2 nhà báo, 2 ‘đại trượng phu’

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: [email protected]

Lê Thi

Ông Bà Phan Khôi. (Hình: Diễn Đàn Thế Kỷ)

Hai nhà báo Phan Khôi và Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đều là những thức giả thời “tân cựu giao duyên.” Phan Khôi sinh năm 1887 ở làng Bảo An, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Còn Nguyễn Khắc Hiếu sinh năm 1889 ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây.

Hai ông có nhiều nét tương đồng. Cùng sinh vào những năm cuối thế kỷ 19, đều là những người xuất thân từ Nho Học nhưng lại đi làm báo Quốc Ngữ để sinh sống. Hai ông cộng tác với hàng chục tờ báo và cũng từng làm chủ bút những tờ báo nổi tiếng.

Trong làng báo, cả hai cùng nổi lên như những ngôi sao sáng vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tác, là những cây bút phóng khoáng xông xáo trên nhiều lĩnh vực, đi khắp miền đất nước. Một người được đánh giá là “chuẩn bị,” còn một người lại “mở đầu” cho sự ra đời của “Thơ Mới.”

Hai ông cũng được xem là những nhà Nho, nhà báo đầy cá tính. Nhưng Tản Đà là người trung thành với Nho Giáo, còn Phan Khôi thì khác “ông là nhà Nho đã phụ bạc một cách tàn nhẫn Nho Học để đi theo Tây Học.” (1) Vì thế hai ông có chỗ bất đồng với nhau.

Từ năm 1931, khi phụ trách tờ Phụ Nữ Tân Văn, Phan Khôi đã lái tờ báo đi vào con đường canh tân, ông bắt đầu tấn công nền cựu học, tấn công Nho giáo, kết án chế độ đại gia đình, công kích kịch liệt chế độ “tam cương.”

An Nam Tạp Chí của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu liền nhảy vào vòng chiến. Nhà nho Phan Khôi và nhà nho Nguyễn Khắc Hiếu “giao tranh” ác liệt trong một cuộc bút chiến kéo dài.

Nhà thơ Tản Đà. (Hình: VN Express)

Trên An Nam Tạp Chí số 29 ngày 20 Tháng Hai, 1932 với tựa đề “Một Cái Tai Nạn Lưu Hành ở Nam Kỳ: Phan Khôi,” Nguyễn Khắc Hiếu nhân danh giới Nho Học kết án Phan Khôi ba tội: “Vu hãm tiên hiền, loạn ngôn hoặc chúng, bại hoại phong hóa.”

Với tội danh như vậy, Tản Đà kêu án “xử chém” Phan Khôi. Nhưng để Phan Khôi được biện hộ ông cho “trảm giam hậu” (để lại chứ chưa chém ngay).

Tiếp đó, trên số báo số 37 ra ngày 16 Tháng Tư, 1932, Tản Đà buộc Phan Khôi phải chịu một hình phạt độc đáo… “chịu ba trăm roi đòn, chia đánh ở ba nơi:

– Ở trước sân Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội là nơi gốc văn vật của sự học Nho của nước ta.

– Ở Huế, là thủ phủ xứ Trung Kỳ

– Ở Quảng Nam là nơi chốn của tội nhân sinh trưởng và học tập.”

Để “trên có các vị Tiên Thánh, Tiền hiền cùng giám lãm, dưới có các sĩ phu trong phái Hán Học cũng được dự biết.”

Tản Đà còn chu đáo: “Ngoài cái tội án Phan Khôi đã nghĩ kết, chiếu theo thường luật có bắt tội oa chủ; vậy những tiền giải Phan Khôi từ Nam ra Bắc cho lại về đến Huế, về đến Quảng Nam do Ban Trị Sự của Phụ Nữ Tân Văn của bà Nguyễn Đức Nhuận phải trích tiền quỹ của báo ấy cung nạp, vì báo này đã đăng bài của Phan Khôi.”

