nhắm vào các nghệ sĩ nổi tiếng thời đó như Paris Hilton, Audrina Patridge hay Lindsay Lohan.

Mặc dù câu chuyện đã được nữ đạo diễn Sofia Coppola thay đổi tên và một số chi tiết nhỏ khác về những gì thực sự đã xảy ra, “The Bling Ring” vẫn đào sâu vào tâm lý của những đứa trẻ thanh thiếu niên lớn lên với tổn thương từ gia đình.

Đặc biệt, vai chính của phim của nữ diễn viên người Anh Emma Watson thực hiện đã lột tả được tính cách nhân vật rõ nét. Đây cũng là vai diễn đầu tiên của cô sau một thời gian dài gắn bó với vai cô phù thủy Hermione trong series phim “Harry Potter” đình đám. (Nhất Anh) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]