Khổ nạn của đứa trẻ bụi đời

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: [email protected] 

Đào Hiếu
Ngoài những con mèo nhà, tôi có nuôi mấy con mèo hoang. (Hình minh hoạ: Spencer Platt/Getty Images)
Ngoài những con mèo nhà, tôi có nuôi mấy con mèo hoang trong nhiều năm, nhưng “quân số” không ổn định vì chúng sống lang bạt. Khi có con nào lâu quá không thấy mặt, thì có thể là nó đã đi nơi khác hoặc đã chết.
Mèo hoang chỉ đến với tôi vào ban đêm. Ban ngày chúng ở đâu, tôi không biết.
Và mặc dù tôi nuôi chúng đã lâu, hai bên đã quen mặt, quen hơi… nhưng chúng không có tên và chúng cũng không cho tôi lại gần, đừng nói là tôi có thể bồng bế, vuốt ve chúng.
Thỉnh thoảng tôi thử bắt một con, nhưng chúng vùng ra, chạy thoát, mặc dù không bao giờ chúng cào hay cắn tôi vì dẫu sao chúng cũng biết rằng tôi nuôi chúng, tôi thương chúng.
Trong số mèo hoang đó, có một con màu vàng đất, thường đến trễ nhất. Tôi nuôi nó đã hơn ba năm, và mặc dù mỗi ngày nó chỉ đến ăn một bữa tối nhưng cũng khá mập vì được ăn uống đầy đủ. Và ăn toàn cá.
Cánh cổng sắt nhà tôi có chừa mấy cái lỗ để mèo hoang có thể bước vào trong cổng mà ăn, vì thức ăn tôi để bên trong cổng. Nếu để bên ngoài thì chó hàng xóm sẽ ăn hết và mèo sẽ đói.
Bữa nọ, khi tôi đem tô thức ăn ra cổng thì thấy nó đang ngồi chờ. Khi tôi đặt tô cá xuống trước mặt nó, thì phát hiện một vết thương lớn bằng ngón chân cái ngay trên má bên phải, máu mủ nhầy nhụa trông rất dễ sợ. Tôi nghĩ là nó vừa trải qua một cuộc đụng độ ác liệt với đồng loại, hoặc là bị chó cắn, hoặc bị hàng xóm dùng dao chém, nên vết thương mới lớn như vậy.
Mấy này sau, tôi định bắt nó để đem thú y chữa trị nhưng không cách gì bắt được vì nó rất nhát.
Tôi hỏi bác sỹ thú y. Ông giải thích:
-Không phài do cắn lộn hay do bị đánh đập gì đâu. Nó bị bướu. Cục bướu nằm dưới da. Cứ lớn dần rồi bể ra, thành vết thương.
-Có phải là ung thư không?
-Gần như vậy. Nhưng không phải ung thư vì nó do một loại virus gọi là FIV nhiễm trong máu. Loại vết thương này rất khó lành.
Tôi thử trộn thuốc kháng sinh vào trong cá để cho nó ăn. Một tuần sau vết thương khô đi và có màu đen. Tôi mừng quá, nghĩ rằng nó đang bình phục. Nhưng chỉ mấy hôm sau thì máu mủ lại chảy tùm lum, nhầy nhụa như cũ.
Bác sỹ khuyên tôi nên ngưng kháng sinh, để cơ thể nó tự đề kháng. Nhưng gần như vô vọng. Vết thương cứ tồn tại trong suốt hơn một năm, vào thời kỳ COVID-19.
Tôi vẫn tiếp tục bồi dưỡng tối đa cho nó. Ăn toàn cá biển. Cũng may là nó ăn được, và ăn nhiều gấp đôi những con mèo nhà.
Sang năm thư hai thì vết thường trên má bên phải gần như lành hẳn.
Một buổi tối nọ, khi tôi đem cá cho nó thì thấy lông bắt đầu mọc phủ gần kín vết thương. Tôi mừng đến rơi nước mắt. Cám ơn Trời, Phật đã thương xót một chúng sinh bé nhỏ, côi cút, đã giúp cho kẻ hèn mọn là “tôi” giành lại sự sống cho con mèo nhỏ bé!
Nhưng chỉ mấy ngày sau, một buổi tối, khi tôi đem thức ăn cho nó, thì phát hiện một vết thương lớn gấp đôi vết thương trước ở ngay trên cổ, giữa hai vành tai. Vết thương cũng đầy máu mủ.
Bác sỹ thú y nói:
-Cháu đã nói với chú rằng loại vết thương này không lành được. Nó giống như ung thư vậy.
Lành chỗ này thì nó di căn sang chỗ khác. Và nó cứ như thế cho đến khi con mèo chịu không nổi và chết.
-Nhưng nó ăn rất nhiều. Và chú bồi dưỡng tối đa.
Nó tội tình gì mà phải chịu khổ nạn này? (Hình: Đào Hiếu)
-Còn nước còn tát, chú ơi! Vị trí vết thương quá hiểm, nếu phẫu thuật sẽ chạm đến động mạch cổ, khí quản, thực quản… nó sẽ chết trên bàn mổ.
Bác sỹ đã nói thế, tôi cũng đành bó tay.
Chiều nay, khi đem thức ăn cho nó, tôi không dám nhìn vết thương khủng khiếp ấy, vì tôi sẽ không ngăn được nước mắt.
Càng gần gũi, nuôi nấng và chăm sóc những sinh vật nhỏ bé, côi cút… tôi càng thấy sự xuất hiện của sự sống trên hành tinh này thật vô nghĩa. Và tôi thấm thía câu nói của đức Phật: “Đời là bể khổ.”
Tôi thương những vật nuôi. Và tôi thương tôi. Vì thân phân của tôi cũng chẳng hơn gì chúng, nếu không nói là bi đát hơn chúng, vì tôi có trí tuệ, có ý thức sâu sắc về kiếp người. Tôi gặm nhấm cái số kiếp ấy từng ngày!
28/7/2023