Trong cuộc bút chiến, đôi lúc Tản Đà không giữ được bình tĩnh nên có những lời lẽ hết sức nặng nề như:

– “Cứ những lời ông Khôi viết trên tờ Tân Văn có nhiều những tính chất tầm bậy.”

-“…Thời một phần nhân đạo sẽ chẳng do đó mà dần dần lấn lún đến trở ra cầm thú cẩu trệ sao?”

Hay: “Gian thay! ông Phan Khôi, ác thay! ông Phan Khôi, tiểu nhân thay! ông Phan Khôi.”

Nghe chuyện, người ta cứ tưởng giữa Phan Khôi và Tản Đà chắc phải căng thẳng lắm. Thế nhưng… Khi Tản Đà mất, Phan Khôi có viết một bài đăng trên báo Tao Đàn (số Tháng Bảy,1939) với tựa đề “Tôi Với Tản Đà Thi Sĩ.”

Đoạn cuối của bài, Phan Khôi viết: “Lần uống rượu ở quán chả cá, chúng tôi thảo luận về cách ở đời của chúng tôi, nên làm sao? Ông Hiếu và tôi đều rập nói ‘Chúng ta nên gắng làm đại trượng phu.’ Rồi mỗi đứa đọc một đoạn này trong sách Mạnh Tử: ‘Cư thiên hạ chi quảng cư, lập thiên hạ chi chính vị, hành thiên hạ chi đại đạo, phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy võ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu’ mà cười phá lên, và uống cạn chén mình.

Trong khoảnh khắc ấy, chúng tôi thấy chúng tôi hào hoa vô cùng, phong nhã vô cùng, vĩ đại vô cùng thì làm sao chả trở nên một bạn đồng tâm cho được?

Mà bây giờ đây tuy một mất một còn, hai chúng tôi vẫn cứ hiệp nhau ở chỗ ấy chứ sao?

Ông Tản Đà ơi! Đại trượng phu… Chúng ta có phải đại trượng phu không? Ông Tản Đà?”

Những người biết Phan Khôi, đọc mấy lời trên không lấy làm ngạc nhiên, vì Phan Khôi là một con người hết sức rạch ròi, rạch ròi trong mọi chuyện.

Đối với ông, trong bút chiến: “phải giữ thái độ quang minh chính đại, khi người ta bẻ bác mình, mình còn lẽ nói lại thì đem ra mà nói lại, mình hết lẽ thì phải tỏ ý chịu cái thuyết người ta đi, nói rõ ra hễ thua thì chịu thua” hay “Tôi cũng biết rằng sự cãi nhau về học vấn chẳng qua là bênh vực cho chân lý…” và “phải lấy sự chân lí đắc thắng làm vui.” (2)

Trong bút chiến, ông luôn có thái độ trí thức đáng phục và “Chính thái độ trí thức đó đã giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề triết học bấy lâu bị thiên hạ hiểu rất mù mờ.” (Thanh Lãng)

Có lẽ đối với ông, ở trên đời “chân lý” và “sự trung thực” là những thứ quan trọng nhất những thứ khác chỉ là chuyện phụ.

Vì thế, trong đời thường ông hay bảo:

“Làm sao cũng chẳng làm sao,
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi.
Làm chi cũng chẳng làm chi,
Dẫu có làm gì, cũng chẳng làm sao.”

Nhưng khi tranh luận, ông lại bảo: “Người được nói không nên nói lấy được!”

Nói về ông, một nhà nho xứ Quảng, cử nhân Hồ Ngận có lời bình” “Với phong độ ấy, với chí khí ấy thật đúng là đại trượng phu trong Nho Giáo.” (3)

__________

(1) Theo Lưu Trọng Lư. Dẫn lại trong Nhớ Cha Tôi Phan Khôi của Phan Thị Mĩ Khanh. Nxb Đà Nẵng. 2001. tr 250.
(2) Báo Phụ Nữ tân văn số 54 ngày 29/5/1930
(3) Hồ Ngận, Quảng Nam Xưa & Nay, Nxb Thanh Niên. 2004. Trang 405,406