‘Chúng Mình Đẹp Đôi,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Tuấn Khanh

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Cũng như “Chiều Biên Khu,” nhạc phẩm “Chúng Mình Đẹp Đôi” của Tuấn Khanh vừa là một bản nhạc tình mà cũng vừa là một bản “nhạc lính” nữa.

Nhạc phẩm “Chúng Mình Đẹp Đôi” của Tuấn Khanh. (Hình: Tài liệu)

Nội dung nhạc phẩm viết theo điệu Slow Rock xoay quanh mối tình đẹp như mơ của một chàng trai nơi tiền tuyến và một nàng con gái ở hậu phương, yêu nhau mà không được cùng sống bên nhau lúc quê hương miền Nam Việt Nam đang đắm chìm trong khói lửa chiến chinh. Bài hát nói lên khía cạnh tích cực trong những mối tình mùa chinh chiến của tuổi trẻ tại miền Nam tự do thời Chiến Tranh Việt Nam (1960-1975).

“Từ miền đồi núi anh trở về nơi dấu yêu/ Những lúc trời chiều thấy nhớ càng nhiều/ Đành rằng mai mốt đã về còn thương nhớ chi/ Anh đã thức trọn một đêm vừa ý.”

Trên đường về nhớ đầy, người lính chiến đang trên đường về phép thăm nhà và thăm lại người yêu thấy lòng nôn nao khôn xiết cho dẫu đã biết rằng trước sau gì thì mình cũng sẽ gặp lại hình bóng thương yêu nơi quê xưa của người tình và người thân.

“Chiều hành quân đã đôi lần chợt nghe nhớ em/ Vẽ bóng hình vào vách núi rừng già/ Chợt nhìn bên suối có một loài hoa thắm tươi/ Muôn đời chẳng phai đem về tặng em.”

Nỗi nhớ này không phải vào lúc này mới xuất hiện mà đã từng vương vấn trong tâm hồn người chiến sĩ miền xa, kể cả những chiều hành quân và những lúc người lính chiến vẽ hình người em yêu trên vách đá hay khi đang tìm hái cánh hoa rừng để làm quà cho em trong ngày vui tái ngộ.

“Em bảo chiều hôm anh ra đi/ Hạt sương nghe chia ly rơi xuống chan hòa đôi mi/ Vai anh dù mưa nắng dãi dầu/ Nguyện sẽ chiếm công đầu, đừng sầu vì đêm quá lâu.”

Người em gái nhỏ chốn quê nhà từng kể với anh hồi ức về ngày hai đứa xa nhau, lúc đó em đã nhỏ lệ thương yêu và anh đã an ủi em đừng than, đừng khóc biệt ly người ơi ra sao, với lời hứa hẹn sẽ lập công nơi chiến trường để ngày về phép khoe với em.

“Tuần rồi anh đã không gửi về em cánh thư/ Cốt giấu ngày về chắp nối lời thề/ Ngày nào trăng khuyết nay lại tròn tươi nét môi/ Ai ngờ chiều nay chúng mình đẹp đôi.”

Để tạo ngạc nhiên cho người yêu trước giờ hạnh phúc sum vầy, chàng trai lính chiến đã làm bộ quên không viết thư cho em từ cả tuần rồi, dĩ nhiên là để cho cảm xúc lúc đôi bạn lòng gặp lại nhau sau bao nhiêu tháng ngày xa cách thêm phần dạt dào thương yêu và đậm đà hương vị…

***

Ca khúc “Chúng Mình Đẹp Đôi” của Tuấn Khanh xứng đáng được xếp vào loại nhạc tỉnh và “nhạc lính” xuất sắc và nằm trong danh sách các nhạc phẩm được ưa chuộng nhất trong kho tàng âm nhạc Việt Nam Cộng Hòa.

