Ái Hữu Cựu Tù Cộng Sản Suối Máu giữ mãi tinh thần huynh đệ chi binh

Đằng-Giao/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Ái Hữu Cựu Tù Cộng Sản Suối Máu tổ chức buổi họp mặt Hè 2023 sáng Thứ Bảy, 9 Tháng Chín, tại Thư Viện Việt Nam ở Garden Grove.

Biệt Đội Văn Nghệ Ái Hữu Cựu Tù Cộng Sản Suối Máu trong nghi thức chào cờ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Tự lâu rồi, các chiến hữu cựu tù Suối Máu cứ theo thông lệ gặp nhau hằng năm để cùng nhau ôn lại những tháng ngày tủi hờn gian khổ trong các trại tù cải tạo Cộng Sản, lâu đến nỗi chính ông Vũ Long Sơn Hải, trưởng ban tổ chức, cũng không nhớ chính xác là bao lâu.

“Theo tôi nhớ thì chúng tôi gặp gỡ hằng năm có tới trên 20 năm rồi nhưng tôi không dám nói dứt khoát là bao lâu,” ông Hải nói. “Và tuy lấy tên là Ái Hữu Cựu Tù Cộng Sản Suối Máu nhưng chúng tôi sẵn sàng vui vẻ đón nhận tất cả các anh em cựu chiến binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.”

Ông thêm: “Buổi họp mặt mùa Hè bữa nay, ngoài lý do là để anh em cựu tù gặp gỡ nhau, ngồi bên nhau thưởng thức văn nghệ, chúng tôi còn để cùng nhau dành một phút mặc niệm cho một chiến hữu là Nguyễn Phương Cương, trước thuộc binh chủng Biệt Động Quân vừa vĩnh viễn chia tay chúng tôi hôm 25 Tháng Tám tại thành phố Westminster.”

Gian phòng râm ran tiếng thăm hỏi thân mật. Những chiến hữu thân tình nghiêm chỉnh thẳng người đưa tay lên trán chào nhau rồi mới bắt tay vồn vã.

Cựu Trung Tá Nhan Hữu Hậu cho biết ông rất vui cùng phu nhân là bà Minh Hiếu đến họp mặt với các chiến hữu.

Đây là dịp ông ôn lại thời gian nhục nhằn trong lao tù Cộng Sản.

Gian phòng ấm áp tiếng hỏi han, thăm hỏi nhau của những cựu tù Suối Máu. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông nhắc lại chuyện xưa: “Trước 1975, tôi là Lực Lượng Đặc Biệt Biệt Kích Dù rồi được biệt phái về Dinh Độc Lập trong vai trò trưởng nhóm bảo vệ. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên và đau buồn khi chưa nắm quyền tới 48 tiếng mà Đại Tướng Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng.”

Sau năm 1975, ông Hậu cũng như bao nhiêu chiến sĩ đã bị đọa đày khổ nhục từ trại tù này sang trại tù khác, khắp miền Nam rồi ra đến Bắc rồi lại vô Nam.

Nhưng, như bao nhiêu chiến hữu, tinh thần bất khuất của những người lính luôn sống mãi trong lòng ông.

“Tụi tôi lăn lóc bao nhiêu trại tù chứ không chỉ Suối Máu. Nhưng người lính lúc nào cũng là người lính,” ông chia sẻ.

Những vị lính già luôn tuân hành quân kỷ. Từ trái, ông Hồ Ngọc Minh Đức, ông Nhan Hữu Hậu và ông Phạm Minh Đức. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Hiện diện trong buổi họp mặt có ông Hồ Ngọc Minh Đức, một người chưa hề nếm mùi lao tù Cộng Sản.

Ông trình bày: “Tôi thuộc binh chủng Hải Quân và rời Việt Nam hôm 30 Tháng Tư, 1975, sau khi Đại Tướng Dương Văn Minh kêu gọi anh em binh sĩ buông súng đầu hàng nên tôi không bị lưu đày trong các trại tù cải tạo. Nếu ở lại thì chắc chắn tôi cũng bị đọa đày như các chiến hữu thôi.”

Hôm nay ông đến đây để được ngồi cùng phòng với các chiến hữu.

Ông Hồ Ngọc Minh Đức là thành viên Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ.

Trong số người trông ngóng được gặp lại anh em bằng hữu có cựu Trung Tá Phạm Minh Đức. Ông từng là sĩ quan huấn luyện viên kiêm cán bộ Trường Võ Bị Sĩ Quan Đà Lạt.

“Tôi chưa từng bị tù tại Suối Máu nhưng tôi đến đây gặp anh em vì tù ở đâu thì cũng là tù Cộng Sản thôi,” ông Đức khẳng định.

Từ trái, ông Vũ Long Sơn Hải, ông Lê Thành Long, bà Nguyễn Thanh Thủy và ông Trần Văn Phước chào mừng chiến hữu. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Có người chỉ đứng bên ngoài nhìn vào để tìm hiểu hơn về tâm tư người cha vợ qua đời vì COVID-19 năm 2021.

Ông Frank Nguyễn, cư dân Irvine, nói: “Hồi đó, tôi có lần chở ba vợ tôi họp mặt Cựu Tù Cộng Sản Suối Máu. Nói thiệt, hồi đó tôi bận coi nhà hàng nên rất làm biếng, tôi thường mướn người chở ông đi. Nhưng bây giờ nghĩ lại, nếu tôi chịu khó chút thì tôi có thể hiểu ông và cái ông và bạn bè kêu là huynh đệ chi binh.”

“Mấy ‘ổng’ thường nhậu rồi hát bài ‘Huynh Đệ Chi Binh’ (của Anh Bằng) rồi khóc với nhau,” ông thêm.

Bà Minh Hiếu hát nhạc phẩm “Tiếng Còi Trong Sương Đêm” của Lê Trực, bài hát có lời ca gắn bó tình người chiến sĩ với quê hương. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Một câu nói của người cha vợ mà ông Frank không quên được là “‘Huynh đệ chi binh’ là đặt sinh mạng mình vào tay bạn đồng đội và chịu trách nhiệm cho sinh mạng của bạn mình.”

Ông Frank kết: “Hồi đó tôi không tin. Nhưng bữa nay nhìn thấy ‘lửa’ trong mắt mấy ông cựu quân nhân ở đây, tôi thấy huynh đệ chi binh là có thiệt.” [qd]

–—-
Liên lạc tác giả: [email protected]