Lần đầu gặp gỡ một thiên thần

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: [email protected]

TC-CA 

Nhớ lại cái ngày đầu tiên, khi gia đình tôi vừa được hạ cánh xuống phi trường quốc tế San Francisco, (Hình minh hoạ: MONICA M. DAVEY/AFP via Getty Images)

Tháng Bảy là một tháng đánh dấu nhiều biến cố cho riêng tôi và gia đình tôi. Tháng Bảy mang một ý nghĩa rất đặc biệt, ngoài việc cùng cả nước mừng ngày lễ Độc Lập, ngày mà những bậc tiền nhân tại xứ sở này khi xưa, đã từ khắp phương xa, vượt hiểm nguy đi tìm lẽ sống, đã đổ đến mảnh đất hoang vu này và sau đó đã lập nên một quốc gia, một đất nước hùng mạnh, gọi là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Hai Mươi Tháng Bảy (20/7/1954) cũng là ngày để ngậm ngùi hồi tưởng lại Ngày Quốc Hận trên cố quốc, nơi quê hương cũ của tôi bị phân chia Nam Bắc.

Gia đình tôi đã vượt đại dương đi tìm tự do đã đến được nơi đây, và cũng như mọi người, buổi ban đầu đầy gian nan, khó khăn, nhưng nhờ vào lòng nhân ái, người đến trước giúp đỡ người sau, mọi người đều đã góp phần vào việc xây dựng một đất nước giầu mạnh hơn.

Nhớ lại cái ngày đầu tiên, khi gia đình tôi vừa được hạ cánh xuống phi trường quốc tế San Francisco, California, để chính thức được nhập cảnh, làm một thành viên, rồi là con dân nơi vùng đất lạ này.

Ngày đó, cách nay đã hơn bốn thập niên, tôi đứng tần ngần bên chiếc điện thoại công cộng bên trong phi trường San Francisco, nơi chúng tôi vừa hạ cánh để bắt đầu cuộc sống mới của một người nhập cư trên vùng đất tự do.

Cầm trong tay $1 mà người bạn cùng chuyến bay đưa cho tôi, sau khi nói chuyện và biết chúng tôi không có được một xu trong túi, anh ấy rất ngạc nhiên “Ôi, đông con thế mà lại không có tiền, khá khó khăn đấy, khi đến nơi, làm thế nào để bạn gọi gia đình của bạn? Đây, tôi chia cho bạn $1.”

Cầm tờ giấy ghi số điện thoại, tôi loay hoay không biết gọi thế nào, nhìn quanh, vợ tôi đang ôm đứa út đứng bên chiếc ghế dài trống, đứa con gái nhỏ mới năm tuổi, bám lấy áo mẹ đứng bên cạnh, cả hai nhìn tôi dáng mệt mỏi, lo âu trên nét mặt, còn cậu con trai lớn thì đang tò mò, quanh quẩn ngắm nhìn cảnh vật lạ lẫm xung quanh. Tội nghiệp thay, họ vừa phải trải qua một chuyến bay dài mệt mỏi, nhồi nhét hàng chục tiếng đồng hồ trên máy bay, mới đến được mảnh đất này.

Đói khát, và ngơ ngác trước những gì đang diễn ra. Tôi phải ra hiệu khuyến khích mãi, vợ tôi mới dám tiến tới băng ghế, cho các con ngồi nghỉ.

Nhìn đồng đô la trên tay, rồi nhìn chiếc điện thoại công cộng, đứa con trai gần bốn tuổi, luôn theo sát tôi. Nó kéo tay tôi, rồi chỉ vào cửa hàng bách hóa bên cạnh, nơi có trưng bày đủ loại hàng, bánh kẹo và đồ chơi. Tôi cúi xuống, mỉm cười và nhẹ nhàng vỗ lưng nó, như an ủi.

Chợt nghe một giọng nói trong trẻo: “Cần giúp gì không, bạn tôi?”

Ngẩng lên, tôi thấy một cô gái trẻ nhanh nhẹn tiến lại: “Ông phải có tiền xu mới gọi được,” thấy tôi chần chừ, cô vội nói “Không sao, đừng lo, số điện thoại đâu? Để tôi giúp cho.”

Ông phải có tiền xu mới gọi được, (Hình minh hoạ: Tim Graham/Fox Photos/Getty Images)

Nhìn bộ dạng lôi thôi, quần áo tả tơi, chân đi đôi dép lẹp xẹp, hành lý vỏn vẹn chỉ có một cái túi nhỏ, chắc cô ta biết ngay, chúng tôi là dân mới đến, còn bỡ ngỡ, và cần được giúp đỡ.

Sau khi giúp tôi liên lạc với một người quen, cô ta nấn ná một lúc rồi chạy loanh quanh, mua cho chúng tôi vài ly nước, vài miếng bánh, hộp kẹo. Trước khi bỏ đi, cô ta nói “Chúc ông may mắn, ông không còn gì phải lo lắng nữa, vì đây là một đất nước tự do, một vùng đất của cơ hội cho những ai biết tận dụng nó.” Và đó là hương vị ngọt ngào đầu tiên, mà chúng tôi đã trải nghiệm trong ngày đầu tiên, trên đất nước hoàn toàn xa lạ này.

Trong quá trình của cuộc sống nơi vùng đất mới, chúng tôi đã gặp không ít những trở ngại, khó khăn, đôi khi tưởng chừng như là khó mà vượt qua được. Mỗi lần như vậy, tôi thường nghĩ tới cái ngày đầu tiên đó mà thầm cảm ơn, và nhận thức rằng, nơi đất nước này, nếu chúng ta lưu ý, sẽ thấy không phải là chỉ có một “thiên thần” mà còn có hàng triệu “thiên thần,” mà mỗi người chúng ta đều đã tình cờ được gặp gỡ trong đời sống hàng ngày.

Nhiều chục năm sau, khi các con tôi đã khôn lớn và thành đạt trong cuộc sống, chúng có gia đình riêng và nuôi dạy con cái trở thành những người tốt. Mỗi lần nhìn thấy lũ cháu vui vẻ nô đùa, những người Mỹ trẻ, đẹp trai, xinh gái, học hành giỏi giang, một thế hệ mới của nước Mỹ, tôi cảm thấy rất mãn nguyện, tự hào, sung sướng và biết ơn.

Cuộc đời này thật tuyệt vời khi mỗi người biết xóa bỏ hận thù và yêu thương nhau. Chúa phù hộ chúng ta, một nước Mỹ tươi đẹp.