Là một bản “nhạc lính,” “Chúng Mình Đẹp Đôi” diễn tả một cuộc tình diễm lệ thời chinh chiến tại miền Nam Việt Nam trong thế kỷ trước giữa một người trai nơi tiền tuyến và một người em gái chốn hậu phương khi họ bằng lòng sống xa cách nhau để cho anh chiến sĩ yên lòng lên đường làm nhiệm vụ của người trai thời ly loạn, với lòng hy vọng ngập tràn là đôi bạn lòng sẽ có dịp đoàn viên vào ngày mai khi đất nước hết binh đao.

Là một bản nhạc tình, “Chúng Mình Đẹp Đôi” đề cao một mối tình chung thủy không hề phai của một đôi uyên ương biết đặt nợ nước lên trên tình nhà, chấp nhận sống những tháng ngày tràn đầy yêu thương và nhung nhớ, mặt tuy xa cách nhưng lòng chẳng xa.

Bìa nhạc phẩm “Chúng Mình Đẹp Đôi” của Tuấn Khanh. (Hình: Tài liệu)

Trong dịp về phép thăm nhà và gặp lại người yêu sau bao tháng năm dài nhung nhớ, người lính Cộng Hòa không thể không hồi tưởng lại những đêm trằn trọc nằm nghĩ về người yêu nhỏ bé nơi quê nhà với biết bao kỷ niệm đẹp xa xưa, khiến lòng người trai nơi tiền tuyến luôn vấn vương hình ảnh của người em yêu nơi xa xăm phương trời ấy: “Từ miền đồi núi anh trở về nơi dấu yêu/ Những lúc trời chiều thấy nhớ càng nhiều”…

Và cả những chiều hành quân qua xóm nhỏ lúc nắng Xuân chưa nhạt màu nữa: “Chiều hành quân đã đôi lần chợt nghe nhớ em,” để rồi anh lại thơ thẩn vẽ bóng hình em yêu trên vách núi ven đồi. Đi xa hơn nữa, anh chiến sĩ của lòng em còn tìm cắt, cất mấy đóa hoa rừng đặng đem về tặng người anh yêu suốt đời: “Vẽ bóng hình vào vách núi rừng già/ Chợt nhìn bên suối có một loài hoa thắm tươi/ Muôn đời chẳng phai đem về tặng em”…

Nàng từng viết thư cho người yêu lính chiến kể lại chuyện ngày chàng trai ra đi, băng mình vào sương gió để sống trọn kiếp trai hùng, nàng đã không ngăn được dòng lệ tiễn đưa nhạt nhòa mi em ra sao: “Em bảo chiều hôm anh ra đi/ Hạt sương nghe chia ly rơi xuống chan hòa đôi mi.” Và chàng trai bèn lên tiếng an ủi người yêu chớ có u sầu làm chi mà làm nản chí nam nhi, để anh làm tròn sứ mạng diệt thù, cứu nước mà lập công nơi chiến trường đầy những gian nguy: “Vai anh dù mưa nắng dãi dầu/ Nguyện sẽ chiếm công đầu, đừng sầu vì đêm quá lâu”…

Để tạo ngạc nhiên cho người em gái hậu phương, chàng trai lính chiến đã ngừng viết thư về cho người yêu cả tuần trước ngày về sum họp: “Tuần rồi anh đã không gửi về em cánh thư/ Cốt giấu ngày về chắp nối lời thề.” Và cái mưu mẹo nhỏ này đã thành công tuyệt vời khi em hết sức bất ngờ khi gặp lại anh yêu sau biết bao trăn trở, thắc mắc tại sao thư em gởi đi mấy lần cho anh rồi mà đợi hồi âm chưa thấy: “Ai ngờ chiều nay chúng mình đẹp đôi!”

Các anh chiến sĩ Cộng Hòa, về mặt tinh thần, nương tựa phần lớn vào sự khích lệ của gia đình và những hứa hẹn về một tương lai tươi sáng của những người em yêu chốn quê nhà hoặc của những người em gái hậu phương trong vai trò người yêu của lính.

Vì thế, thật chẳng có gì lạ khi các bản nhạc tình và “nhạc lính” tại miền Nam tự do luôn đượm màu sắc yêu thương, nhung nhớ, lồng trong tình cảm son sắt, thủy chung của những đôi trai gái yêu nhau từ hai phương trời cách biệt, anh tiền tuyến em hậu phương. Và đó chính là tính nhân bản tốt đẹp và đáng trân quý của xã hội miền Nam thời Chiến Tranh Việt Nam hồi hạ bán thế kỷ trước.

***

Tuấn Khanh, tên thật là Trần Trọng Ngọc, sinh tại Nam Định ngoài Bắc. Năm 1950, gia đình ông chuyển về Hà Nội, nơi đây ông học vĩ cầm từ người anh cả tên là Trần Trọng Tuấn, dẫn đến việc ông chọn tên Tuấn và tên Khanh, là tên của người con đầu lòng của ông anh, để ghép thành bút danh Tuấn Khanh của mình.

Tuấn Khanh tiếp tục học nhạc với các giáo sư Nguyễn Văn Diệp, De Haut và Rits. Năm 1953 ông đứng hạng nhì trong cuộc thi giọng hát hay của đài Pháp Á tại Hà Nội và giải nhất thanh nhạc của đài Phát Thanh Hà Nội.

Năm 1955, gia đình nhạc sĩ Tuấn Khanh di cư vào Nam. Tại Sài Gòn, ông đàn cho đài phát thanh và ban nhạc giao hưởng của Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn. Nhạc phẩm đầu tiên của Tuấn Khanh là “Đò Ngang” (viết cùng Y Vân).

Năm 1982, Tuấn Khanh sang Mỹ và định cư tại Garden Grove ở miền Nam California. Tại đây, ông có mở một quán phở mang tên nhạc phẩm “Hoa Soan Bên Thềm Cũ” của ông.
Năm 2002, trung tâm Thúy Nga thực hiện băng nhạc “Paris By Night 64 – Đêm Văn Nghệ Thính Phòng,” vinh danh Tuấn Khanh cùng hai nhạc sĩ Vũ Thành An và Từ Công Phụng.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh. (Hình: Ðức Tuấn/Người Việt)

Năm 2021, trung tâm Thúy Nga lại thực hiện chương trình “Thúy Nga Music Box 41” với tựa đề “Tình Khúc Tuấn Khanh – Chiếc Lá Cuối Cùng,” với các ca sĩ Ý Lan, Ngọc Anh và Trần Thái Hòa.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh còn có các bút danh khác khi sáng tác, như Thương Hoài Thương (“Lệ Tình,” “Tuy Anh Không Nói”…), Trần Kim Phú (“Vì Lỡ Thương Nhau,” “Tỉnh Giấc”…), và Hoàng Mộng Ngân (“Tình Buồn Em Gái”…). (Vann Phan) [qd]


Nhạc phẩm “Chúng Mình Đẹp Đôi” của Tuấn Khanh

Từ miền đồi núi anh trở về nơi dấu yêu
Những lúc trời chiều thấy nhớ càng nhiều
Đành rằng mai mốt đã về còn thương nhớ chi
Anh đã thức trọn một đêm vừa ý.

Chiều hành quân đã đôi lần chợt nghe nhớ em
Vẽ bóng hình vào vách núi rừng già
Chợt nhìn bên suối có một loài hoa thắm tươi
Muôn đời chẳng phai đem về tặng em.

Em bảo chiều hôm anh ra đi
Hạt sương nghe chia ly rơi xuống chan hòa đôi mi
Vai anh dù mưa nắng dãi dầu
Nguyện sẽ chiếm công đầu, đừng sầu vì đêm quá lâu.

Tuần rồi anh đã không gửi về em cánh thư
Cốt giấu ngày về chắp nối lời thề
Ngày nào trăng khuyết nay lại tròn tươi nét môi
Ai ngờ chiều nay chúng mình đẹp đôi.